Ứng phó với thiên tai

TRẦN HỮU 02/11/2017 09:09

Mưa lớn trong những ngày qua đã gây ngập úng cục bộ tại nhiều khu vực, ở một số địa phương miền núi xuất hiện tình trạng sạt lở đất đá. Trong khi đó ngành khí tượng thủy văn đang có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng để dự báo thiên tai chính xác hơn.

Tin liên quan

  • Công điện triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lũ
  • Lũ đang lên tại các sông Vu Gia, Thu Bồn
  • Mưa lớn gây sạt lở, chia cắt ở miền núi, ngập lụt ở Hội An
  • Sóng lớn uy hiếp bãi biển Cửa Đại
Mưa lớn gây sạt lở trên tuyến ĐT610 đoạn khu vực dốc Cây Gạo thuộc địa phận thôn Trung An, xã Quế Trung (Nông Sơn) vào sáng 31.10.2017. Ảnh: PHAN  VINH
Mưa lớn gây sạt lở trên tuyến ĐT610 đoạn khu vực dốc Cây Gạo thuộc địa phận thôn Trung An, xã Quế Trung (Nông Sơn) vào sáng 31.10.2017. Ảnh: PHAN VINH

Cảnh báo

Trước tình trạng mưa lớn kéo dài những ngày qua, một số khu vực thuộc các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Quế Sơn, Phước Sơn, Bắc Trà My đối mặt với nguy cơ sạt lở đất đá. Tại Nông Sơn, sáng 31.10, trên tuyến ĐT610 đoạn khu vực dốc Cây Gạo thuộc địa phận thôn Trung An, xã Quế Trung, đã xảy ra tình trạng sạt lở đất khiến việc lưu thông bị ách tắc. Trước đó, ngày 30.10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ; thông tin kịp thời đến nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh. Ở các hồ chứa thủy lợi đã tích đầy nước như Phước Bình, Hóc Hạ, Suối Tiên, Nước Rôn, Đá Vách, Khe Tân, cử người túc trực 24/24 theo dõi mực nước dâng cao, liên tục quan trắc đập để đưa ra quyết định xử lý kịp thời. Ban Chỉ đạo phòng tránh thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở vùng ven biển, ven sông, trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các xã có đường cao tốc đi qua; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cấp thiết thực hiện sơ tán, di dời nhân dân đến nơi an toàn khi có các tình huống xấu xảy ra.

Tại khu vực miền núi, công tác kiểm tra an toàn đập thủy điện luôn được quan tâm hàng đầu. Theo Công ty CP Sông Bung (chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sông Bung 6), đơn vị đã dùng hệ thống cảnh báo, cảnh giới tại những nơi có khả năng ngập lũ, có nước chảy xiết để hạn chế nhân dân đi lại, sản xuất trong mùa mưa lũ. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân tại những khu vực lân cận nhà máy thủy điện về phương án bảo vệ đập, quy trình vận hành, kế hoạch tích nước và xả lũ trong mùa mưa lũ để nhân dân chủ động phòng tránh. Để tăng cường hiệu quả phòng chống lụt bão trên lưu vực sông Vu Gia, nhà máy này phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư các nhà máy thủy điện cùng nằm trên lưu vực sông như  A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Côn theo quy chế phối hợp phòng chống lụt bão đã ký kết vào năm 2011. Các phương án của nhà máy thủy điện này còn tính toán đến tình huống mất toàn bộ hệ thống điện, thông tin liên lạc với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp hoặc trong trường hợp mưa lớn gây sạt lở, ách tắc giao thông và từng phương án xử lý cụ thể khi hồ chứa thủy lợi đã tích đầy nước. Còn các Công ty CP Thủy điện A Vương, Công ty Thủy điện Sông Tranh 2 đang thực hiện điều tiết kho nước trong hồ vào mùa mưa nhằm tăng dung tích cắt lũ.

Đầu tư mạng lưới thủy văn

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Sở Tài nguyên và môi trường xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới khí tượng thủy văn (KTTV) chuyên dùng phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng 74 trạm KTTV  gồm 3 trạm khí tượng, 18 trạm thủy văn và 53 trạm đo mưa. Mạng lưới KTTV quốc gia có 25 trạm do Đài KTTV tỉnh quản lý, trực tiếp thu thập số liệu, dữ liệu; mạng lưới KTTV chuyên dùng có 49 trạm do các chủ công trình là chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện và các tổ chức trên địa bàn tỉnh quản lý. Căn cứ theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12.1.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trạm KTTV quốc gia trên địa bàn tỉnh được quy hoạch gồm 10 trạm. Nhiều hệ thống thủy văn tự động hóa hệ thống thông tin truyền dẫn số liệu, nâng cao tốc độ và mở rộng băng thông, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ dự báo. Theo Trung tâm KTTV Trung ương, các ứng dụng công nghệ mới trong dự báo KTTV đã góp phần nâng thời gian dự báo bão, áp thấp nhiệt đới từ 24 giờ lên 36 giờ.  Đối với nhiều cơn bão có quỹ đạo ổn định đã dự báo trước từ 60 đến 72 giờ, cảnh báo trước 48 - 72 giờ các đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường xác định rõ danh mục trạm KTTV cần đầu tư trong giai đoạn 2017-2020 (đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn). Kế hoạch đầu tư các công trình trạm KTTV phải được phân kỳ từng năm, phân nguồn cụ thể, lựa chọn các vị trí bức xúc, thiết yếu nhất để đầu tư, nêu rõ trách nhiệm của các chủ hồ trong công tác quản lý. Thêm vào đó, cần nghiên cứu các trạm đo mưa tự động để đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Được biết, thời gian qua UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện bổ sung thêm các trạm đo mưa trên lưu vực. Theo Sở Tài nguyên và môi trường, phát triển các hệ thống dự báo và cảnh báo lũ sớm hiện nay là cần thiết trong chiến lược phát triển của vùng và quốc gia. Một hệ thống dự báo và cảnh báo lũ lụt hiện đại được đầu tư sẽ giảm thiểu thiệt hại về vật chất và con người.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU