Xã đảo vẫn chờ lò đốt rác

TRIÊU NHAN 24/10/2017 20:28

(QNO) - Trước nạn rác thải tràn ngập, gây áp lực lên xã đảo thì mấy năm trôi qua, dự án lò đốt rác thải tại Tam Hải (Núi Thành) vẫn “án binh bất động” vì gặp sự phản đối của người dân, chính quyền lại đau đầu tìm phương án.

Tam Hải bao bọc bởi bốn bề là sông, biển. Ảnh: TRIÊU NHAN
Tam Hải bao bọc bởi bốn bề là sông, biển. Ảnh: TRIÊU NHAN

Xã đảo Tam Hải vốn lưu giữ nhiều thắng cảnh thiên nhiên với vẻ đẹp hoang sơ, chưa được khai phá, được tỉnh ưu tiên, định hướng phát triển du lịch. Song, bên cạnh rào cản là yếu tố địa hình trắc trở, hạ tầng giao thông còn yếu, cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn nghèo nàn… thì nạn rác thải cũng là điểm trừ lớn trong bước đường phát triển du lịch của xã đảo đầy tiềm năng này. Sông Trường Giang qua Tam Hải lâu nay nổi tiếng là dòng sông rác. Mỗi ngày, lượng rác thải phát sinh từ các khu dân cư, từ chợ Tam Hải và các khu vực lân cận khoảng 6-7 tấn. Cả xã đảo không có bãi xử lý rác, không có địa điểm tập kết rác nên rác thải bị vứt ngang nhiên xuống lòng sông Trường Giang, các kênh, rạch, các bãi đất trống, bờ biển, trong sự bất lực của chính quyền địa phương.

Bà Huỳnh Thị Minh (80 tuổi, thôn Bình Trung) ngao ngán: “Vườn nhà tôi ngập trong rác, do người dân các nơi đem đến đổ bỏ, họ quá vô ý thức. Tôi phải đi lượm rác mỗi ngày. Người dân ở đây cứ đi xe đạp, xe máy, vứt rác ra lòng kênh, sông suối vì không biết vứt ở đâu nữa”. Cạnh đó, bà Phạm Thị Mỹ lắc đầu: “Không chết vì bom đạn, mà giờ nhân dân ở đây chết vì rác. Không chỉ phát sinh từ Tam Hải đâu, rác thải còn đến từ các xã lân cận như Tam Hiệp, Tam Giang... Họ vứt rác ra sông, trôi ra biển rồi về tấp hết ở đây”. Cũng theo bà Mỹ, nhiều năm rồi, dự án lò đốt rác thải ở Tam Hải cứ “nằm im trên giấy”, không phải là người dân Tam Hải không mong muốn có lò đốt rác, mà họ phản đối vì địa điểm bố trí lò đốt rác lại quá gần khu dân cư. Ban đầu định đặt ở thôn Bình Trung nhưng dân ở đây phản đối kịch liệt vì chỉ cách nhà dân 150m, các thôn khác cũng phản đối vì không đảm bảo khoảng cách. “Hơn nữa, điều khiến dân ở đây rất lo là với kinh phí mấy tỷ đồng cho một lò đốt rác, liệu có giải quyết được nạn rác thải ở đây hay không? Bởi lẽ, có quá nhiều lò đốt rác, nhà máy rác xây xong rồi không hoạt động tốt như mục đích ban đầu” - bà Mỹ nói. Bà Nguyễn Thị Sĩ (thôn Bình Trung) chia sẻ thêm: “Ở đây cũng có rất nhiều hồ tôm đang nuôi, nhiều người lo sợ ảnh hưởng nguồn nước, gây chết tôm nên kịch liệt phản đối”.

Theo ông Hồ Quốc Thanh, Trưởng thôn Bình Trung, cả thôn có hơn 300 hộ dân, trong đó có khoảng 30 hộ sống gần vị trí lò đốt rác nhất, họ lo ngại nếu rác chuyển đến không xử lý liền sẽ gây hôi thối. Chưa kể, rác từ các xã khác đổ về đây nếu mà xử lý không kịp sẽ gây ùn ứ, không ai chịu nổi. Rồi lo ngại về nguồn nước giếng sinh hoạt bị ô nhiễm... “Tới nay vẫn chưa tìm ra phương án. Thôn Bình Trung không thể đặt lò đốt rác vì người dân phản đối kịch liệt, đưa lên thôn 1 thì người dân la làng. Có thể đưa ra thôn 4 được, vì vị trí này đảm bảo cách khu dân cư 500m, nhưng khổ nỗi là mấy chục hộ dân thôn 1 gần đó lại đấu tranh. Thiết nghĩ nếu đưa ra doi cát Bình Trung thì được, vì nơi đây sát vùng rừng nhiễm mặn chỉ có cây đước, mắm, bần mọc” - ông Thanh nói.

Xã đảo Tam Hải ngập trong rác. Ảnh: TRIÊU NHAN
Xã đảo Tam Hải ngập trong rác. Ảnh: TRIÊU NHAN

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho rằng, sở dĩ dự án triển khai chậm vì chưa tìm được vị trí xây lò đốt rác hợp lý. Bởi lẽ khảo sát ở thôn Bình Trung hay Thuận An thì vị trí nào cũng đều quá gần khu dân cư, không đảm bảo yếu tố cách nhà dân tối thiểu 500m như quy định của Bộ Y tế. Cũng theo ông Hùng, khó khăn hiện nay là xã đảo bốn bề đều là sông nước, mật độ dân cư đông, lượng rác thải phát sinh mỗi ngày rất lớn. Cả xã có 2.500 hộ dân, chỉ cần mỗi gia đình phát sinh khoảng 3kg rác thải mỗi tuần đã là quá tải rồi, chưa kể áp lực rác thải từ các nơi khác theo sông Trường Giang ra biển. Bãi tập kết rác vẫn chưa có, hệ thống chôn lấp rác cũng không, lâu nay chỉ xử lý rác tại chỗ theo kiểu tự đốt, tự chôn lấp nhưng giờ thì không giải quyết nổi. Vì đò giang cách trở nên xe tải chở rác không thể tiếp cận Tam Hải được. “Với vị trí xã đảo Tam Hải mà muốn đảm bảo về khoảng cách, cự ly thì vô cùng khó khăn vì diện tích hẹp, dân lại xen cư, chưa kể tình trạng nuôi tôm ở gần các khu vực lựa chọn xây lò đốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát lại mấy điểm sao cho phù hợp khoảng cách đảm bảo 500m, lại đảm bảo yếu tố vệ sinh môi trường cho khu vực dân cư. Vấn đề là người dân cần ủng hộ chủ trương này” - ông Hùng nói.

Trao đổi với báo giới trước đó, đại diện Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam khẳng định rằng, dự án lò đốt rác thải tại Tam Hải là dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng kiểu dáng công nghiệp, khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Quy trình xử lý rác được thực hiện khép kín, lò đốt được 500kg rác/giờ nên chỉ trong vòng 12 giờ là xử lý hết lượng rác trên xã đảo thải ra. Song, để tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân xã đảo, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của chính quyền cũng như sự cam kết của công ty, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng lẫn vận hành lò đốt để người dân yên tâm.

TRIÊU NHAN

TRIÊU NHAN