"Rớt" chuẩn nông thôn mới
Khi Bộ tiêu chí về xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2020 được Trung ương ban hành, nhiều địa phương bắt đầu “kêu khó”. Trong số hàng loạt bổ sung cụ thể cho từng tiêu chí, việc nâng mức thu nhập bình quân trong tiêu chí số 10 và yêu cầu phải có hợp tác xã (HTX) hoạt động theo đúng Luật HTX 2012, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ bền vững đang là hai điểm khó chinh phục, nhất là ở địa bàn miền núi.
Diện mạo trung tâm xã Lăng sau 2 năm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
KHÓ CHO MIỀN NÚI
Những bất cập trong việc thay đổi một số tiêu chí NTM hiện hữu rõ nhất ở địa bàn miền núi. Có thể thấy ngay, việc triển khai thực hiện một số tiêu chí mới đang là điều “quá sức” đối với các địa phương miền núi, dù tiêu chí về mức thu nhập đã được điều chỉnh thấp hơn so với đồng bằng và UBND tỉnh cũng nỗ lực hỗ trợ cho việc phát triển các hợp tác xã ở khu vực này.
Khó khả thi
Sau 2 năm kể từ khi được công nhận đạt chuẩn NTM, diện mạo xã Lăng (huyện Tây Giang) đã phần nào đổi khác. Tuy nhiên, cơ cấu ngành nghề và mức thu nhập của người dân vẫn không chuyển biến quá lớn so với trước. Áp lực giữ vững NTM như một đòn gánh vô hình, đè nặng trên đôi vai của những người dân vùng cao lâu nay vốn còn nghèo khó. Theo ông Nguyễn Khoa Vẽ - Phó Chủ tịch UBND xã Lăng, bên cạnh mang lại nhiều lợi ích cho địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, nhiều tiêu chí mới của NTM cũng tạo nên áp lực, thậm chí chưa phù hợp so với thực tế của miền núi. Cụ thể, như tiêu chí về thu nhập, theo chỉ tiêu chung của tỉnh, năm 2017 này, địa phương phải đạt mức thu nhập bình quân đầu người là 26 triệu đồng/người/năm. Tiếp đến năm 2018 đạt mức 30 triệu đồng/người/năm; năm 2019 đạt 33 triệu đồng/người/năm và đến năm 2020 mức bình quân phải đạt 36 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, với xã Lăng, chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người như trên là quá cao, nếu không muốn nói là không thể đạt được. Bởi, nguồn thu nhập chính của người dân địa phương hiện nay chủ yếu đều dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp theo thời vụ. Vì thế, thu nhập không ổn định và khá nhỏ lẻ. “Bà con phần lớn chỉ bám vào cao su, cây dược liệu, nhưng phải đến 2-3 năm nữa thì mới cho thu hoạch đồng bộ. Một số hộ người dân hiện có thu nhập từ việc khai thác keo, ba kích nhưng quy mô nhỏ. Do đó, xã gặp rất nhiều khó khăn khi áp với bộ tiêu chí mới về thu nhập” - ông Vẽ nói.
Ở thời điểm xã Lăng được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2015, thu nhập bình quân theo đầu người đạt 19,4 triệu đồng/người/năm, với tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 9,77%. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra rà soát cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã nâng lên 11,48%, mức thu nhập bình quân đạt hơn 22 triệu đồng/người/năm. Ông Nguyễn Văn Phú - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho hay, mức bình quân thu nhập theo tiêu chí mới là vượt quá mặt bằng chung ở miền núi. Những năm qua, mặc dù Tây Giang đã rất chú trọng đến công tác giảm nghèo, tìm kiếm việc làm và nâng cao mức thu nhập cho người dân, tuy nhiên việc duy trì mức thu nhập ổn định vẫn rất nan giải. “Để miền núi thực sự ổn định về mức thu nhập, trước hết cần phải có chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ đưa các doanh nghiệp khai thác. Từ đó, sẽ giải quyết được việc làm và từng bước ổn định được mức thu nhập cho người dân. Đây là vấn đề lớn cần được đặc biệt quan tâm cho miền núi, và cũng không thể đạt được kết quả một sớm một chiều” - ông Phú nói.
