Mưa lũ diễn biến phức tạp, nhiều người bị thương nguy kịch

04/11/2017 15:24

Tin liên quan

  • Tiếp tục sạt lở bờ biển Cửa Lở
  • Bão số 12 tàn phá Nha Trang, 4 người chết, 5 người bị thương và 2 người mất tích
  • Hải sâm chết hàng loạt dạt vào bờ
  • Theo dõi chặt chẽ ảnh hưởng bão số 12, các địa phương triển khai phương án phòng chống

(QNO) - Tính đến khoảng 14 giờ ngày 4.11, do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 12, thời tiết trên địa bàn tỉnh đang có gió lớn kèm theo mưa to kéo dài. Ghi nhận của phóng viên Báo Quảng Nam online từ nhiều địa phương cho hay đã có thiệt hại ban đầu do mưa lũ gây nên. Các ngành và địa phương đang tích cực chủ động phòng tránh thiên tai, đặc biệt là hậu quả sau bão.

* Xã đảo Tam Hải (Núi Thành): 6 người bị thương, 4 người nguy kịch và hàng chục ngôi nhà hư hỏng

Một căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn ở thôn Bình Trung (xã Tam Hải)
Một căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn ở thôn Bình Trung (xã Tam Hải). Ảnh: ĐOÀN ĐẠO

Lúc 14 giờ chiều nay 4.11, Chủ tịch UBND xã Tam Hải Trần Ngọc Hữu thông tin, khoảng 10 giờ trưa cùng ngày, một cơn lốc xoáy lớn đã làm sập hàng chục ngôi nhà tại các thôn Bình Trung, Tân Lập, Long Thạnh Tây… Mưa gió cũng khiến 6 người bị thương. Trong đó 4 người bị thương nặng đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam; đặc biệt là trường hợp một ngôi nhà bị sập hoàn toàn khiến 3 cha con (một cháu 1 tuổi và một cháu 6 tuổi, thôn Long Thạnh Tây) bị thương rất nặng, đang trong tình trạng nguy kịch và được tích cực cấp cứu. Hai trường hợp bị thương nhẹ đang điều trị tại Trạm Y tế xã Tam Hải.

Nhiều căn nhà ở Tam Hải bị hư hỏng nặng do mưa bão.
Một thân cây dừa ngã đổ đè lên mái nhà người dân tại Tam Hải. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO

Cũng theo ông Hữu, tuy chưa kiểm đếm chính thức nhưng theo người dân báo cáo ban đầu, trên địa bàn xã Tam Hải có hơn 41 ngôi nhà bị sập hoàn toàn hoặc tốc mái. “Hiện nay, chúng tôi đang tích cực triển khai các công tác khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, thống kê các thiệt hại. Đồng thời liên lạc với gia đình có 3 cha con bị thương nặng nhưng chưa có kết quả” - ông Hữu nói. (ĐOÀN ĐẠO)

Một ngôi nhà dân ở xã đảo Tam Hải bị sập hoàn toàn. Ảnh: facebook Như Ngọc
Một ngôi nhà dân ở xã đảo Tam Hải bị sập hoàn toàn. Ảnh: facebook Như Ngọc

* Nông Sơn chủ động ứng phó bão

Liên tiếp gần 10 ngày nay, thời tiết trên địa bàn huyện Nông Sơn luôn có mưa lớn làm cho mực nước sông tiếp tục lên nhanh, nguy cơ xảy ra ngập lụt và chia cắt.

Theo thông báo của Công ty Thủy điện Sông Tranh 2, hiện nay lưu lượng nước về hồ tăng nhanh và lớn hơn lưu lượng nước qua hai tổ máy. Theo kế hoạch 15 giờ 30 ngày 4.11 đơn vị này sẽ tiến hành xả nước với lưu lượng 500-1.500m3/giây.

