Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu
(QNO) - UBND tỉnh vừa ký quyết định số 3628/QĐ-UBND thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Hội đồng gồm 13 thành viên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh làm Chủ tịch; ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư làm Phó Chủ tịch.
Già Clâu Năm (xã Lăng, Tây Giang) bên vườn cây ba kích tím dưới tán rừng. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
UBND tỉnh giao Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị thẩm định quy hoạch. Sở Kế hoạch và đầu tư là cơ quan thường trực thẩm định, thực hiện các nhiệm vụ: gửi hồ sơ lấy ý kiến các thành viên; xây dựng kế hoạch tổ chức thẩm định, dự thảo báo cáo thẩm định, dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch… Các ủy viên phản biện, ủy viên Hội đồng thẩm định gửi ý kiến nhận xét bằng văn bản về cơ quan thường trực thẩm định để tổng hợp trong vòng 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án quy hoạch.
Sở NN&PTNT trước đó đã xây dựng dự thảo về Cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Các loài cây ba kích tím, đẳng sâm và sa nhân tím là đối tượng được ưu tiên phát triển. Mục tiêu dự thảo là trồng mới, trồng xen canh cây dược liệu dưới tán rừng nghèo, rừng phục hồi, rừng có độ che phủ phù hợp, trên đất trống, nương rẫy của đồng bào các huyện miền núi với tổng diện tích trồng mới và trồng xen canh là 910ha. Thiết lập 5 khu bảo tồn chủ động trồng bảo tồn kết hợp sản xuất, cung ứng giống gốc cây dược liệu từ nguồn cây mọc tự nhiên tại khu vực rừng tự nhiên thuộc 5 huyện: Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang và Nam Trà My. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh sẽ phân bổ nguồn ngân sách hơn 39,6 tỷ đồng, phân kỳ đầu tư thành nhiều giai đoạn.
Vườn ươm cây ba kích tím tại xã Lăng. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Dự thảo “Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025, định hướng tới năm 2030” do Sở NN&PTNT vừa xây dựng cũng tập trung phát triển 6 loại cây dược liệu chính gồm: đẳng sâm, ba kích tím, sa nhân tím, giảo cổ lam, đương quy, lan kim tuyến. Quy hoạch này chia làm hai giai đoạn bảo tồn và phát triển cây dược liệu, đó là giai đoạn 2017-2020 và 2020-2030 với tổng diện tích bảo tồn và phát triển lên tới 164.620ha.
HOÀNG LIÊN