"Tư liệu" của già làng vùng cao

ĐĂNG NGUYÊN 20/10/2017 12:35

Từ các trang báo, nhiều già làng, người có uy tín ở vùng cao đã tập hợp nên “tư liệu”riêng cho mình để vận dụng và góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền ở cộng đồng làng bản.

Đều đặn các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu hằng tuần, cán bộ xã A Tiêng (huyện Tây Giang) phân công nhau mang những tờ báo đến biếu tận nhà của các già làng, trưởng bản, người có uy tín theo chủ trương của tỉnh. Cùng với các tờ báo đảng, nhiều tờ báo ngành, tạp chí, chuyên san, chuyên đề liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được đưa về kịp thời, đảm bảo phục vụ nhu cầu đọc báo của người dân vùng cao. Nhiều bài báo trở thành tư liệu quý giúp các già làng, trưởng bản tham khảo, vận dụng cho công tác tuyên truyền tại địa phương. Ông Bh’riu Quân - Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng cho hay, những năm gần đây trên địa bàn xã liên tục xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong công tác vận động, tuyên truyền sắp xếp, bố trí dân cư mới cho người dân. Trong đó, có không ít là các vị già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng vùng cao. “Nhiều già làng, trưởng thôn sau khi đọc được nội dung mới phù hợp từ sách báo đã vận dụng học tập kinh nghiệm tại làng bản mình, chủ yếu là nếp sống văn hóa ở khu dân cư, tuyên truyền pháp luật, làm theo gương Bác, cũng như phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Từ đó, tạo nên sức lan tỏa lớn, góp phần đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống” - ông Quân cho biết thêm. Tuy nhiên, theo ông Quân, do điều kiện đi lại ở miền núi khó khăn nên nhiều số báo không thể đưa về kịp trong ngày để người dân đón đọc. Vì thế, không tránh khỏi tình trạng “nguội” thông tin.

Cũng như Tây Giang, công việc cấp phát báo cho người uy tín ở nhiều địa phương của huyện Đông Giang cũng hết sức khó khăn do khâu vận chuyển còn chậm trễ, chưa kịp thời. Qua khảo sát, tại hầu hết các xã như: Kà Dăng, Ma Cooih… thay vì được nhận báo hàng ngày, các già làng, người có uy tín chỉ nhận 2 lần/tuần. Theo ông Alăng Nhơn - Trưởng thôn, người có uy tín ở Khe Bợc (xã Kà Dăng), nhiều tháng nay ông đều đến tận UBND xã để nhận báo biếu vào mỗi sáng thứ Hai và thứ Năm hàng tuần, rồi mang về cho nhiều người trong làng cùng đọc. Dù công tác phát hành còn chậm đến với người uy tín, nhưng ông Nhơn cho hay, ông cùng nhiều già làng rất quan tâm đến những bài viết về xây dựng Đảng, chương trình khởi nghiệp cũng như các mô hình phát triển kinh tế ở các địa phương khác trên báo Quảng Nam. Bởi đó là tư liệu giúp ông cùng nhiều người khác ở làng bản có cơ hội được học tập kinh nghiệm cho bản thân để phát triển kinh tế gia đình. “Thời gian qua, tôi theo dõi báo Quảng Nam khá thường xuyên và rất ấn tượng với nhiều bài viết về đời sống dân sinh, nhất là phản ánh những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Tuy vậy, tờ báo vẫn còn ít bài viết ở các dạng đẩy mạnh mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả thiết thực, gương người tốt việc tốt, cải cách hành chính… Do đó, trong thời gian tới, tôi mong muốn Báo Quảng Nam cần tiếp tục có thêm nhiều bài viết phản ánh kết quả thực hiện các nghị quyết của Đảng đối với cuộc sống người dân, đẩy mạnh chống tham nhũng, chống quan liêu và chống tiêu cực ở mọi mặt đời sống hiện nay” - ông Nhơn chia sẻ.

ĐĂNG NGUYÊN

ĐĂNG NGUYÊN