Vào lúc 15 giờ 30 ngày 4.11,  thủy điện Sông Tranh 2 sẽ tiến hành xả nước với lưu lượng 500-1.500m2/s.. Ảnh: PHAN VINH
Lúc 15 giờ 30 ngày 4.11, thủy điện Sông Tranh 2 sẽ tiến hành xả nước với lưu lượng 500-1.500m3/giây. Ảnh: PHAN VINH

Ông Trần Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Quế Lâm cho biết: “Ngày 4.11, trên địa bàn xã liên tục có mưa vừa, mưa to kết hợp nước thượng nguồn đổ về khiến nhiều khu vực có nguy cơ bị ngập sâu. Sau khi nhận thông báo xả lũ của thủy điện Sông Tranh 2, chính quyền xã Quế Lâm đã phát thanh trên các loa đài ở các thôn để người dân nắm bắt được thông tin, di chuyển tài sản, trâu bò lên những vùng đồi núi cao. Hiện nay, toàn xã có 17 hộ dân đang nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở, địa phương cũng đã chỉ đạo cho ban nhân dân các thôn thông báo đến từng hộ dân để chủ động ứng phó và di dời đến nơi an toàn”.

Ngay sau khi có thông báo, đầu giờ chiều 4.11 nhiều địa phương khác như Quế Ninh, Phước Ninh cũng đã kế hoạch ứng phó, đảm bảo an toàn tài sản của nhà nước và nhân dân. Ông Lê Văn Ni - Chủ tịch UBND xã Quế Ninh cho biết: “Địa phương đã chỉ đạo cho các thôn dùng loa phát thanh thông báo nhanh đến bà con về tình hình mưa lũ, và lưu lượng xả lũ của thủy điện Sông Tranh. Bên cạnh đó, địa phương cũng chỉ đạo cho lực lượng xung kích tổ chức trực ban 24/24 sẵn sàng ứng cứu, giúp đỡ nhân dân khi có tình huống khẩn cấp, tổ chức sơ tán người và tài sản khi có tình huống xấu xảy ra”.

UBND huyện Nông Sơn ra thông báo nghiêm cấm người đi qua lại ở những nơi bị chia cắt và ngập úng. Ảnh: PHAN VINH
UBND huyện Nông Sơn ra thông báo nghiêm cấm người dân qua lại ở những nơi bị chia cắt và ngập úng. Ảnh: PHAN VINH

Ông Trần Thiện Thắng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Nông Sơn cho biết: “Huyện đã chỉ đạo UBND các xã thông tin nhanh về tình hình mưa lũ đến người dân được biết để chủ động phòng tránh. Cử lực lượng chốt chặn ở các tuyến giao thông bị chia cắt, nghiêm cấm tuyệt đối các ghe thuyền đi lại tại các bến đò, hồ chứa để đánh bắt cá trên sông, suối và các điểm ngập lụt. Đồng thời, tổ chức kiểm tra các khu dân cư đang sinh sống trong vùng trũng thấp, vùng ven sông suối có nguy cơ xảy ra lũ quét, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất”.

UBND huyện Nông Sơn cũng đã huy động lực lượng công an, quân sự phối hợp với các địa phương thường xuyên chốt chặn, nghiêm cấm đò ngang, đò dọc không đảm bảo an toàn lưu hành trên sông Thu Bồn. Đồng thời nghiêm cấm không cho người qua lại những nơi chảy xiết, đảm bảo an toàn cho người dân. Đài Truyền thanh - truyền hình huyện liên tục phát thanh, thông báo các nội dung chỉ đạo phòng chống thiên tai của các cấp đến mọi tổ chức, cá nhân để chủ động phòng tránh. (MINH THÔNG - PHAN VINH)

* Thủy điện xả nước, mực nước ở sông Vu Gia và Thu Bồn lên nhanh 

Theo thông tin vận hành điều tiết lũ hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, thời điểm thủy điện Sông Bung 4 xả nước về sông Vu Gia (Đại Lộc) với lưu lượng nhiều nhất là vào 4 giờ sáng 4.11 với lưu lượng 1.638,89 m3/giây.

Thủy điện Sông Bung 4 và Sông Tranh 2 đã xả nước về mức đón lũ. Ảnh: LÊ TRUNG
Thủy điện Sông Bung 4 và Sông Tranh 2 đã xả nước về mức đón lũ. Ảnh: LÊ TRUNG

Đến 10 giờ sáng nay 4.11, lưu lượng xả về sông Vu Gia đã giảm còn 756,47m3/giây, thủy điện Sông Tranh 2 xả nước về sông Thu Bồn với lưu lượng 308m3/giây. Đến 11 giờ, thủy điện Sông Bung 4 là 766m3/giây, Sông Tranh 2 là 108,8 m3/giây.

Mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa (Đại Lộc) 7,08m trên báo động 10,58m, sông Thu Bồn tại Giao Thủy 3,47m, dưới báo động 1. 

Dự báo trong 12 giờ tới mực nước sông Vu Gia lên 8m, ở mức báo động 2; sông Thu Bồn hơn 6m, mức báo động 1.

* Lũ dâng nhanh tại Duy Vinh (Duy Xuyên), cầu Hà Tân đe dọa sập

Chỉ trong khoảng từ 12 - 13 giờ ngày 4.11, mực nước trên sông Bàn Thạch (xã Duy Vinh) đã dâng hơn 1m, ngập bờ đê. Nước lớn gây chia cắt và cô lập thôn Đông Bình. Nhiều khu vực ở các thôn khác trên địa bàn xã Duy Vinh cũng đang bị ngập sâu.

Nhiều khu vực trên địa bàn xã Duy Vinh đã bị ngập nước. Ảnh: MINH HẢI
Nhiều khu vực trên địa bàn xã Duy Vinh đã bị ngập nước. Ảnh: MINH HẢI
Cấm người và phương tiện qua cầu Hà Tân. Ảnh: MINH HẢI
Cấm người và phương tiện qua cầu Hà Tân. Ảnh: MINH HẢI

Để đảm bảo an toàn, chiều qua 3.11, UBND xã Duy Vinh đã cấm các phương tiện và người dân qua cầu Hà Tân vì cây cầu đã xuống cấp. Trước nguy cơ lũ đầu nguồn về nhanh, UBND xã Duy Vinh cũng đã làm việc với các trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học. (MINH HẢI)

* Phú Ninh: Ngập cục bộ vùng Tam Đàn, Tam An

Khoảng 15 giờ ngày 4.11, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh Nguyễn Phi Thạnh cho biết, Ban PCTT&TKCN huyện đang tổ chức họp, triển khai tích cực công tác phòng chống mưa lũ, đặc biệt là tình huống có lũ, ngập lụt lớn xảy ra. Hiện nay, địa phương này đang triển khai các lực lượng cứu hộ túc trực tại các khu vực dễ xảy ra tai nạn. Đồng thời, chuẩn bị các trang thiết bị ca nô, áo phao, thuyền... để ứng cứu, di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm. “Riêng Tam An, Tam Đàn bị ngập cục bộ, các xã này đã triển khai lực lượng xuống các điểm ngập lụt để cảnh báo, nhắc nhở người dân, phòng tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra” - ông Thạnh cho biết thêm. (ĐOÀN ĐẠO)

* Tam Kỳ: Chủ động đưa cá lồng bè vào gần bờ tránh lũ

Sáng 4.11, hàng chục hộ dân tại thôn Tân Phú (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) có nuôi cá chẻm trên sông Trường Giang đã huy động người kéo lồng bè vào bờ, neo cẩn thận để tránh lũ. Đến 12 giờ trưa, hầu hết số lồng bè nuôi cá đã được đưa vào bờ.

Người dân đang gia cố đưa lồng bè vào bờ tránh lũ. Ảnh: THẮNG DƯƠNG
Người dân gia cố đưa lồng bè vào bờ tránh lũ. Ảnh: THẮNG DƯƠNG

Ông Nguyễn Vinh Hiền (59 tuổi, thôn Tân Phú), một người dân nuôi cá lồng bè cho biết, gia đình ông nuôi 3 lồng cá chẻm với số lượng 11.000 con trên sông Trường Giang. Đến nay, cá đã được trên 5 tháng. Khoảng 4 giờ sáng nay, thấy mưa lớn nên ông cùng một số người dân địa phương chèo ghe ra kéo lồng bè nuôi cá vào bờ neo kỹ lại. “Nghe đài báo đợt này mưa 4 đến 5 ngày, mực nước ở các sông dâng lên nên bà con chủ động lôi bè vào gần bờ để tránh lũ. Nếu chủ quan, các lồng bè sẽ bị lũ cuốn, trắng tay mùa màng” - ông Hiền nói.

