Hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện đến 30%

H.L 31/10/2017 08:51

Đây là một nội dung của Nghị định 134/2015/NĐ-CP về bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2018. Theo nghị định này, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm dựa trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn. Cụ thể, mức hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Nghị định cũng nêu rõ, căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp.

Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng). Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, gồm đóng hàng tháng; đóng 3 tháng một lần; đóng 6 tháng một lần; đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần. Nếu người tham gia thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Việc đóng sẽ được thực hiện một lần cho những năm còn thiếu đối với điều kiện người tham gia BHXH đã đủ tiêu chuẩn về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định. Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm còn thiếu trên 10 năm, thì được tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức quy định trên cho đến khi thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm. Lúc đó, người tham gia BHXH được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu. (Theo diện thiếu không quá 10 năm như trên).

H.L

H.L