Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
(QNO) - Hỏi: Tôi đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được 3 năm 2 tháng, công ty tôi đang làm việc ngừng hoạt động, trong khi tôi đang mang thai 6 tháng. Vậy, tôi có được hưởng chế độ trợ cấp thai sản không?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Tại Điều 31 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản: Người lao động phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì được hưởng chế độ thai sản… Người lao động đủ điều kiện nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Hỏi: Do nhu cầu từ công ty, tôi đồng ý đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ thai sản 1 tháng. Thời gian đi làm trước thời hạn này, tôi được tham gia những loại BHXH nào?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Căn cứ Khoản 2, Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29.12.2015 về mức hưởng chế độ thai sản: Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng BHXH, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật BHXH nhưng người lao động và người sử dụng lao động phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).
Như vậy, trường hợp bạn nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nhưng quay trở lại làm việc sớm thì trong thời gian 1 tháng đi làm trước thời hạn, bạn và người sử dụng lao động vẫn phải đóng BHXH, BHYT.
Hỏi: Tôi đóng BHXH tại công ty A từ tháng 3.2015, tháng 2.2016, tôi nghỉ thai sản, nhưng công ty chưa báo giảm lao động đóng BHXH. Hết thời gian nghỉ, tôi đi làm tại công ty B, đóng BHXH từ tháng 10.2016 đến nay. Do chưa báo giảm lao động tại công ty A nên tôi chưa chốt được sổ BHXH. Từ tháng 3.2016 đến nay, cơ quan BHXH vẫn tính tôi đóng bảo hiểm tại công ty A. Do công ty A đang nợ tiền bảo hiểm nên tôi chưa nộp tiền BHXH tại đây. Tôi sắp nghỉ thai sản lần 2 tại công ty B. Xin hỏi, tôi phải làm gì để được chốt sổ BHXH và được hưởng chế độ thai sản? Có phải đóng tiền BHXH từ tháng 3.2016 đến nay tại công ty A không?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Căn cứ theo Điều 18 Luật BHXH và Khoản 1, Điều 50 Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 9.9.2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, khi đơn vị đã đóng đủ tiền đến thời điểm bà nghỉ sinh thì bà hưởng chế độ nghỉ sinh theo quy định.
Tuy nhiên, nếu đơn vị cũ nợ tiền BHXH thì đơn vị sử dụng lao động tính đủ số tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và lãi chậm nộp cho số lao động đề nghị chốt sổ BHXH, chuyển đầy đủ số tiền sau khi tính toán vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH nơi quản lý đơn vị và có văn bản đề nghị cơ quan BHXH.
Hỏi: Công ty tôi làm có trụ sở và đóng BHXH ở Quảng Nam. Công ty cử tôi đi sửa máy cho công ty khách hàng ở tỉnh Quảng Ngãi thì bị xe tải tông trong giờ làm việc. Kết quả giám định tỷ lệ thương tật là 78%. Công ty nói rằng tôi không được hưởng trợ cấp tai nạn lao động (TNLĐ) vì ngoài phạm vi làm việc của công ty và công ty không phải đền bù cho tôi mà chỉ hỗ trợ thôi. Công ty làm thế có đúng không? Trường hợp của tôi có được hưởng trợ cấp hàng tháng không và hồ sơ để hưởng cần gì?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Điều 142 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về TNLĐ như sau: TNLĐ là tai nạn gây tổn thương cho bất kì bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Khoản 1, Điều 39 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ TNLĐ: Người lao động (NLĐ) được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ các điều kiện sau đây: Bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại Khoản 1 điều này.
Từ những quy định trên, trường hợp của bạn đủ điều kiện hưởng chế độ TNLĐ và được hưởng những chế độ sau:
- Bạn được người sử dụng lao động trả đủ lương theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) đã giao kết và không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong thời gian bạn đang điều trị và được công ty cùng với cơ quan BHXH các chi phí điều trị.
- Bạn được hưởng trợ cấp hàng tháng trong quy định của chế độ TNLĐ.
Hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ gồm:
+ Sổ BHXH của NLĐ đã xác định đóng BHXH đến tháng trước khi bị TNLĐ;
+ Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ của người sử dụng lao động (mẫu số 05A-HSB);
+ Biên bản điều tra TNLĐ.
Hỏi: Tôi bị tai nạn hỏng một bên mắt trong khi làm việc tại công ty từ năm 2005, nhưng chưa hưởng chế độ TNLĐ. Tôi còn giữ biên bản điều tra TNLĐ, giấy ra viện, bản sao bệnh án. Xin hỏi, nay tôi muốn làm chế độ TNLĐ có được không?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Vào thời điểm năm 2005, chế độ TNLĐ thực hiện theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động năm 1994; Khoản 23, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Lao động năm 2002 và Điều 16 Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26.1.1995.
Theo đó, từ người sử dụng lao động, bao gồm: chi phí y tế, tiền lương từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong.
Bồi thường hoặc trợ cấp theo mức suy giảm khả năng lao động. Chi tiết chế độ bồi thường, trợ cấp được quy định tại Thông tư số 10/2003/TT-BLĐTBXH ngày 18.4.2003 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn việc thực hiện chế độ bồi thường và trợ cấp đối với NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
Từ Quỹ BHXH nếu thuộc đối tượng BHXH bắt buộc theo quy định tại Khoản 36, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Lao động năm 2002; điều kiện hưởng và chế độ được hưởng theo quy định tại mục III Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP.
Trường hợp của bạn thuộc đối tượng tham gia loại hình BHXH bắt buộc và bạn làm việc theo hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên theo quy định tại Khoản 36, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Lao động năm 2002 nhưng công ty của bạn không tham gia loại hình BHXH bắt buộc cho bạn, thì công ty phải trả cho bạn một khoản tiền ngang với mức quy định trong Điều lệ BHXH theo quy định tại Khoản 2, Điều 107 Bộ luật Lao động năm 1994.
Hiện nay, chế độ TNLĐ thực hiện theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012, Luật An toàn vệ sinh lao động, Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH ngày 2.2.2015 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
Do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ để có thể trả lời chính xác các chế độ về TNLĐ và việc làm các thủ tục hưởng chế độ trong trường hợp của bạn. Để thuận lợi, đề nghị bạn liên hệ với Sở LĐ-TB&XH tỉnh để được hướng dẫn chi tiết và trợ giúp pháp lý.
BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM