Cánh sóng còn xanh...

Ghi chép của XUÂN THỌ 04/11/2017 07:49

Trời yên biển lặng, từ đảo Lớn (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) ngó qua, đảo Bé hiện ra rõ mồn một. Nghĩ cũng lâu rồi chưa ghé thăm, bèn rủ thằng bạn nối khố đi cùng…

Bãi Sau, nơi hút khách du lịch về tắm biển. Ảnh: XUÂN THỌ
Bãi Sau, nơi hút khách du lịch về tắm biển. Ảnh: XUÂN THỌ

1. Chiếc ca nô cập cảng đảo Bé, khi trời vừa kịp ươm nắng vàng. Tôi rút điện thoại gọi, Huệ cười, bảo đợi tí vì anh đang chở khách. Non một thập kỷ trước, cái tên Bùi Huệ đồng loạt xuất hiện trên nhiều tờ báo lớn nhỏ khắp cả nước. Hình ảnh một chàng trai bị liệt hai chân, ngồi trên xe lăn, phía trước là 2 chú chó vàng, kéo chiếc xe đi về phía biển, gây xúc động mạnh. Nhớ lần đầu tiên gặp, anh kể về chuyến lặn biển đầu tiên của mình, chuyến lặn biển định mệnh đã cướp đi sự lành lặn của anh. Anh vốn đi bạn cho một tàu chuyên nghề lặn biển, nhưng chỉ làm những việc trên tàu, không phải lặn, đồng nghĩa với việc nhận thu nhập thấp nhất. Nên những lúc tàu neo bờ, Huệ tập tành lặn. Trước chuyến đi Trường Sa định mệnh vào 15 năm trước, anh nói với mẹ sẽ về sắm một số tiện nghi cho bà. Dân lặn ở Lý Sơn khi ấy, sau mỗi chuyến biển về, thu nhập bèo gì cũng ba bốn chục triệu trở lên. Nên suốt 200 hải lý từ bờ ra Trường Sa, anh thao thức mãi, đinh ninh về những dự định của mình. “Nhưng khi vừa xuống dưới nước, tôi thấy cổ nghẹt nghẹt, khó thở nhưng vẫn cố gắng, được một lúc sau thì đờm tràn lên cổ và gần như là không thở được, nên tức tốc ngoi lên. Khi có cảm giác gần tới nơi, thì tôi bị bất tỉnh, lúc thức dậy thì cảm giác nửa phần thân bên dưới của mình bị tê, hai chân không cử động được” - tôi nhớ lời Huệ kể về phút bi kịch đời mình.

Khoảng 15 phút sau, Huệ đến, vẫn mái tóc lãng tử và khuôn mặt thon gọn, có điều, những dấu buồn trầm mặc trong ánh mắt hầu như đã không còn. Và… có điều, lần này anh không xuất hiện cùng 2 chú chó, mà trên một chiếc xe điện, loại dùng trong các khu du lịch. Chiếc xe loại nhỏ, đã được “độ” lại để chạy bằng xăng và chỉ chở được 2 khách mỗi lần. Đó là một món quà của một công ty, vì cảm phục nghị lực vươn lên của anh. Hồi trước khi đảo Bé trở mình đón khách du lịch, anh tự nuôi cua đá - một loài cua đặc sản ở Lý Sơn, để kiếm ít tiền giúp mẹ trang trải. Còn bây giờ, nhờ chiếc xe này, anh có thêm điều kiện phụ giúp mẹ già hơn. Anh kể, từ ngày có chiếc xe này, mỗi ngày anh kiếm tầm khoảng bảy tám chục ngàn trở lên. Như thế là đủ để anh và mẹ sống qua ngày.

2. Sau một hồi rong ruổi, chúng tôi qua bãi Sau, nơi có bãi tắm mà bất kỳ du khách nào đến đều không muốn bỏ lỡ cơ hội ngâm mình dưới làn nước trong xanh vắt. Nơi ấy bây giờ, một số hàng quán mọc lên, gần như tạm bợ. Chị Hộ - vợ của người em họ của Huệ, cười như thanh minh: “Chính quyền chỉ cho thuê năm một, nên không dám làm kiên cố”. Thì ra, khi đảo Bé trở mình thành điểm du lịch hút khách, người dân ở đây cũng thay đổi theo, gọi nôm na là dịch vụ phục vụ du khách. Nhưng còn đơn sơ và tất nhiên, không thể đòi hỏi sự chuyên nghiệp được. Huệ bảo, thời gian đầu, chỉ một vài người dựng lều cho thuê áo phao, gương lặn và tắm nước ngọt. “Cả áo phao và gương lặn, chỉ 15 ngàn đồng cho một lần thuê, không giới hạn thời gian, miễn là trong một ngày. Còn tắm nước ngọt, 20 nghìn đồng mỗi người cho một lần tắm” - Huệ giải thích. Ai cũng biết, đảo Bé thiếu nước ngọt, các chủ quán ở đây phải mua nước từ đảo Lớn sang. Nên mới có chuyện, Huệ cùng em dâu họ mình… năn nỉ khách tắm tiết kiệm!

