Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu kiểm tra tình hình mưa lũ ở Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc (clip)

05/11/2017 12:32

Tin liên quan

  • Clip trận lốc xoáy kinh hoàng tốc mái 41 nhà dân ở Tam Hải
  • Miền núi sạt lở, cô lập; núi lở vùi lấp 2 người ở Phước Sơn
  • Sáng nay 5.11, lũ lên nhanh, nhiều vùng bị ngập sâu
  • Mưa lũ diễn biến phức tạp, nhiều người bị thương nguy kịch
  • Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công điện ứng phó bão số 12 và mưa lũ

* Phú Ninh: Di dời khẩn cấp người dân xã Tam Đàn và Tam An

* Công an xã Điện Phong (Điện Bàn) cứu kịp thời một người bị lũ cuốn trôi

(QNO) - Sáng nay 5.11, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đi kiểm tra tình hình phòng chống lũ lụt ở huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn và TP.Hội An. Phóng viên Báo Quảng Nam online Minh Hải và Lê Xuân Thọ đang có mặt trong chuyến kiểm tra của Chủ tịch UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu kiểm tra tình hình sạt lở tại Cửa Đại sáng nay. Ảnh: HẢI THỌ

Tại các địa phương trên, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao công tác phòng chống lụt bão, đồng thời lưu ý các địa phương cần tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ để hạn chế thấp nhất thiệt hại người và của. Sáng nay, hơn 30 người dân xã Điện Quang (thị xã Điện Bàn) đưa bò đi tránh lũ bị mắt kẹt giữa sông. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đưa phương tiện xuồng chuyên dụng ra ứng cứu người trước mắtau đó cứu bò cho dân.

Tình hình sạt lở khá nghiêm trọng ở Cửa Đại.
Tình hình sạt lở khá nghiêm trọng ở Cửa Đại. Ảnh: HẢI THỌ

Sau khi kiểm tra tại Đại Lộc và Điện Bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đến kiểm tra tại Hội An - địa phương đang chuẩn bị cho sự kiện đón tiếp phu quân, phu nhân APEC vào ngày 11.11 tới. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra tình hình sạt lở ở biển Cửa Đại.

Trên cơ sở thực tế kiểm tra và báo cáo của chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu TP.Hội An cần tiếp tục theo dõi sát sao tình hình mưa lũ, đặc biệt là chuẩn bị công tác khắc phục, dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ để kịp đón sự kiện phu nhân, quân quân APEC.

Một số công trình khách sạn ở bãi biển Cửa Đại bị xâm thực nặng nề.
Một số công trình khách sạn ở bãi biển Cửa Đại bị xâm thực nặng nề. Ảnh: HẢI THỌ

Theo tình hình mưa, lũ hiện tại, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết sẽ yêu cầu các đơn vị thủy điện vận hành xả lũ hợp lí hơn nhằm bảo đảm an toàn cho tài sản và tính mạng của nhân dân. “Nếu mực nước dưới báo động 1, thì cho xả lũ nhẹ, không quán 600m3/s để điều tiết lưu lượng nước về hạ lưu. Tránh tình trạng xả dồn dập sát ngày diễn ra chương trình phu quân phu nhân APEC” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu lưu ý.

Clip Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu kiểm tra tình hình sạt lở tại Cửa Đại (XUÂN THỌ ghi)

.

Kiểm tra tình hình sạt lở ở biển Cửa Đại, trước diễn biến còn phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chỉ đạo: “Trước tình trạng biển xâm thực Cửa Đại mạnh như hiện nay, yêu cầu TP.Hội An gấp rút điều động nhân lực, phương tiện, cát và bao tải khẩn trương kè chống một số tuyến đang bị xói lở nặng tại biển. Đồng thời túc trực sẵn sàng kè chắn những điểm sạt mới, yêu cầu Công ty CP Du lịch Hội An khẩn trương bỏ vốn cùng với TP.Hội An khắc phục tạm thời đoạn sạt lở bãi biển do khách sạn Hội An Beach quản lý.

Clip Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu:

.

* Vào thời điểm này, tại Hội An phát hiện 3 chiếc sà lan dùng vận chuyển cát đang neo đậu tại bến Bạch Đằng và có khả năng đe dọa đến cầu Cẩm Nam nếu bị đứt dây neo. Chính quyền TP.Hội An đã yêu cầu chủ sở hữu di chuyển 3 chiếc sà lan này đến nơi an toàn hơn.

Lúc 11 giờ 40 phút sáng nay 5.11, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết có 1 chiếc sà lan trôi từ hướng thị xã Điện Bàn xuống và chìm ngay tại cầu Cẩm Kim. Hiện các lực lượng chức năng đang khẩn trương kiểm tra xem có bị ảnh hưởng gì đến cây cầu Cẩm Kim hay không. (MINH HẢI - XUÂN THỌ)

Núi Thành: Thăm hỏi động viên các trường hợp bị thương nặng do gió lốc

Trưa nay 5.11, ông Nguyễn Văn Mau - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, UBND huyện đã đến thăm hỏi động viên 4 trường hợp bị thương nặng do lốc xoáy trưa 4.11 đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Mỗi trường hợp bị thương, UBND huyện Núi Thành hỗ trợ ban đầu 2 triệu đồng.

“Chúng tôi sẽ chỉ đạo UBND xã Tam Hải kiểm đếm thiệt hại, các trường hợp bị thương do thiên tai để làm thủ tục hỗ trợ” - ông Nguyễn Văn Mau cho biết.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Hữu - Chủ tịch UBND xã Tam Hải thông tin, ngay trong chiều và tối 4.11, UBND xã và các thôn đã di dời gia đình người dân bị sập, tốc mái đến ở các nhà người thân, hàng xóm để đảm bảo an toàn. Ông Hữu nói: “Riêng tại thôn Long Thạnh Tây vẫn chưa thể cập nhật được thiệt hại do vùng này là ốc đảo bị cô lập. Ngoài ra do tình hình thời tiết bất lợi, đò không thể qua lại nên địa phương vẫn chưa thể vào đất liền để thăm hỏi các trường hợp bị thương đi cấp cứu ở bệnh viện”.

Theo thống kê ban đầu, Núi Thành có 9 người tại xã Tam Hải bị thương. Trong đó có 4 người bị thương nặng là 3 cha con ở thôn Bình Trung: ông Bùi Văn Nhân (SN 1981, bị thương vùng đầu), cháu Bùi Kiều My (SN 2008, bị thương vùng đầu), cháu Bùi Thị Linh Đan (SN 2015, bị dập cánh tay và vỡ xương hàm); và ông Phạm Văn Thành thôn Long Thạnh Tây.

Toàn huyện có 102 nhà bị tốc mái, gồm xã Tam Hải 86 nhà, xã Tam Tiến 6 nhà, xã Tam Xuân 1 có 1 nhà, xã Tam Hiệp 8 nhà và 1 nhà ở xã Tam Mỹ Đông. Ngoài ra, tại xã Tam Quang chết 3 con trâu do bị điện giật và địa bàn xã Tam Mỹ Tây xuất hiện tình trạng mực nước phía trên và dưới đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chênh lệch nhau khoảng trên 60cm, gây ngập úng một số nhà dân khu vực trên đường… (ĐOÀN ĐẠO)

* Điện Bàn: Một người chết do lật ghe

Chiều 5.11, ông Trần Bường - Chủ tịch UBND xã Điện Minh cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ chết đuối, nạn nhân là anh Trần Minh Tân (SN 1975 trú ở Đội 1, thôn Bồng Lai) đuối nước do lật ghe.

