Thảo luận dự án sân bay Long Thành: Băn khoăn giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân
(QNO) - Sáng nay 27.10, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận tổ về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai).
Các ĐBQH thảo luận tại tổ. Ảnh: NHO TUẤN |
Dự án nhằm phục vụ việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng diện tích dự kiến thu hồi, giải phóng mặt bằng hơn 5.000ha; bố trí tái định cư, di dời các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống của 4.864 hộ gia đình và 15.557 nhân khẩu; tổng mức đầu tư khoảng 23.049 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đây là dự án có quy mô lớn, ảnh hưởng trực tiếp đời sống, sản xuất nhân dân trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị Quốc hội cần có cơ chế đặc thù để triển khai thực hiện dự án. Hầu hết các đại biểu đều quan tâm, bày tỏ băn khoăn về giải quyết việc làm, quản lý hiện trạng trước và sau giải phóng mặt bằng, nguy cơ phát sinh khiếu nại, khiếu kiện, tăng tổng mức đầu tư... Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Dũng - Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam cho rằng việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành với các cơ chế đặc thù là phù hợp. Song không đồng tình với cơ chế hỗ trợ mỗi hộ gia đình bị ảnh hưởng thu nhập với mức tương đương 4,5 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ tại thời điểm hỗ trợ vì theo dự án, cơ chế này không hỗ trợ trực tiếp cho người dân mà giao cho các ban quản lý thực hiện. Đại biểu Nguyễn Quang Dũng đề nghị cơ chế hỗ trợ hộ gia đình bị ảnh hưởng thu nhập này phải cấp trực tiếp cho người dân; đồng thời đề nghị Chính phủ cần tính toán hợp lý nhu cầu đất nghĩa trang, tránh lãng phí quỹ đất.
Đại biểu Phan Thái Bình (đứng) - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam góp ý thảo luận. Ảnh: NHO TUẤN |
Trong khi đó, các đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam và Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến - ĐBQH tỉnh Quảng Nam đều bày tỏ băn khoăn, lo lắng về phương án giải quyết việc làm của dự án còn chung chung, thiếu tính khả thi và còn rất mơ hồ. Đại biểu Phan Thái Bình cho rằng: Quyền lợi người lao động sẽ bị ảnh hưởng, cả những người trong độ tuổi và chưa tới độ tuổi lao động vì đại đa số người dân bị ảnh hưởng của dự án không thể sống nhờ dự án. Nay mất đất sản xuất, mất sinh kế lâu dài, người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi dự án chỉ đưa ra giải pháp chung chung là đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhưng giải quyết như thế nào, đào tạo nghề gì thì chưa rõ. Rút kinh nghiệm của nhiều dự án chỉ ảnh hưởng mới vài nghìn lao động, cũng đưa ra giải pháp đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, nhưng thực tiễn rất khó triển khai, lúng túng trong thực hiện. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn vấn đề này để đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài của người dân. Đại biểu Phan Thái Bình cũng không đồng tình với cơ chế đặc thù cho phép không áp dụng Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai, vì cho rằng việc không áp dụng quy định này sẽ dẫn đến tùy tiện trong sử dụng đất đai.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, sau khi tiếp thu các ý kiến thảo luận của đại biểu, Quốc hội sẽ xem xét thông qua nghị quyết về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
NHO TUẤN