Kết nối tài chính cộng đồng APEC: Minh bạch và bền vững

TRỊNH DŨNG 23/10/2017 09:00

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 (FMM 2017) được tổ chức tại Hội An vừa kết thúc, mở ra tiến trình đổi mới trong việc kết nối tài chính cho một cộng đồng APEC minh bạch và bền vững.

Các đại biểu tham dự FMM 2017.Ảnh: T.D
Các đại biểu tham dự FMM 2017.Ảnh: T.D

Xác lập sự ổn định

FMM 2017 là cuộc tổng duyệt, một sự thẩm định cuối cùng về sáng kiến của Việt Nam thông qua 4 chủ đề ưu tiên trong khuôn khổ Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017. Sáng kiến này (đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng, tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận, tài chính bao trùm) đã được các nền kinh tế thành viên APEC thống nhất và đánh giá rất cao. Các đại biểu thống nhất rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là động lực quan trọng của kinh tế toàn cầu nhưng vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi tăng cường hợp tác, tìm kiếm các động lực mới cho tăng trưởng thông qua ưu tiên hợp tác quốc tế về tài chính, kinh tế, hướng đến sự ổn định và liên kết tài chính bền vững trong APEC. Một Chương trình nghị sự thúc đẩy bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội đã được thiết lập. Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) cho rằng nếu không muốn rơi vào tình trạng trì trệ sẽ phải cần thêm những cải thiện mạnh mẽ trong việc thay đổi cấu trúc kinh tế. Doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực của cả nền kinh tế khu vực, đóng góp 70% giá trị xuất khẩu nên cần thúc đẩy nền tài chính toàn diện để phát triển.

Trong một diễn biến khác, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ David Malpass cho biết mối quan tâm của Hoa Kỳ chính là vấn đề tự do thị trường. Nỗ lực của APEC là để tập trung giải quyết những thách thức đặt ra cho các nền kinh tế thành viên. Nhưng điều này cần có sự cải tổ để mang đến sự phát triển chung. Điều quan trọng trong phát triển kinh tế là việc cải thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện kinh tế tư nhân. Có những dự án hợp lý, phù hợp với mô hình này. Kinh tế tư nhân là một nhân tố cần thiết và phải được nhìn nhận là một phần quan trọng của nền kinh tế thị trường

Tại cuộc họp báo chiều 21.10, Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng – Chủ tịch FMM 2017 nói tất cả nội dung thảo luận tại hội nghị là những nội dung quan trọng sẽ được báo cáo lên các nhà lãnh đạo APEC. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là vấn đề đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng và tài chính bao trùm. Kết quả hợp tác về tài chính bao trùm là nội dung quan trọng sẽ được tổng hợp trong báo cáo về tăng trưởng bao trùm trình lên các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh APEC. Thông qua chính sách đa dạng hóa nguồn lực tài chính thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư cơ sở hạ tầng trong các nền kinh tế APEC. Ông Dũng nói các nền kinh tế đã nhận diện và sẽ đưa ra cách giải quyết các vấn đề khó khăn trong nước và tạo ra diễn đàn hợp tác để giải quyết vấn đề chung của khu vực, tìm kiếm các giải pháp tài chính để nâng cao hiệu quả thực hiện.

Liên kết cơ hội cho mỗi nền kinh tế

Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng cho biết kết nối ưu tiên phát triển mỗi nền kinh tế thành viên trong việc hài hòa mục tiêu giữa tài chính toàn diện, hội nhập và bảo vệ người tiêu dùng để có thể tối đa hóa những lợi ích mà tài chính toàn diện mang lại, phù hợp với đặc thù, trình độ phát triển của các quốc gia và đáp ứng yêu cầu phát triển là điều cần thiết. Cơ hội sẽ chia cho tất cả nền kinh tế thành viên APEC, nhất là những nền kinh tế chưa đạt mức độ phát triển cao. Các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB, OECD), Trung tâm Cơ sở hạ tầng toàn cầu và các tổ chức quốc tế khác cam kết hoặc bày tỏ sẽ tiếp tục phối hợp với các nền kinh tế APEC cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực cho các nền kinh tế về đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận cho các nền kinh tế APEC, hoặc hỗ trợ ứng phó thiên tai, dự phòng ứng phó thiên tai trong khuôn khổ tài chính công, tiếp tục cải thiện hệ thống thông tin rủi ro phù hợp với hoàn cảnh của từng nền kinh tế, xây dựng các chương trình hiệu quả về tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai.