Được biết, vào thời điểm trên anh Tân bơi ghe đi chở người thân. Không may gặp gió lớn làm lật ghe. Ngay sau khi nhận được tin báo, đội xung kích của xã Điện Minh đã tổ chức tìm kiếm nhưng do nước lũ đang dâng cao nên khoảng  hơn 30 phút sau đó mới tìm được thi thể của anh Tân. (PHẠM LỘC)

* Phú Ninh: Trước 17 giờ phải di dời khẩn cấp người dân xã Tam Đàn và Tam An

Khoảng 13 giờ 30 ngày 5.11, UBND huyện Phú Ninh phối hợp với lực lượng Công an tỉnh đang tổ chức di dời khẩn cấp 274 hộ với hơn 900 nhân khẩu, trong đó có khoảng 240 trẻ em với 35 người già tại thôn Vạn Long (Tam Đàn) ra khỏi vùng ngập úng. Được biết vào khoảng 12 giờ cùng, mức nước dâng cao hơn mặt đường tại thôn Vạn Long khoảng gần 1,5m. Chính quyền xã Tam Đàn đang tích cực tập trung vận động người già, trẻ em và phụ nữ rời khỏi khu vực ngập nước. Hiện đã có một vài hộ di dời về nhà văn hóa thôn Vạn Long.

Còn tại xã Tam An, khu vực thôn Thuận An cũng đang bị ngập úng rất nhanh và cô lập với bên ngoài. UBDN huyện Phú Ninh đang tổ chức di dời 50 hộ với khoảng hơn 200 nhân khẩu thôn này.

Hiện tại, công tác di dời đang khó khăn vì thiếu phương tiện và lực lượng.
Tổ chức di dời người già và trẻ em trước để đảm bảo an toàn. Ảnh: VINH THẮNG

Theo thông tin từ UBND huyện Phú Ninh, hiện có khoảng 45 chiến sĩ Công an huyện Phú Ninh, 33 chiến sĩ Công an tỉnh tham gia vào công tác di dời với 1 xuồng và 1 ca nô. Ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết: “Quá trình di dời dân sẽ được triển khai đến 17 giờ ngày 5.11. Sau đó, nếu hộ dân nào không chấp hành lệnh di dời thì UBND huyện sẽ phối hợp với lực lượng Công an tỉnh tổ chức cưỡng chế, yêu cầu chấp hành lệnh di dời”.

Đồng thời ông Thạnh cho biết cũng đã gửi văn bản yêu cầu UBND tỉnh cắt cử lực lượng, hỗ trợ phương tiện máy móc để quá trình di dời dân được thuận lợi. (PHAN VINH - THANH THẮNG)

Hiện tại, công tác di dời đang khó khăn vì thiếu phương tiện và lực lượng.
Hiện tại, công tác di dời đang khó khăn vì thiếu phương tiện và lực lượng. Ảnh: VINH THẮNG

* Trưa nay 5.11, lực lượng Công an xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn vừa cứu được một người dân bị nước cuốn trôi trong khi di chuyển qua đoạn đường ĐT610B đang bị ngập nước.

Nạn nhân Trần Văn Vũ (ngồi) sau khi được lực lượng chức năng đưa vào nơi an toàn. (Ảnh: CTV)
Nạn nhân Trần Văn Vũ (ngồi) sau khi được lực lượng chức năng đưa vào nơi an toàn. Ảnh: CTV

Theo thông tin ông Lê Lai - Chủ tịch UBND xã Điện Phong cung cấp, thanh niên là Trần Văn Vũ (SN 2001, ở thôn Kỳ Lam, xã Điện Thọ). Sáng nay Vũ xuống nhà bạn ở thị trấn Nam Phước chơi nhưng khi về đến khu vực Vũng Dinh (xã Điện Phong) thì nước ngập đến gần 1,5m và chảy xiết khiến Vũ bị cuốn trôi phải ôm cột điện và kêu cứu.

Nhận đươc tin báo, lực lượng công an và xã đội của xã Điện Phong lập tức đưa phương tiện ra ứng cứu. Nhưng do nước sâu và xoáy dẫn đến một ghe cứu hộ bị lật úp. Sau đó, lực lượng chức năng đã phải rất vất vả tiếp tục tìm cách thả phao sinh để kéo hết người bị nạn vào bờ lúc khoảng 11 giờ trưa.

Hiện tại, thanh niên bị nạn đã được sơ cứu, sức khỏe ổn định và đang tạm thời ở lại cơ quan công an của xã Điện Phong bởi nước lũ đang tiếp tục dâng cao chia cắt mọi tuyến đường trong khu vực này. (QUỐC TUẤN)

* Tại Hội An, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết đã đề nghị UBND tỉnh lên phương án cứu hộ khẩn cấp một sà lan của người dân bị trôi dạt, chìm và kẹt lại trên cầu Cẩm Kim. Hiện 1 nửa sà lan đã bị chìm.

Cũng theo ông Hùng, chiếc sà lan này khi đang hoạt động trên sông thì gặp sự cố, trên sà lan có bốn người. Do nước chảy quá xiết khiến sà lan trôi tự do tới cầu Cẩm Kim thì bị ghim lại. Bốn người dân có mặt trên sà lan này lúc này đã bám lên thành cầu thoát thân.

Ông Phan Trọng Nhân - Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim (TP.Hội An) cho biết rạng sáng nay lực lượng dân quân, cứu hộ tại chỗ của xã cũng đã kịp thời đưa một sản phụ (ở thôn Đông Hà) chuyển dạ đến trạm xá an toàn trong vùng nước lũ. “Một cháu nhỏ khác bị sốt cao nhưng nhà bị cô lập trong lũ cũng đã được lực lượng xã đưa lên ghe đến bệnh viện” - ông Nhân cho hay. (MINH HẢI - XUÂN THỌ)

* Tại cuộc họp của chính quyền TP.Hội An vào chiều nay về các phương án phòng chống lũ, chính quyền thành phố cho biết sẽ triển khai các phương án như đối phó với trận lũ lụt năm 1999. 

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết hiện tại tình hình mưa lũ tại địa phương đang được kiểm soát tương đối ổn. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài, cùng với thủy điện tiếp tục xả lũ và thủy triều đang dâng nên hiện tại mực nước tại Hội An là 2,6m và có khả năng sẽ dâng lên 3m từ đêm nay.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch TP.Hội An yêu cầu các địa phương, cơ quan, ban ngành liên quan phải hết sức khẩn trương tập trung lực lượng để di dời dân tại chỗ theo phương án từ nơi thấp đến nơi cao hơn và việc di dời phải hoàn tất trước 17 giờ chiều nay. Bởi hiện tại lưu lượng nước đang về các hồ chứa thủy điện là 8.000 - 9.000m3/s và từ 14 giờ chiều nay, thủy điện xả lũ với lưu lượng từ 2.000m3/s, do đó sẽ diễn ra lụt như tháng 12.1999. 

Trước tình hình này, ông Dũng cho biết đã có chỉ đạo đến các trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học vào ngày mai 6.11. Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Hội An - ông Kiều Cư cũng yêu cầu CSGT điều tiết giao thông, ngăn cản không cho các phương tiện tàu thuyền chở khách du lịch. “Cần phải chuẩn bị lương thực, nước uống; điều các tàu thuyền lớn, ca nô túc trực ở các địa điểm trọng yếu để sẵn sàng ứng cứu kịp thời nếu xảy ra những sự cố đáng tiếc” - ông Cư nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cư, sáng nay, khi đi kiểm tra cùng Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, Chủ tịch tỉnh có lưu ý việc thủy điện sẽ thường xuyên xả lũ nhằm điều tiết nước. Đến ngày 8.11, trời hết mưa, thủy điện ngừng xả lũ thì người dân tranh thủ thời gian dọn dẹp lại nhà cửa, vệ sinh môi trường cho sự kiện đón tiếp phu nhân, phu quân APEC vào ngày 11.11 tới. Các khách sạn ở vùng ngập nước cũng được yêu cầu di chuyển du khách đến nơi an toàn hơn. (MINH HẢI - XUÂN THỌ)