Vướng mắc trong thực hiện phân chia địa giới hành chính: Cần giải quyết dứt điểm

HÀN GIANG 23/10/2017 09:10

Do sai sót trong quá trình thực hiện Chỉ thị 364/CT ngày 6.11.1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng dẫn đến tranh chấp đất đai kéo dài trong nhân dân giữa các xã khu vực giáp ranh của hai huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) và Tây Trà (Quảng Ngãi).

Tại cuộc làm việc bàn các nội dung hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi thống nhất chủ trương không gây xáo trộn công tác quản lý địa giới hành chính giữa 2 tỉnh. Ảnh: H.GIANG
Tại cuộc làm việc bàn các nội dung hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi thống nhất chủ trương không gây xáo trộn công tác quản lý địa giới hành chính giữa 2 tỉnh. Ảnh: H.GIANG

Hơn 1.250ha nằm trên đất huyện Tây Trà!

Trước khi phân chia địa giới hành chính theo Chỉ thị 364, ranh giới phân chia tự nhiên của thôn 3, xã Trà Ka (Bắc Trà My) với thôn Kem, xã Trà Xinh (Tây Trà) là suối Hpoc kéo dài từ ngã ba sông Tang chạy đến đỉnh núi Vân Rét. Tại khu vực bên này suối Hpoc, bà con đồng bào dân tộc Co của xã Trà Ka sinh sống, sản xuất và chọn điểm làm nơi chôn cất người chết trong làng. Sau đó, tại đây xảy ra dịch bệnh nên người dân di dời xuống sinh sống tại khu vực thôn 3 hiện nay; tuy nhiên đất ở làng cũ bà con vẫn sản xuất bình thường; khi trong làng có người chết cũng được đưa về chôn ở đó. Năm 1994, khi phân chia ranh giới theo Chỉ thị 364, xã Trà Ka và xã Trà Xinh lấy dòng sông Lon làm ranh giới - cách ranh giới tự nhiên cũ về phía đông khoảng 500m. Theo đó, khu vực làng cũ của nhân dân thôn 3, xã Trà Ka có diện tích tự nhiên khoảng 250ha sau phân chia đã thuộc địa giới hành chính của xã Trà Xinh.

Ông Hồ Văn Trần - Chủ tịch UBND xã Trà Ka cho biết, trước đây khu vực này rất ổn định, nhân dân Trà Ka vẫn canh tác, sản xuất bình thường, không có tranh chấp xảy ra. Nhưng từ năm 2014 đến nay, khi Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Trà hợp đồng với Công ty Hải Hà triển khai dự án JICA 2 đã tiến hành gieo trồng cây lim xanh tại khu vực đất canh tác, chôn cất mồ mả của nhân dân thôn 3 và thôn 4 xã Trà Ka nên nảy sinh tranh chấp. “Cán bộ và nhân dân xã Trà Ka nhiều lần làm việc với ông Phạm Trung Dũng - đại diện Công ty Hải Hà, đề nghị không được thi công xâm phạm đến khu vực sản xuất, chôn cất mồ mả của nhân dân thôn 3. Tuy nhiên, ông Phạm Trung Dũng phớt lờ, vẫn cho thi công tại khu vực trên. Do đó, thường xuyên xảy ra tranh chấp giữa người dân địa phương và doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại khu vực. Chúng tôi đã nhiều lần đặt vấn đề làm việc với các đơn vị liên quan phía huyện Tây Trà nhưng không được cộng tác để cùng giải quyết dứt điểm. Do đó, việc tranh chấp kéo dài cho đến nay, người dân địa phương rất bức xúc” - ông Trần nói.

Tương tự, sau khi được phân chia địa giới hành chính theo Chỉ thị 364, thôn 1 của xã Trà Giáp (huyện Bắc Trà My) nằm ở thung lũng thuộc hoàn toàn trên đất của xã Trà Thanh và Trà Khê (huyện Tây Trà). Khu vực này có diện tích tự nhiên khoảng 1.071ha, trong đó diện tích đất sản xuất 300ha, có 70 hộ dân là người đồng bào Co với 397 nhân khẩu sinh sống. Ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch UBND xã Trà Giáp cho hay: “Do nằm trên đất của huyện Tây Trà nên nhiều năm qua, bà con thôn 1 không thể làm thủ tục cấp sổ đỏ theo quy định nên không được vay vốn để phát triển sản xuất; chưa được đầu tư để xây dựng đường giao thông, kéo điện thắp sáng, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thôn, tư tưởng nhân dân không ổn định... Hiện nay, cuộc sống của người dân thôn 1 bị xáo trộn, phát sinh tranh chấp đất đai khi việc triển khai dự án JICA 2 ảnh hưởng sản xuất của bà con”.

