ASEAN bàn thảo thách thức an ninh khu vực
Ngày 23.10, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) lần thứ 11 đã khai mạc tại thủ đô Manila của Philippines, với nội dung trọng tâm là các thách thức an ninh trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo ASEAN tại ADMM-11. Ảnh: AP |
Đoàn Đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu tham dự hội nghị.
Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, Philippines sẽ đề xuất một số sáng kiến bao gồm chương trình làm việc kéo dài 3 năm tập trung vào các mục tiêu hợp lý hóa, điều phối và chuẩn hóa các nỗ lực của ADMM. Đây là các bước đi cần thiết để thúc đẩy cơ chế hợp tác hiệu quả. Bộ trưởng Delfin Lorenzana cũng thông tin, Philippines vừa chính thức kết thúc chiến dịch quân sự kéo dài 5 tháng, giải phóng thành phố Marawi khỏi phiến quân Maute thân Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chiến dịch khiến hơn 1.000 người chết bao gồm dân thường, binh sĩ, cảnh sát và các tay súng nổi dậy, 400.000 người dân phải đi sơ tán, nhiều khu vực ở thành phố bị phá hủy…
Các chuyên gia chống khủng bố lên tiếng cảnh báo châu Á, bao gồm khu vực ASEAN cần cảnh giác sự nổi dậy của các tay súng cực đoan. Bên cạnh đó, những vấn đề an ninh trong khu vực và quốc tế được đặt lên bàn hội nghị lần này bao gồm an ninh trên Biển Đông, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Qua đó, ADMM năm nay đã tập trung vào tiến trình hợp tác quốc phòng bao gồm việc xây dựng các sáng kiến mới. Theo tờ Philippine Daily Inquirer, chiều 23.10, trưởng đoàn các nước tham dự hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN năm nay đã ký Tuyên bố chung của ADMM-11 với chủ đề “Chung tay để thay đổi, hội nhập cùng thế giới”. Tuyên bố chung tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, thực hiện kiềm chế trong các hoạt động, tránh các hành động có thể gây phức tạp tình hình, theo đuổi các giải pháp giúp giải quyết tranh chấp hòa bình, phù hợp với luật pháp. Ngoài ra, Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự kiềm chế trong thực hiện hành động cũng như thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và hoan nghênh việc thông qua và chỉnh sửa khung Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Được thành lập năm 2006, ADMM là cơ chế tư vấn và hợp tác quốc phòng cao nhất ở ASEAN, nhằm mục đích thúc đẩy lòng tin và tin cậy lẫn nhau thông qua việc hiểu rõ hơn về các thách thức an ninh và quốc phòng. Đồng thời tăng cường tính minh bạch và sự cởi mở giữa 10 nước thành viên ASEAN là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Cơ chế hợp tác quốc phòng ASEAN (ADMM) là kênh hiệu quả và quan trọng, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, làm tiền đề quan trọng để ASEAN xây dựng thành công cộng đồng theo tầm nhìn 2025.
ADMM-Plus là một cơ sở cho các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tham gia đối thoại với đồng cấp của các nước đối tác ngoài ASEAN bao gồm: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Hoa Kỳ. ADMM-Plus được thành lập vào năm 2010, diễn ra hai hoặc ba năm/lần, tập trung các vấn đề hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thiên tai, an ninh hàng hải, chống khủng bố, hỗ trợ y tế, tăng cường sự hợp tác quốc phòng giữa các nước ASEAN và các đối tác…
NAM VIỆT