Đến 18h hôm nay (5.11) đã có ít nhất 7 người chết và mất tích

THÀNH CÔNG 05/11/2017 21:52

(QNO) - Đã có ít nhất 7 người chết và mất tích do ảnh hưởng của mưa lũ được ghi nhận, tính đến tối 5.11.

Tại miền núi, vào khoảng 10 giờ sáng nay, có 3 người dân đi xe máy qua địa phận xã Phước Hòa (huyện Phước Sơn) bất ngờ bị núi lở đổ sập, vùi lấp. Một người được cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, hai người còn lại vẫn đang mất tích. Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng cứu hộ đã lập tức được huy động nhưng do địa hình phức tạp, sạt lở nhiều vị trí nên việc tiếp cận và ứng cứu gặp nhiều khó khăn. Đến tối 5.11, công tác cứu hộ buộc phải tạm dừng. Ngoài ra, có 12 hộ dân được di dời khỏi vùng sạt lở.

Sạt lở núi làm nhiều người chết và mất tích. Ảnh: sạt lở ở địa bàn xã Phước Thành, huyện Phước Sơn khiến một nhà dân và một trường học bị vùi lấp.
Sạt lở núi làm nhiều người chết và mất tích. Ảnh: sạt lở ở địa bàn xã Phước Thành, huyện Phước Sơn khiến một nhà dân và một trường học bị vùi lấp.

Tại huyện Bắc Trà My, sạt lở núi đã khiến 3 người chết và mất tích. Tại khu vực tổ Mậu Cà (thị trấn Trà My), mưa bão làm đất đá đã sạt vào nhà ông Trần Ngọc Quỳnh vùi lấp con gái ông Quỳnh là em Trần Thị Mai - học sinh lớp 11, hiện lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể. Ngoài ra, sạt lở đất cũng đã vùi lấp ông Nguyễn Văn Sơn (70 tuổi, thôn 3, xã Trà Nú), vẫn chưa tìm được thi thể nạn nhân. Một trường hợp khác được ghi nhận bị lũ cuốn trôi khi đang ngủ trong một ngôi nhà cạnh bờ sông Trường ở xã Trà Giang cũng chưa tìm được tung tích.

Tại thị xã Điện Bàn, chiều 5.11, ông Trần Minh Tân (42 tuổi, ngụ xã Điện Minh) trong lúc bơi ghe đi đón người thân thì gặp nước xoáy làm lật ghe khiến ông Tân bị cuốn trôi. Tại Quế Sơn, cũng trong chiều 5.11, cháu Lê Thị Kim Ngọc (2 tuổi, ở xã xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn) bị rơi xuống nước tử vong. (THÀNH CÔNG)

Đình hoãn mọi cuộc họp chưa cần thiết để tập trung công tác chỉ đạo, phòng chống mưa lũ

Trước tình hình lũ dâng cao vượt mức báo động 3, mưa trên diện rộng với tổng lượng mưa từ 200 - 300mm, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu vừa có công điện khẩn yêu cầu các địa phương, ban ngành tích cực triển khai các biện pháp phòng chống khi mực nước có thể xấp xỉ đỉnh lũ năm 2009.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, cơ quan đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm công điện số 04/CĐ-UBND ngày 3.11.2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về chủ động ứng phó với tình hình bão số 12 và mưa lũ; yêu cầu chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, thông tin vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông, chỉ đạo Đài phát thanh truyền hình các địa phương tổ chức công tác truyền thông, thông tin kịp thời đến nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Khẩn trương tổ chức thực hiện di dời, sơ tán dân ở vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất triệt để đến nơi an toàn trước 22 giờ ngày 5.11.

Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn; cương quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm, nơi dể sạt lở đất.

Công an tỉnh, Sở GTVT triển khai lực lượng tại các vị trí ngập sâu trên các tuyến quốc lộ 1A và các tuyến giao thông huyết mạch để hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến các phương tiện giao thông cơ giới đi lại an toàn, nghiêm cấm các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt các phương tiện chở người qua lại khi có lũ. Sở giao thông vận tải phối hợp với các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục ngay các điểm sạt lở đất đá, cây cối ngã đổ trên đường, bảo đảm thông tuyến, đi lại an toàn.

Sở  GD-ĐT, các địa phương và các trường đại học, cao đẳng cho học sinh. sinh viên nghỉ học vào thứ hai ngày 6.11.2017, không để bị  tai nạn do đi lại trong lũ.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn chủ động triển khai lực lượng, phương tiện cứu nạn,  cứu hộ nhân dân kịp thời, giúp các địa phương sơ tán dân, triển khai ngay hoạt động Văn phòng tiền phương tại huyện Đại Lộc đảm bảo các điều kiện ứng cứu nhân dân ở khu vực phía Bắc của tỉnh.

Đình hoãn các cuộc họp không liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống mưa lũ. Lãnh đạo các sở, ban, ngành, thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp khẩn trương tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ lụt theo địa bàn đã phân công.

Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam, Đài truyền thanh - phát lại truyền hình các địa phương thường xuyên đưa tin về tình hình diễn biến mưa lũ và chỉ đạo phòng chống khắc phục hậu quả ngập lụt của các cấp chính quyền địa phương để nhân biết chủ động phòng tránh.

Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ, kiểm tra quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lương mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; thực hiện tốt việc thông báo, điều tiết xả lũ linh hoạt và theo đúng quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, Ban chỉ huy PCTT-TKCN các ngành, địa phương, đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh theo dõi chỉ đạo.

THÀNH CÔNG

THÀNH CÔNG