Huệ chở khách du lịch đi tham quan đảo Bé. Ảnh: XUÂN THỌ
Huệ chở khách du lịch đi tham quan đảo Bé. Ảnh: XUÂN THỌ

Cà kê với ông Bùi Đình Công (82 tuổi), mới hay đảo Bé có hơn 500 nhân khẩu, nhưng chỉ còn khoảng 300 nhân khẩu bám trụ. Và dường như tất cả họ đang dần chuyển qua làm du lịch, khi mà biển giã đang ngày mỗi bấp bênh. Như ông Công, ở cái tuổi nên an dưỡng tuổi già, vẫn bỏ sức mình ra làm chiếc cầu gỗ nối bờ ra bãi đá để thuận tiện cho du khách. Nhưng điều thú vị hơn là những hộ dân làm du lịch ở đây tự phân chia số thứ tự các xe, thuyền để phục vụ khách du lịch mà không có bất cứ sự tranh giành nào cả. Xem ra, hơi-thở-du-lịch đang dần hòa quyện vào hương biển nơi đảo Bé thanh bình.

“Thế còn chỗ ở của khách thì sao? - tôi hỏi Huệ. Anh không trả lời, mà đưa ánh mắt về phía một phụ nữ. Đó là chị Đảnh, người đầu tiên làm homestay ở đảo Bé. “Không nhiều khách ở lại đảo lắm, nhưng vẫn ổn” - chị Đảnh mở lời ngay cả khi tôi chưa bắt đầu. Thật ra mà nói, công cuộc làm du lịch ở đảo Bé cũng chỉ mới bắt đầu và phần lớn du khách thấy chưa có nhiều lý do để ở lại hòn đảo này một vài ngày. “Vì thiếu nhiều dịch vụ kèm theo” - chị Đảnh lý giải. Câu chuyện “dịch vụ du lịch kèm theo”, luôn là vấn đề ở những nơi làm du lịch, nhất là những điểm du lịch mới nổi ở xứ ta. Đó là chuyện người dân làm du lịch lấy làm lo lắng. Và ở đảo Bé, người ta còn có thêm một lo lắng nữa, là việc quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống trục đường giao thông, mà nhất là tuyến đường - kè ven biển đang dần phá đi cảnh quan vốn có của nó. Những bãi biển đầy cát trắng bị thu hẹp dần; những hàng dừa ven bờ biển - vốn từng được xem như là “logo nhận diện” của đảo Bé, cũng thưa hẳn dần…

3. Rời bãi Sau, đi vào trong những ngõ ngách, hẻm nhà, đâu đấy dáng xưa vẫn còn. Ở đảo Bé, mỗi nhà đều có từ một đến hai cái lu nước loại lớn đặt bên hông nhà. Nó vốn được nhà nước hỗ trợ để chứa nước mưa mà dùng, vì ở đây không có nước ngọt, trong khi việc chuyển nước ngọt từ đảo Lớn sang đảo Bé thì khá đắt đỏ. Tất nhiên là vẫn có người làm công việc này, và vẫn có người mua nước, nhưng đó là câu chuyện chỉ xảy ra khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Hai lu nước ấy, cùng lắm chỉ được vài khối nước. Nên một số nhà có điều kiện, xây thêm hồ chìm, hoặc bán ngầm với thể tích vài trăm mét khối nước để bớt khốn khổ vào mùa nắng. “Nhưng bây giờ, chuyện nước nôi cũng đỡ lo phần nào rồi, vì có nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt cho dân dùng. Dù chưa được thoải mái lắm, nhưng đỡ hơn trước nhiều” - bà Lê Phước cho hay.

“Thế điện đóm sao rồi cô?” - tôi hỏi. Bà Phước cười tươi: “Chu choa, bây giờ sướng lắm, điện dùng suốt ngày”. Nhưng không phải là điện từ hệ thống lưới điện quốc gia kéo từ đảo Lớn sang. Dự án ấy không khả thi vì vấn đề kinh tế. Đảo Bé bây giờ, có hai nguồn phát điện để cung cấp cho dân, là hệ thống điện từ năng lượng mặt trời và máy phát chạy động cơ diezel. “Hễ khi nào điện năng lượng mặt trời hết, thì mới nổ máy kia lên để có điện dùng” - bà Phước giải thích. Một phần điện từ máy phát diezel dùng để cung cấp năng lượng cho nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt. Vậy thì, bài toán điện - nước ở đảo Bé, phần lớn được giải đáp.

Và câu chuyện đáng quan tâm của đảo Bé bây giờ (mà cũng là của Lý Sơn nói chung), là bảo tồn biển. Giống như Cù Lao Chàm của hơn 10 năm trước, việc đánh bắt bừa bãi đã khiến cho hệ sinh thái biển dần trở nên suy yếu. Nhớ hồi họp bàn ở UBND xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) về vấn đề bảo tồn rừng dừa nước, TS.Chu Mạnh Trinh có nói rằng, câu chuyện bảo tồn của đảo Bé bây giờ, cũng như câu chuyện bảo tồn của Cù Lao Chàm trong hành trình khoảng 10 năm nay. Nên thời gian qua, ông Trinh và cộng sự của mình đã tận tụy giảng dạy, hướng dẫn những thành viên của đội bảo tồn biển Lý Sơn những kỹ năng cần thiết. Ông Huỳnh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn tâm sự: “Đó là một hành trình dài mà chúng ta cần kiên nhẫn cũng như phải làm liên tục. Có thể không là bây giờ, nhưng ít ra là cho tương lai, của thế hệ con cháu”. Lời ông nói, làm tôi chợt nhớ đến cái làng bích họa vừa hoàn thành cách đây vài tháng ở đảo Bé. Đó là sản phẩm của cộng đồng, mà những người tâm huyết tạo ra nó, tin rằng ít nhiều thay đổi tư duy, ý thức trong việc bảo tồn biển. Để cánh sóng hãy còn xanh mãi…

Ghi chép của XUÂN THỌ

Ghi chép của XUÂN THỌ