Dùng dây thừng neo kỹ lồng bè vào cây dương liễu. Ảnh: THẮNG DƯƠNG
Dùng dây thừng neo kỹ lồng bè vào cây dương liễu. Ảnh: THẮNG DƯƠNG

Được biết, tại thôn Tân Phú có hơn 150 lồng bè nuôi cá chẻm nuôi trên sông Trường Giang. Ông Nguyễn Văn Lương - Chủ tịch UBND xã Tam Phú cho biết, sáng 4.11, xã đã cử người xuống kiểm tra và đôn đốc người dân địa phương đưa các bè cá vào bờ tránh lũ. Quan điểm của địa phương là chủ động phòng chống mưa lũ, tránh trường hợp cá lồng bè bị lũ cuốn trôi như những đợt trước đây. (THANH THẮNG - ĐÔNG DƯƠNG)

* Tránh thất thoát thủy sản nuôi trên sông

Mưa lớn dồn dập trong những ngày qua đã khiến cho mực nước ở các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh lên nhanh rõ rệt. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hàng nghìn bè cá và nhiều ao nuôi tôm ở hạ lưu các sông Trường Giang, Tam Kỳ, Thu Bồn. Các hộ nuôi cá, nuôi tôm đã túc trực quanh các bè cá, neo buộc cẩn thận, tránh bị lũ cuốn trôi.  

Trên địa bàn TP.Hội An hiện có hơn 300 lồng bè nuôi cá dìa, cá nâu, cá hồng, bố trí ở hạ lưu sông Thu Bồn đoạn qua các xã Cẩm Thanh, Cẩm Kim và phường Cửa Đại. Các khu vực này ít có tác động của bão lũ do dòng nước ít chảy, độ sâu của sông không cao. Mặc dù vậy, ngành chức năng khuyến cáo các hộ dân nên túc trực quanh lồng cá để vớt các rác bám vào lồng bè khi nước dâng cao, đảm bảo dòng chảy, môi trường thông thoáng cho cá sinh trưởng bình thường, đặc biệt là cố định chắc chắn bè cá tránh bị nước cuốn trôi ra biển. Đối với các hộ nuôi cá trong lồng bè ở địa bàn xã Cẩm Kim thì nên di dời lồng cá vào sát bờ, thu hoạch ngay để tránh sự cố đáng tiếc là cá thất thoát ra bên ngoài.

Tại TP.Tam Kỳ, thời điểm này đã kết thúc nuôi tôm nước lợ ở vùng triều nên chỉ có một ít các hộ nuôi tôm trái vụ còn nuôi tôm. Do nước sông dâng mạnh nên các hộ đã dùng lưới dày vây quanh các ao nuôi tôm, hạn chế tôm thất thoát, trôi chảy theo dòng nước. Đối với các ao nuôi tôm trên cát nuôi tôm quanh năm, các nông hộ gia cố bờ đập, dùng đá to chèn các tấm bạt lót ao nuôi tôm. Tuy nhiên, do gió quá mạnh, một số ao nuôi đã bị hỏng, nước mưa chảy mạnh vào ao nuôi tôm khiến cho môi trường nước biến động, tôm chết với số lượng không nhỏ. 

Một số ao nuôi tôm ở các thôn Đồng Trì, Phước An 1, Phước An 2 của xã Bình Hải (Thăng Bình) bị cát vây quanh ao nuôi. Nhiều hộ dầm mưa vội vàng thu hoạch tôm dù chưa đến thời điểm.

Trong khi đó, tại các vùng biển, các tàu thuyền công suất nhỏ đã được ngư dân đưa vào bờ. Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, vẫn còn khoảng 50 tàu cá công suất lớn đang tránh trú bão ở các âu thuyền xung quanh vùng biển Trường Sa. (QUANG VIỆT)

* Điều động nhân lực, phương tiện đảm bảo an toàn cấp điện

Tính tới thời điểm hiện tại, những chỉ đạo của Công ty Điện lực Quảng Nam về ứng phó với ảnh hưởng của bão số 12 đã được các đơn vị thực hiện nghiêm túc. Hiện, một số địa phương ở vùng núi, vùng ven biển bị mất điện cục bộ do cây ngã đổ vào đường dây.