Ông Janet Hame Marape - Bộ trưởng Tài chính Papua New Guinea nói FMM 2017 đã đem lại sức sống mới giao thương ngày càng năng động trong khu vực. Việt Nam sẽ trở thành điểm quan trọng trong bức tranh thương mại toàn cầu hóa. Hiện có sự đan xen giữa thương mại truyền thống, cũ kỹ với thương mại hiện đại (số hóa và công nghệ thông tin). Các nền kinh tế thành viên APEC sẽ rà soát, xem xét những tập tục, cách thức 2 phương thức thương mại này để tìm ra các giải pháp phù hợp trong xu thế toàn cầu. Theo ông Janet, Papua New Guinea xuất phát điểm từ một nền kinh tế nông nghiệp, dân số chiếm tới 70% làm nông nghiệp nên vấn đề quản lý tài chính hay tham gia lĩnh vực ngân hàng rất thấp. Vì vậy, việc thống nhất trong chuyện bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về tài chính cho người dân và tài chính bền vững trong nông nghiệp nói riêng và tài chính toàn diện nói chung mà Việt Nam đề xuất đã được đánh giá cao. Papua New Guinea sẽ tăng cường tìm kiếm cơ hội hợp tác để kết nối lợi ích giữa các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản cho hay thiên tai luôn là một trong những vấn đề quan trọng trong nghị sự APEC. Nhật Bản thường xuyên gặp phải thiên tai, đó là lý do Nhật Bản rất mong muốn hỗ trợ, hợp tác với các thành viên khác chia sẻ thông tin và tri thức về vấn đề này. Hiện Nhật Bản có 1 trung tâm xử lý thiên tai ở Tokyo. Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ các nền kinh tế thành viên APEC để chủ động ứng phó với thiên tai.

Phía Việt Nam, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết hợp tác tài chính toàn diện, nhất là lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn đã đang được quan tâm đầu tư, phát triển. Thông qua sự kết nối này Việt Nam đã học hỏi rất nhiều kinh nghiệm về khung, khái niệm về tài chính toàn diện của các nền kinh tế thành viên APEC bao gồm các yếu tố về tiếp cận dịch vụ, sử dụng dịch vụ và chất lượng dịch vụ tài chính, hay kinh nghiệm về triển khai tài chính toàn diện hiệu quả. Việc xây dựng mô hình trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới thành công sẽ góp phần đảm bảo công bằng, minh bạch trong hợp tác đầu tư, giảm thiểu tối đa những rủi ro do thông tin bất cân xứng mang lại, thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển.

Giải quyết thách thức, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Trao đổi bên lề FMM 2017, các đại biểu tham dự chia sẻ một số ý kiến về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực.
Ông Janet Hame Marape - Bộ trưởng Tài chính Papua New guinea:
Với chủ đề của APEC năm nay “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”,  diễn đàn tài chính APEC tập trung vào thương mại toàn cầu. Việt Nam sẽ trở thành nơi đan xen thương mại truyền thống với thương mại hiện đại (số hóa và công nghệ thông tin). Vì thế tại hội nghị này, việc các đại biểu xem xét và rà soát những tập tục và cách thức thương mại truyền thống và hiện đại nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp trong xu thế toàn cầu hóa là rất cần thiết.
Ông Wayne Golding, OBE - Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC:
APEC có 3 nền kinh tế dẫn đầu thế giới (Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản - PV), điều này rất quan trọng, sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển chung, tạo ra những cơ hội phát triển của cộng đồng APEC… Nhiều ý kiến tại diễn đàn này chia sẻ và nhận thấy, kinh tế toàn cầu lẽ ra phải phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn như những gì lẽ ra phải có. Bởi thực tế, APEC cũng đã có những nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cải thiện, kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo ra sự phát triển bền vững. Song, để không rơi vào trì trệ, những cải thiện đó đòi hỏi phải mạnh mẽ hơn nữa. Và một trong những điều kiện quan trọng để đạt được chính là vấn đề thay đổi cấu trúc kinh tế. Cần đặt vấn đề này đúng với vị trí, môi trường trong chiến lược phát triển của bất kỳ nền kinh tế nào.
Ông David Malpass - Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ:
Hoa Kỳ quan tâm tới lợi ích cũng như sự tăng trưởng chung của vấn đề kinh tế và an ninh khu vực, trong đó chúng tôi đặc biệt quan ngại trước những diễn biến của Triều Tiên, cùng với đó là những vấn đề phát sinh từ nền kinh tế Trung Quốc. Đây là 2 vấn đề có ảnh hướng nhất định tới sự phát triển kinh tế khu vực cũng như toàn cầu. Lãnh đạo các nền kinh tế APEC có nhiều nỗ lực, tập trung vào những chủ đề chính để tìm ra các biện pháp giải quyết các thách thức chung và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế toàn khu vực.
                                                                                  QUỐC HƯNG (thực hiện)

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG