"Ngôi nhà chung" của nhà giáo nghỉ hưu

XUÂN PHÚ 27/10/2017 09:36

Hôm nay 27.10, Hội Cựu giáo chức tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2017-2022. Tròn 10 năm thành lập hội, đến nay mạng lưới cơ sở hội đã có sự phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều hội viên, hỗ trợ đắc lực cho sự nghiệp GD-ĐT.

Trao chứng nhận tôn vinh Vì sự nghiệp giáo dục của Hội Cựu giáo chức tỉnh cho hội viên. Ảnh: X.PHÚ
Trao chứng nhận tôn vinh Vì sự nghiệp giáo dục của Hội Cựu giáo chức tỉnh cho hội viên. Ảnh: X.PHÚ

“Ngôi nhà chung”

Tháng 8.2007, Hội Cựu giáo chức tỉnh Quảng Nam được thành lập với 171 hội viên do Nhà giáo ưu tú Hà Thị Thu Sương làm Chủ tịch. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc ra đời Hội Cựu giáo chức tỉnh đánh dấu bước ngoặt đối với các nhà giáo nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh. Bởi hội được xem là “ngôi nhà chung”, tập hợp thầy cô giáo sau khi rời bục giảng có điều kiện gắn bó với nhau, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, qua đó động viên nhau tiếp tục tham gia hỗ trợ cho sự nghiệp trồng người của tỉnh.

Với ý nghĩa đặc biệt đó, cho dù không phải hội đặc thù, thiếu sự quan tâm đầu tư, nhất là nguồn kinh phí ở một số địa phương, song không vì thế mà sự phát triển mạng lưới tổ chức hội các cấp bị ảnh hưởng. Đến nay, cả tỉnh đã có 14 huyện, thị xã, thành phố thành lập Hội Cựu giáo chức (trừ các huyện miền núi cao Phước Sơn, Tây Giang, Đông Giang, Nam Trà My chưa đủ điều kiện thành lập). Từ 70 chi hội cấp xã, phường cách đây 5 năm, đến thời điểm này đã tăng lên 127 chi hội. Đặc biệt TP.Tam Kỳ, huyện Quế Sơn và Phú Ninh có 100% số xã, phường, thị trấn thành lập Hội Cựu giáo chức. Nhưng ấn tượng nhất là số lượng hội viên. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 5.320 nhà giáo về hưu thì đã có 4.998 người là hội viên Hội Cựu giáo chức, tăng gần gấp đôi so với thời điểm năm 2012. Nhiều thầy cô giáo lớn tuổi vẫn nhiệt tình tham gia, trong đó có đến 576 hội viên tuổi từ 71 trở lên, thậm chí có đến 142 người tuổi trong khoảng 81 - 90 và 25 hội viên trên 90 tuổi. Các địa phương như Núi Thành, Quế Sơn, Tam Kỳ, Thăng Bình có số lượng hội viên đông với hơn 600 người. Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của tổ chức Hội Cựu giáo chức đối với thầy cô giáo nghỉ hưu.

Nhà giáo ưu tú Hà Thị Thu Sương - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh cho biết, thực hiện chức năng của mình, thời gian qua, hội các cấp đã thể hiện sự quan tâm chăm lo đời sống tinh thần lẫn vật chất cho hội viên. Rất nhiều hoạt động giao lưu, sinh hoạt được tổ chức như tham quan, mừng sinh nhật, mừng thọ, sinh hoạt câu lạc bộ thơ, câu lạc bộ dưỡng sinh… Cạnh đó, hội viên bị ốm đau, bệnh tật, ảnh hưởng bão lụt đều được các cấp hội kịp thời thăm hỏi động viên, hỗ trợ kinh phí. Điều đó đã giúp cho các thầy cô giáo lớn tuổi thêm yêu cuộc sống, cảm thấy ấm lòng và ngày càng thu hút nhiều người tham gia vào hội. “Trước đây, mỗi năm vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, các thầy cô giáo nghỉ hưu coi như “người ngoài cuộc” vì địa phương hay ngành chỉ tổ chức cho nhà giáo đang công tác. Kể từ khi có Hội Cựu giáo chức, vào ngày này hằng năm, thầy cô giáo nghỉ hưu đều được tham gia sinh hoạt, ôn lại kỷ niệm thời còn đi dạy, tạo không khí đầm ấm, vui tươi. Rõ ràng, Hội Cựu giáo chức thực sự là “ngôi nhà chung” của các nhà giáo và nhân viên công tác trong các cơ sở giáo dục khi về hưu” - Nhà giáo ưu tú Hà Thị Thu Sương chia sẻ.

Vẫn tiếp tục “trồng người”

Ngoài tiếp tục sứ mệnh đồng hành với học trò nghèo, góp sức cho sự nghiệp GD-ĐT, tiếng nói của cựu giáo chức có uy tín, thuyết phục, nhiều người nghe. Họ tham gia rất tích cực và hiệu quả các hoạt động, phong trào tại địa phương, nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục trẻ em.

Những năm gần đây, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh xuất hiện phong trào một số nhà giáo nghỉ hưu cùng tập hợp đứng ra tổ chức các lớp dạy hè miễn phí. Tiêu biểu nhất có thể kể đến là nhóm thầy cô giáo tại phường Phước Hòa (Tam Kỳ). Đây là những lớp học do cô giáo Lê Thị Thanh Nga - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức phường Phước Hòa cùng 40 hội viên của Hội Cựu giáo chức phường và TP.Tam Kỳ đứng ra tổ chức. Trung bình mỗi năm có khoảng 180 học sinh của phường Phước Hòa và các địa bàn lân cận theo học. Theo báo cáo của Hội Cựu giáo chức tỉnh, thời gian qua nhiều Hội Cựu giáo chức đã mở cả trăm lớp học tình thương cho học sinh con gia đình nghèo, mồ côi cha mẹ, học sinh khuyết tật, trong đó nổi bật hơn cả có các Hội Cựu giáo chức Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh, Bắc Trà My, Quế Sơn. Thống kê trong 5 năm qua cho thấy, số lượng học sinh theo học tại các lớp do các cấp Hội Cựu giáo chức trên địa bàn tỉnh mở lên đến 1.585 em. Ngoài ra, các cựu giáo chức còn tích cực tham gia vận động và ủng hộ kinh phí, sách vở hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó ở địa phương. Những nhà giáo - hội viên Hội Cựu giáo chức huyện Nông Sơn như thầy Vũ Đoàn, cô Phạm Thanh Lan, Huỳnh Thị Thu Thủy là tấm gương tiêu biểu về tấm lòng của nhà giáo. Dù không còn đứng trên bục giảng, các thầy cô vẫn nặng lòng với học trò, dành dụm tiền lương hỗ trợ mỗi người 10 triệu đồng làm phần thưởng cho học sinh nghèo hiếu học tại địa phương.

Nhà giáo ưu tú Hà Thị Thu Sương chia sẻ, vai trò của đội ngũ nhà giáo đã nghỉ hưu không kém phần quan trọng ở cơ sở. Ngoài tiếp tục sứ mệnh đồng hành với học trò nghèo, góp sức cho sự nghiệp GD-ĐT, tiếng nói của cựu giáo chức có uy tín, thuyết phục, nhiều người nghe. Họ tham gia rất tích cực và hiệu quả các hoạt động, phong trào tại địa phương, nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục trẻ em. Theo thống kê của Hội Cựu giáo chức tỉnh, toàn hội hiện có 3.332 hội viên tham gia công tác đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, điều đó cho thấy vai trò và tinh thần nhiệt huyết của nhà giáo nghỉ hưu đối với phong trào của địa phương. Họ cũng nhiệt tình đóng góp ý kiến với ngành về các vấn đề liên quan đến GD-ĐT như: chương trình giáo dục phổ thông mới; đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; tổ chức kỳ thi THPT; tham gia hội đồng tư vấn, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.

“Thời gian qua, nhiều địa phương đã có sự quan tâm, tạo điều kiện cho Hội Cựu giáo chức hoạt động, tiêu biểu như huyện Nam Giang hỗ trợ mỗi năm 70 - 100 triệu đồng. Tuy nhiên, một số Hội Cựu giáo chức ở các địa phương như Hội An, Đại Lộc, Tiên Phước chưa nhận được sự hỗ trợ cả về kinh phí lẫn địa điểm làm việc, làm cho hội hoạt động rất khó khăn. Vì vậy, mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận để giúp hội hoạt động tốt hơn, hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình là chăm lo đời sống tinh thần hội viên, tham gia đóng góp trí tuệ của đội ngũ cựu giáo chức cho sự nghiệp GD-ĐT” - Nhà giáo ưu tú Hà Thị Thu Sương nói.

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