Theo ông Trương Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam, ngay từ khi nhận thông tin về bão số 12, đơn vị đã chủ động lập kế hoạch, triển khai các phương án đảm bảo an toàn điện. Cụ thể, đã lập phương án cụ thể để bố trí, huy động phương tiện đảm bảo phục vụ tốt công tác PCTT&TKCN; làm việc với các nhà mạng để lập phướng án vận hành hệ thống thông tin liên lạc trong toàn công ty trước mùa mưa bão; tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mùa mưa bão; lập phương án vận hành mạng viễn thông nội bộ đảm bảo vận hành an toàn, liên tục trong mùa mưa bão năm 2017.

Ngành điện khuyến cáo người dân hạn chế không đi lại dưới đường dây điện khi xảy ra mưa lũ. Ảnh: THÀNH CÔNG
Ngành điện khuyến cáo người dân không đi lại dưới đường dây điện khi xảy ra mưa lũ. Ảnh: THÀNH CÔNG

Ngoài ra, các đơn vị đã chủ động chuẩn bị vật tư dự phòng, lương thực, thực phẩm đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ xử lý sự cố khi có ảnh hưởng của thiên tai; tổ chức xử lý các tồn tại đảm bảo hệ thống chống sét vận hành an toàn trước mùa mưa bão; kiểm tra và triển khai xử lý các điểm xung yếu, các vị trí trụ có nguy cơ bị sạt lở, trụ nghiêng trước mùa mưa, bão; kiểm tra đường dây và trạm biến áp, kiểm tra các điểm xung yếu tại các đơn vị trước mùa mưa, bão. Việc kiểm tra, đo đạc tiếp địa đường dây, trạm biến áp và các thiết bị chống sét được các đơn vị trực thuộc thực hiện xong. Điện lực Quảng Nam cũng đã bố trí trực các trạm trung gian 24/24 khi có thông tin ảnh hưởng của thiên tai, đôn đốc, giám sát các đơn vị thực hiện phát quang hành lang tuyến nhằm giảm thiểu sự cố do cây cối ngã vào đường dây.

Để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất và kịp thời xử lý các sự cố xảy ra do ảnh hưởng của bão số 12, Giám đốc Điện lực Quảng Nam cũng đã có Công điện số 5900 gửii các phòng ban, điện lực, đơn vị trực thuộc công ty chủ động theo dõi diễn biến, ứng phó các ảnh hưởng của bão trên địa bàn. Hiện, một số điểm bị mất điện cục bộ đã được xử lý và đóng điện trở lại. Riêng địa bàn huyện Nam Trà My và một số xã vùng ven của Núi Thành, do cây ngã đổ vào đường dây nhiều vị trí nên Công ty Điện lực Quảng Nam đang khẩn trương tập trung lực lượng để khắc phục, sớm đóng điện trở lại.

Ngành điện cũng đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi diễn biến bão số 12 và diễn biến thời tiết trên địa bàn quản lý để chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai. Đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người và tài sản trong công tác phòng, chống thiên tai; thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn khi thực hiện công việc trên lưới điện; đặc biệt lưu ý các nguy cơ có thể xảy ra tai nạn khi tổ chức kiểm tra, xử lý sự cố các tuyến đường dây đi qua các khu vực có khả năng lũ quét hoặc sạt lở đất. (THÀNH CÔNG)

* Tại TP.Tam Kỳ, chiều 4.11, mưa lớn liên tục kéo dài nên một số đoạn trên tuyến đường như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thái Học… bị ngập sâu. Có đoạn ngập nửa bánh xe, nhiều xe mô tô chết máy.

Tại biển Tam Thanh, xuất hiện sóng cao 3m, gió giật mạnh khiến trụ quan sát tại bãi biển bị sóng đánh gãy. Cây cối xiêu vẹo, nhiều hàng quán ven biển bị tốc mái, trơ khung. Tại xã Tam Phú, nước sông Trường Giang lên nhanh, nhiều cây xanh ven đường bị đổ gãy gây mất an toàn giao thông.