Người dân chịu thiệt

Người dân phải được cấp quyền sử dụng đất
Vào tháng 9.2017, tại cuộc làm việc bàn các nội dung hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi đã thống nhất chủ trương giữ ổn định, không gây xáo trộn công tác quản lý địa giới hành chính khu vực phía tây giữa 2 tỉnh. Theo quy định của pháp luật, liên quan đến thẩm quyền quản lý địa giới hành chính đã được giao cho địa phương nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm quản lý đất đai và cấp các loại giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất cho người dân có yêu cầu, kể cả khi người dân đó thuộc thẩm quyền của địa phương khác quản lý về hộ khẩu

Theo UBND huyện Bắc Trà My, sở dĩ có nghịch lý trên là do trong quá trình thực hiện phân chia địa giới hành chính theo Chỉ thị 364 đơn vị thi công không tiến hành đo đạc trực tiếp trên thực địa; công tác hiệp thương chưa nắm chắc đường ranh giới tự nhiên của địa phương và chưa căn cứ vào lịch sử cư trú, sản xuất của nhân dân địa phương. Do vậy, việc xác định ranh giới khác so với thực tế dẫn đến khu vực đất của người dân các xã Trà Ka, Trà Giáp đang sinh sống, canh tác, chôn cất mồ mả ông bà lại thuộc về huyện Tây Trà, Quảng Ngãi. Trong khi đó, cho đến nay mọi sinh hoạt, làm các thủ tục hồ sơ, giấy tờ hay chế độ có liên của người dân các thôn nói trên đều được thực hiện tại hai xã Trà Ka, Trà Giáp.

Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, qua hiệp thương lấy ý kiến nhân dân, người dân thôn 1, xã Trà Giáp và thôn 3, xã Trà Ka đều có chung nguyện vọng là giữ nguyên hộ khẩu như hiện nay và đề nghị các cấp, ngành chức năng điều chỉnh địa giới hành chính cho phù hợp với ranh giới tự nhiên, lịch sử định canh định cư của nhân dân tại các khu vực này. Thời gian qua, chính quyền hai huyện tổ chức nhiều cuộc làm việc nhằm giải quyết các tranh chấp phát sinh, giữ gìn sự đoàn kết trong nhân dân, cũng như giữ vững an ninh trật tự tại khu vực, không để kẻ xấu lợi dụng kích động. “Các bất cập, vướng mắc trong việc phân chia địa giới hành chính đã được nhìn nhận như vậy, nhưng đến nay chưa có sự rà soát, kiểm tra chính thống từ ngành chức năng nên chưa có giải pháp giải quyết căn cơ. Trong khi đó, người dân hai thôn rất mong muốn được sớm giải quyết thỏa đáng theo nguyện vọng, không để tranh chấp đất đai kéo dài như thời gian qua” - ông Tuấn bày tỏ. Còn ông Nguyễn Kim Sơn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Trà My cho biết, lãnh đạo huyện đã phân công nhiều đoàn công tác xuống cơ sở nắm tình hình, thường xuyên vận động bà con địa phương giữ bình tĩnh, chờ kết quả giải quyết của cấp trên. Tuy nhiên, chờ đợi lâu mà chưa thấy giải quyết nên bà con địa phương rất bức xúc. “Cuộc sống của bà con hai thôn rất thiệt thòi. Không được cấp sổ đỏ để có cơ sở được giải quyết vay vốn phát triển sản xuất đã đành, chính quyền địa phương cũng không thể đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội do đất thuộc huyện Tây Trà. Những vướng mắc trong phân chia địa giới hành chính theo Chỉ thị 364 ở khu vực này cần sớm được quan tâm giải quyết dứt điểm nhằm ổn định tư tưởng, cuộc sống và sản xuất của nhân dân” - ông Sơn nhấn mạnh.

HÀN GIANG

HÀN GIANG