Cần “mềm hóa” các tiêu chí
Ông Nguyễn Xuân Nghiêm - Chủ tịch UBND xã Ba (huyện Đông Giang) cho rằng, tiêu chí về thu nhập bình quân và tổ chức sản xuất là hai “bức tường” lớn nhất cho hành trình về đích NTM của xã. Ông Nghiêm cho rằng, trong tiêu chí tổ chức sản xuất, việc hình thành HTX là không mấy khó khăn (xã có HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012), nhưng liệu có thực chất không, có phù hợp chưa? Bởi, trong điều kiện ở vùng cao, dân cư phân tán, phương thức sản xuất manh mún, chưa kể người miền núi còn nặng tâm lý mạnh ai nấy làm. Đó là chưa kể, HTX thành lập còn phải tham gia chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực bền vững, lại càng là điều quá sức. Do vậy, thay vì bắt buộc, Nhà nước nên khuyến khích các địa phương trong việc hình thành HTX phù hợp với tình hình thực tiễn theo từng địa phương, từng vùng. “Cần phải mềm hóa quy định đạt chuẩn về tiêu chí tổ chức sản xuất, chứ không nên cứng nhắc là xã phải có HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012 như hiện nay. Như thế sẽ gây khó cho miền núi. Bởi việc xây dựng NTM, quan trọng là hướng đến mục tiêu người dân có việc làm, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống” - ông Nghiêm nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nghiêm, trước tình thế “không còn cách nào khác”, tới đây địa phương định hướng sẽ xây dựng đề án thành lập 2 HTX về vận tải và vườn ươm giống keo lai. Nhưng việc duy trì hoạt động của HTX lại trở thành mối lo rất lớn cho địa phương, do thiếu đất quy hoạch ươm giống cây công nghiệp, thiếu nguồn nhân lực, cũng như tâm lý thích làm ăn riêng lẻ lâu nay của người dân miền núi. “Làm NTM quan trọng cải tạo được bộ mặt nông thôn và để người dân giàu lên, chứ không thể làm theo hình thức. Ở miền núi, cũng chưa cần thiết để hình thành HTX, mà chỉ nên khuyến khích, nếu xã nào làm được thì tốt, còn không làm được thì không nên bắt buộc” - ông Nghiêm nêu đề xuất.
Câu chuyện trên ở hai địa phương, là lát cắt tiêu biểu cho những khó khăn của các xã miền núi trong hành trình về đích NTM theo kế hoạch. Ông Đỗ Vạn Lộc, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh chia sẻ, trước mắt, tỉnh phải tìm giải pháp để hỗ trợ cho các địa phương, như đẩy mạnh đào tạo nghề, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển các mô hình liên kết để có thể xây dựng HTX. “Giải pháp gỡ khó cũng đã được nhìn thấy. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng các giải pháp này cũng không dễ đạt được hiệu quả như mong muốn. Chưa kể, hiện tại các địa phương còn “vướng” nhiều nội dung khác khi bộ tiêu chí mới được áp dụng” - ông Lộc chia sẻ.
LOAY HOAY GỠ KHÓ
Nhiều xã đã đạt chuẩn NTM nay “rớt chuẩn” vì những thay đổi trong tiêu chí, trong khi các xã cận kề đạt chuẩn cũng khá lao đao để có thể thực hiện theo đúng kế hoạch. Không riêng miền núi, nhiều địa phương ở vùng đồng bằng cũng đang loay hoay tìm hướng gỡ khó.
Nhiều người dân vùng cao chủ yếu thu nhập dựa vào công việc thời vụ nên khó khăn để giữ được tiêu chí của NTM. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Sụt giảm xã NTM
Theo bộ tiêu chí mới, tính đến cuối tháng 9.2017, bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn của 204 xã trên cả tỉnh là 12,06 tiêu chí, tăng so với 6 tháng đầu năm, tuy nhiên giảm 0,44 tiêu chí so với cuối năm 2016. Ngoài ra, có 4 xã phát sinh đạt dưới 5 tiêu chí, bao gồm 3 xã của huyện Hiệp Đức và 1 xã của huyện Phước Sơn. Sự sụt giảm là điều nhận thấy rõ nhất, khi nhiều xã phải đối diện với những áp lực từ tiêu chí mới, mà cụ thể là tiêu chí số 10 (thu nhập) và tiêu chí số 13 (tổ chức sản xuất).
Theo Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, theo quy định của bộ tiêu chí mới, chất lượng tiêu chí được nâng lên và tăng thêm đến 11 chỉ tiêu. Trong khi đó, UBND cấp huyện, xã vẫn chưa có giải pháp cụ thể để thực hiện nâng chất các chỉ tiêu. Hàng loạt xã “rớt chuẩn” theo quy định mới này. Trong số 62 xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 - 2016, có 35 xã “rớt chuẩn” theo bộ tiêu chí mới. Giai đoạn 2017 - 2020, có 55 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, thì có đến 30 xã chưa đạt chuẩn tiêu chí thu nhập, 28 xã chưa đạt chuẩn tiêu chí tổ chức sản xuất. Ông Đỗ Vạn Lộc, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh chia sẻ, mức tăng thu nhập bình quân hàng năm được nâng cao hơn so với trước, cùng với sự điều chỉnh trong tiêu chí 13 bắt buộc xã đạt chuẩn phải có HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012, tham gia chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương và bổ sung thêm chỉ tiêu có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Sự điều chỉnh này chính là yếu tố tác động lớn đến việc thực hiện NTM của các địa phương. Ông Lộc đưa ra phân tích, năm 2016, có 90 xã đạt chuẩn tiêu chí thu nhập, nhưng đến 2017, khi mức thu nhập được điều chỉnh, có 1 xã bị “rớt”. Đối với tiêu chí tổ chức sản xuất, trong số 125 xã đã đạt chuẩn, đến tháng 9.2017, qua rà soát, chỉ còn lại 88 xã đủ điều kiện để công nhận đạt chuẩn đối với tiêu chí này. “Tình trạng rớt chuẩn không chỉ xảy ra ở địa bàn miền núi, mà còn đồng bằng. Đến tháng 9.2017, có đến 5 huyện chưa có xã nào đạt tiêu chí thu nhập. Tương tự, với tiêu chí tổ chức sản xuất, cũng có 5 huyện không có xã nào đạt chuẩn, trong đó có cả TP.Hội An là một địa phương ở đồng bằng” - ông Lộc cho hay.
Khó về đích đúng tiến độ
Ông Trần Thanh Diệp - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho hay: “Nhiều xã có kế hoạch về đích NTM trong năm 2017, nhưng khi chúng tôi kiểm tra, thì vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất theo quy định. Dù đã tập huấn nhiều lần, hướng dẫn rất kỹ, nhưng sự thiếu quyết liệt của các địa phương đang đặt ra nhiều thách thức. Khó nhất vẫn là nhiều cán bộ cơ sở chưa tìm hiểu kỹ về quy định của tiêu chí 13, cũng như cách thức thành lập, hoạt động của HTX theo Luật HTX 2012. Khi cán bộ xã còn chưa nắm rõ, lập tức ám ảnh về HTX kiểu cũ sẽ trở thành rào cản để có thể hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất theo quy định mới”.
Theo đại diện Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, sự yếu kém trong nhận thức, thiếu quyết liệt của một bộ phận cán bộ các địa phương dẫn đến hiệu quả tuyên truyền không cao, người dân chưa thấy được tầm quan trọng của việc liên kết hợp tác để đảm bảo tính bền vững, tạo thu nhập ổn định cho chính mình. Nhiều địa phương “kêu khó” về việc thực hiện tiêu chí này, tuy nhiên, theo ông Diệp, nhu cầu hợp tác ở miền núi là có, đầu ra chưa bị cạnh tranh, do đó có thể xây dựng được HTX, tham gia chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương. “Khó, vì cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực quản lý, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức ở các địa phương, đặc biệt là miền núi rõ ràng còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, cái khó nhất vẫn là sự vào cuộc thiếu đồng bộ, chưa chủ động của chính các địa phương, chứ không thể nói là không thực hiện được” - ông Diệp nhấn mạnh.
Xã Lăng là địa phương bị “rớt chuẩn” NTM do không đảm bảo tiêu chí thu nhập. Ảnh: P.G |
Đối với tiêu chí thu nhập, với tốc độ phát triển hiện tại, việc quy định mức thu nhập bình quân chia cho khu vực trong tiêu chí số 10 cũng đang đặt ra nhiều thách thức. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho hay, việc áp thu nhập bình quân cho xã NTM hiện nay tồn tại khá nhiều bất cập. Nhiều địa phương có kiến nghị rằng tiêu chí thu nhập bình quân chưa thực tế, không phản ánh đúng thực trạng của địa phương, sa vào bình quân chủ nghĩa. “Theo tôi, ở miền núi, khi sản xuất còn manh mún, đào tạo nghề cho lao động gặp hàng loạt rào cản như phong tục, thói quen thiếu kỷ luật, đầu ra cho lao động chưa nhiều, việc chuyển dịch cơ cấu lao động quá chậm, nên không thể lấy đâu ra nguồn tăng thu để đáp ứng mức thu nhập bình quân theo tiêu chí mới. Đây chắc chắn cũng là khó khăn rất lớn của nhiều địa phương, không riêng gì miền núi” - ông Muộn chia sẻ.
CÁC KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương điều chỉnh
Xuất phát từ vai trò HTX trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp nên tiêu chí tổ chức sản xuất đối với xã NTM có những điều chỉnh. Đứng ở góc độ địa phương có khu vực miền núi chiếm tỷ lệ cao, theo tôi quy định này chưa thực sự phù hợp. Chúng ta phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là phát triển kinh tế miền núi, nâng cao thu nhập cho người dân. Còn hình thức tổ chức sản xuất phải theo từng bước đi phù hợp, từng giai đoạn phù hợp, phát triển từ thấp đến cao. Không thể đánh đồng mọi địa phương, mọi địa hình, điều kiện kinh tế xã hội khác, áp vào một mô hình tổ chức sản xuất giống nhau. Điều này cũng đã được tỉnh kiến nghị tại hội nghị tổng kết Luật HTX 2012 nhưng các bộ, ngành Trung ương vẫn chưa thống nhất. Do đó, địa phương vẫn phải tiếp tục cố gắng thực hiện.
