Quốc hội thảo luận tình hình phát triển kinh tế - xã hội
(QNO) - Sáng nay (31.10), Quốc hội đã thảo luận phiên toàn thể về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2017.
Các Đại biểu Quốc hội giao lưu bên lề phiên họp ngày 30/10. Ảnh: TTXVN |
* Cần có lộ trình để bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững
Năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5 đến 6,7%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 đến 8%; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...Bên lề phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 - 2020, ngày 31/10, các đại biểu Quốc hội cho rằng để đạt được mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, đem lại hiệu quả thực chất, rất cần sự chỉ đạo điều hành và quyết tâm của Chính phủ.
Bên cạnh đó, những khó khăn đang còn hiện hữu của năm 2017 cần được phân tích rõ, để có thể đưa ra mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế trong năm 2018 sát thực với điều kiện thực tế đất nước.
Phát triển kinh tế đi vào chiều sâu và chất lượng
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định: Quyết tâm của Chính phủ trong năm 2018 là đạt được kế hoạch đề ra và đạt mức tăng trưởng từ 6,5 đến 7%. Mức tăng trưởng này rất hợp lý. Để đạt được mục tiêu này, cần quan tâm đến chất lượng, về hiệu quả của giá trị kinh tế, sẽ đảm bảo bền vững.
Vấn đề quan trọng trong năm 2018 là làm sao giảm được khu vực công, tăng cường cho khu vực tư nhân và kêu gọi đầu tư trên tất cả mọi thành phần kinh tế, trong đó có kêu gọi đầu tư từ nước ngoài. Có như vậy, nền kinh tế nước ta sẽ phát triển tốt hơn.
Mặt khác, mức đầu tư công hiện nay đã tương đối cao, Chính phủ cần có lộ trình để tính toán tỷ mỷ, kể cả đầu tư công và những hạn chế để mức tăng trưởng đảm bảo ổn định và phát triển bền vững, tránh xáo trộn của nền kinh tế, sẽ hiệu quả hơn - đại biểu Hòa nêu rõ.
Cùng quan điểm, đại biểu Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) nêu: Chính phủ cần giải trình một cách thấu đáo để hướng tới mục tiêu đưa nền kinh tế đi vào chiều sâu và chất lượng.
Đại biểu này đánh giá: Thời gian qua, thiệt hại kinh tế đã xảy ra ở một số các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung, nhưng không ảnh hưởng nhiều so với sự tăng trưởng nền kinh tế. Vì vậy, các chỉ tiêu Chính phủ đặt ra hy vọng sẽ đạt được 6,7% là linh hoạt.
Năm 2018, Chính phủ đã đưa ra một mục tiêu "mềm" chứ không "cứng" như mọi năm. Mục tiêu đặt ra như vậy, sẽ giúp Chính phủ điều hành một cách linh hoạt hơn. Bởi, trong năm 2017, mặc dù kinh tế có tăng trưởng nhưng tính bền vững chưa phải cao.
Nền kinh tế muốn bền vững phải phát triển chính doanh nghiệp trong nước và đầu tư ra nước ngoài. Nghĩa là tiền của người Việt Nam, chủ là người Việt Nam, mang lại giá trị mới cho người Việt Nam, đó mới là bền vững - đại biểu Sinh nói.
Không để phát sinh những công trình gây thất thoát
Quan tâm đến tình hình nợ công, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu rõ: Theo giải trình của Quốc hội và Bộ Tài chính, nợ công đang nằm trong thời kỳ kiểm soát.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đưa ra giải pháp: Không ứng trước vốn. Những nơi nào ứng trước vốn phải giữ lại, hoặc thắt chặt chi tiêu rồi, phải dùng những giải pháp như: khoán lương, khoán xe... Đó là những giải pháp đang tập trung xử lý.
Theo đại biểu, năm 2018, giải pháp quyết liệt nhất trong vấn đề nợ công là không để phát sinh những công trình Nhà nước đầu tư mà thất thoát, đặc biệt là 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả vừa qua đã được Quốc hội, báo chí nêu nhiều. Đầu tư phải hiệu quả, có trọng điểm, không dàn trải, mới thu hồi vốn nhanh. Bên cạnh đó, phải phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tránh đầu tư một cách thiếu hiệu quả, tránh để tham nhũng tràn lan, gây ảnh hưởng đến ngân sách của quốc gia.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị, trong thực hiện các dự án thua lỗ kéo dài, nên xử lý giải quyết trách nhiệm. Dự án nào phục hồi, phát triển được, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp đó hoạt động. Những doanh nghiệp được xem xét là không có khả năng phục hồi, để xảy ra lỗ nhiều, thì phải giải thể hoặc "đóng băng".
Theo TTXVN