Gió lớn ở các xã ven biển của Tam Kỳ, Ảnh: THANH THẮNG
Gió lớn ở các xã ven biển của Tam Kỳ. Ảnh: THANH THẮNG

* Chiều nay 4.11, Phòng GD-ĐT huyện Tiên Phước đã thông báo cho học sinh nghỉ học để tránh lũ. Thầy Phạm Hữu Thức - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (Tiên Phước) cho biết, mưa lớn liên tục khiến mực nước ở các sông suối trên địa bàn tăng nhanh gây nguy hiểm cho học sinh. Điện cũng không có nên trường được phép cho học sinh nghỉ học. (THANH THẮNG)

Bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nguy cơ lũ lớn trên các sông

Chiều nay (4.11), sau khi đi vào đất liền phía nam Tây Nguyên, bão số 12 đã suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 12,4 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Campuchia.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trên vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam vẫn có gió mạnh cấp 6, 7, giật cấp 9. Biển động mạnh. Ngoài ra, Quảng Nam là một trong các tỉnh được dự báo sẽ tiếp tục có mưa rất to đến đặc biệt to.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cảnh báo, từ nay đến ngày 8.11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai sẽ xảy ra một đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, bắc Tây Nguyên và lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp.

Chiều nay, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đạt 7,36m, dưới báo động 2 0,64m; dự báo trong 12 giờ tới sẽ lên mức 8,5m, dưới báo động 3 0,5m. Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên các sông tiếp tục lên nhanh và ở mức cao, trên báo động 3 từ 0,5 -2m.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu ở vùng trũng thấp đặc biệt ở các địa phương của Quảng Nam như Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Núi Thành, Phú Ninh và TP.Tam Kỳ. (THÀNH CÔNG)

* Chiều nay 4.11, nhiều người dân Bắc Trà My cho biết cảm nhận một rung chấn kéo dài vài giây lúc khoảng 16 giờ 20 phút. Hiện, trên địa bàn Bắc Trà My vẫn đang có mưa to.

Trước đó, vào 11 giờ 6 phút sáng 3.10, Viện Vật lý địa cầu cũng ghi nhận một trận động đất 2,8 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 15.254 vĩ độ Bắc,108.157 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 5km, xảy ra cũng tại huyện Bắc Trà My. Hiện tại, công tác triển khai các giải pháp ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu áp thấp nhiệt đới vẫn đang được triển khai tích cực. 

Tại đoạn giáp ranh giữa xã Trà Giác (huyện Bắc Trà My) với xã Trà Mai (huyện Nam Trà My), một thân cây cổ thụ đã bất ngờ ngã đổ chắn ngang mặt đường, gây cản trở việc tham gia giao thông vào trưa nay 4.11.

Hiện trường thân cây ngã đổ chắn ngang đường. Ảnh: CTV
Hiện trường thân cây ngã đổ chắn ngang đường. Ảnh: CTV

Để đi qua đoạn đường này, người dân đã dùng hai tấm ván đặt hai bên thân cây, rồi dùng sức đẩy từng chiếc xe máy đi qua khỏi khu vực. Một người dân địa phương cho hay, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, ngay từ sáng sớm nay trên địa bàn xuất hiện từng đợt mưa nặng hạt, kèm gió giật mạnh. Vì thế, tại nhiều khu vực trũng thấp đã xuất hiện tình trạng ngập úng; nhiều sông, suối nước lũ đã bắt đầu dâng cao, rất nguy hiểm.

Chính quyền các địa phương khuyến cáo người dân không nên đi ra ngoài trong thời điểm mưa gió xảy ra, phòng tránh trường hợp cây cối ngã đổ, gây nguy hiểm đến tính mạng. Đồng thời, không chủ quan với mưa lũ và sạt lở, nhất là không nên ra sông, suối để bắt cá, vớt củi... nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản người dân. (THÀNH CÔNG - ĐĂNG NGUYÊN)

Báo Quảng Nam online đang tiếp tục cập nhật...