Tháng 10.2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 với 19 tiêu chí. Căn cứ vào bộ tiêu chí này, UBND tỉnh ban hành Quyết định 756 vào ngày 13.3.2017, quy định bộ tiêu chí về xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhiều tiêu chí được quy định mới: tiêu chí số 10 (tiêu chí thu nhập) điều chỉnh quy định thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 tăng theo mức tối thiểu 41 triệu đồng ở khu vực đồng bằng và 36 triệu đồng đối với khu vực miền núi. Đối với tiêu chí số 13 (tiêu chí tổ chức sản xuất), điều chỉnh từ có tổ hợp tác hoặc HTX hoạt động có hiệu quả sang quy định có HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012 và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. |
Giải pháp mà tỉnh đang tập trung là khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp nông thôn, miền núi, không phụ thuộc vào các HTX hiện có mà động viên thanh niên có ý tưởng sáng tạo như trồng dược liệu, chăn nuôi loài đặc hữu của đồng bào miền núi, phát triển lâm nghiệp, trồng rừng liên kết với nhau để hình thành HTX. Hoặc ở các xã NTM có thế mạnh về trồng rừng, sẽ thành lập các HTX về trồng rừng gỗ lớn. HTX liên kết với doanh nghiệp từ khâu tiếp nhận giống, trồng trọt, thu hoạch và chế biến. Song song với đó, UBND tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương nghiên cứu điều chỉnh lại hình thức này. Quan điểm của tỉnh là sẽ tiếp tục động viên thành lập các tổ hợp tác. Khi đã chín muồi, đã phát triển tốt, có liên kết hiệu quả, sẽ hỗ trợ, đào tạo để nâng lên thành HTX, nâng cao tính bền vững cho tiêu chí tổ chức sản xuất ở nông thôn.
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Không nên áp dụng quá cứng nhắc
Việc điều chỉnh tiêu chí tổ chức sản xuất và tiêu chí thu nhập, hướng đến sản xuất bền vững, nâng cao giá trị hàng hóa, cải thiện thu nhập cho người dân là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, việc áp dụng quá cứng nhắc những quy định trong các tiêu chí xây dựng xã NTM dẫn đến địa phương sẽ gặp khó. Trước đây, việc công nhận tổ hợp tác trong tiêu chí tổ chức sản xuất là phù hợp. Nếu tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, nhu cầu nâng lên thì tự thân tổ hợp tác sẽ phát triển thành HTX, mang tính vững chắc và sát với thực tế từng vùng hơn. Ngoài ra, quy định phải liên kết để tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực là chưa linh hoạt. Với nhiều địa phương, khi xây dựng được HTX và tạo ra giá trị từ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của HTX là đã tạo thu nhập và tăng tính bền vững cho sản xuất của người dân, không nhất thiết phải bắt buộc sản phẩm là nông sản. Cũng cần tính toán lại mức quy định phù hợp về tiêu chí thu nhập, đảm bảo sát thực tế và phản ánh đúng mức phát triển của các xã, nhất là ở miền núi.
Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang: Chưa phù hợp để hình thành HTX ở miền núi
Thực chất, HTX là mô hình hiệu quả nếu đảm bảo các yêu cầu cụ thể. Tuy nhiên, việc đưa HTX vào tiêu chí tổ chức sản xuất phải phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi địa phương, nhất là ở miền núi, chứ không nhất thiết địa phương nào cũng có HTX. Do vậy, việc hình thành HTX đòi hỏi cần phải tính toán hợp lý và có lộ trình cụ thể. Trước đây, Tây Giang có 2 xã đạt chuẩn NTM, nhưng đều nằm ở khu vực trồng cây cao su và cây dược liệu. Tuy nhiên, giá cây cao su khá bấp bênh, cũng như cây dược liệu còn nhỏ lẻ khiến nguồn thu nhập của người dân thiếu ổn định, từ đó ảnh hưởng đến các tiêu chí NTM. Để nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ và có yếu tố liên kết giữa các vùng trong tổ chức sản xuất, mở rộng giao thương nhằm kích thích và mở hướng phát triển ổn định. Ngoài ra, cần tiếp tục có cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, nhằm tạo động lực để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh.
Thực hiện chuyên đề: PHƯƠNG GIANG - ALĂNG NGƯỚC