EU dỡ bỏ "thẻ vàng" đối với hải sản của Philippines

QUỐC HƯNG 27/10/2017 13:46

Philippines, quốc gia từng bị “thẻ vàng” từ EC do hoạt động “đánh bắt cá trái phép” đã có nhiều nỗ lực để vượt qua rào cản này.

Đánh bắt hải sản tại Philippines. Ảnh: panda
Đánh bắt hải sản tại Philippines. Ảnh: panda

Năm 2002, Ủy ban châu Âu (EC) thông qua kế hoạch hành động IUUF (illegal, unreported and unregulated fishing) nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý, có hiệu lực từ năm 2010. Đến nay, đã có 25 quốc gia, vùng và lãnh thổ bị EC áp dụng biện pháp phạt thẻ, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Vào tháng 3.2014, EC đưa Campuchia vào danh sách các nước không ngăn chặn triệt để hoạt động đánh bắt cá trái phép và rút “thẻ đỏ” đối với Campuchia, đồng nghĩa với mặt hàng hải sản Campuchia bị cấm xuất khẩu sang thị trường thuộc Liên minh châu Âu (EU). Còn đối với “thẻ vàng” EC, đồng nghĩa với thời gian cảnh báo 6 tháng để khắc phục. Sau 6 tháng, sẽ có 3 khả năng xảy ra, tùy thuộc vào kết quả khắc phục của các quốc gia, vùng lãnh thổ mà EC sẽ áp dụng các biện pháp tiếp theo: cảnh báo “thẻ vàng” được dỡ bỏ, gia hạn để hoàn thiện các nội dung còn thiếu, ban hành “thẻ đỏ”. Tuy nhiên, ngay như  Thái Lan, dù nỗ lực, nhưng đã 3 năm vẫn chưa được EU gỡ “thẻ vàng”.

Ngày 10.6.2014, Philippines bị EC rút “thẻ vàng” cảnh cáo liên quan đến hoạt động đánh bắt cá trái phép và khuyến nghị Philippines thực hiện cam kết đầy đủ các quy định để tránh khả năng bị xác định là một quốc gia không hợp tác đầy đủ trong cuộc chiến của quốc tế nhằm chống lại việc khai thác hải sản bất hợp pháp. Nhưng đến tháng 4.2015, EC quyết định dỡ bỏ “thẻ vàng” đối với Philippines vì những nỗ lực của nước này nhằm chấm dứt tình trạng đánh bắt cá thiếu bền vững. Bởi điều này không chỉ gây tổn hại cho tài nguyên biển quốc gia mà còn ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người liên quan đến nghề cá. Trước đó vào năm 2013, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Philippines sang thị trường EU đạt 9,4 tỷ peso.

EU ca ngợi tiến bộ đáng kể mà Philippines đạt được bằng việc áp dụng các chính sách mới, nhất là thông qua Đạo luật Cộng hòa (RA) 10654, là bản chỉnh sửa của RA 8850 (Quy tắc của ngư dân đánh cá Philippines) về việc đánh bắt trái phép tại khu vực lãnh hải của Philippines. Trong đó, Philippines sửa đổi luật đánh bắt cá, lập kế hoạch hành động quốc gia theo cam kết chống tình trạng đánh bắt cá trái phép, quy định đóng băng giấy phép đánh bắt hải sản mới trong 3 năm, tăng cường đáng kể nguồn nhân lực và tài chính cho ngành thủy sản, cùng với các quy định mới về kiểm tra, chứng nhận đánh bắt và truy xuất nguồn gốc. Cao ủy EU phụ trách Môi trường, các vấn đề về hàng hải và thủy sản Karmenu Vella nói: “Philippines đã có hành động trách nhiệm, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và chuyển sang cách tiếp cận có chủ động chống lại tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp”.

Đối với việc EU ngày 23.10 rút “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, là một thách thức không nhỏ cho ngành khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy sản của nước ta, bởi những hệ lụy có thể xảy ra với uy tín, thương hiệu và thị trường. Hiện EU cho phép Việt Nam 6 tháng để cải thiện các vấn đề nhằm tiến tới xóa bỏ mức phạt như hiện nay. Do đó đòi hỏi doanh nghiệp phải siết chặt hơn vấn đề chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc, nhất là các mặt hàng hải sản đánh bắt. Trong thời gian bị “thẻ vàng”, 100% container hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác khiến thời gian bị kéo dài, thậm chí từ 3 - 4 tuần/container và rủi ro lớn nhất là tỷ lệ các container hàng bị từ chối.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG