Trùng tu các di tích ở phố cổ ở Hội An: Khẩn trương thực hiện trước mùa mưa

XUÂN THỌ 19/10/2017 13:42

Mùa mưa bão đang đến gần, công tác trùng tu, sửa chữa, chằng chống cho các di tích trong khu phố cổ ở Hội An đang được gấp rút tiến hành nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra.

Các thợ đang sửa chữa căn nhà số 14 Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: XUÂN THỌ
Các thợ đang sửa chữa căn nhà số 14 Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: XUÂN THỌ

Có 44 di tích xuống cấp

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An (gọi tắt là Trung tâm), khu phố cổ hiện có 44 di tích xuống cấp nghiêm trọng cần được xử lý trước mùa mưa bão năm nay. Cụ thể có 7 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 23 di tích xuống cấp nặng và 14 di tích xuống cấp nhẹ. Trên cơ sở triển khai công tác chống đỡ từ các năm trước được 20 di tích, trung tâm đề nghị 37 chủ di tích tiếp tục chống đỡ và hạ giải 7 di tích xuống cấp trầm trọng. Đối với các trường hợp đề nghị chủ di tích tự chống đỡ, trung tâm đã gửi thông báo đến các hộ, đồng thời có công văn gửi các phường đề nghị tăng cường vận động, kiểm tra việc thực hiện của các chủ di tích. “Các di tích này đã được hỗ trợ chống đỡ các năm trước, nay được yêu cầu gia cố thêm tại các vị trí xuống cấp” - ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An thông tin thêm. Đối với các di tích đề xuất hạ giải, trung tuần tháng 9 vừa qua, trung tâm đã mời đại diện các ngành chức năng liên quan tiến hành khảo sát lần cuối để có phương án phù hợp nhất. Kết quả khảo sát, các ngành nhận thấy việc hạ giải là cần thiết vì để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân. Tuy nhiên, việc phục dựng trong thời gian ngắn sẽ gặp khó khăn về nguồn kinh phí của các chủ di tích, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan chung của thành phố.

Trên cơ sở các đề xuất của trung tâm, ngày 25.9, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An đã ký văn bản đề nghị các địa phương có di tích trong khu phố cổ yêu cầu chủ di tích tiếp tục tự chống đỡ hoặc liên hệ trung tâm để được giúp đỡ. Với những di tích có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng, các chủ di tích phải tạm thời di dời ra khỏi khu vực bị xuống cấp và không được tổ chức kinh doanh buôn bán tại các địa điểm này cho đến khi di tích được sửa chữa, đảm bảo an toàn. Riêng những di tích chưa xác lập quyền chủ sở hữu, quyền thừa kế, các địa phương cần phải hướng dẫn các chủ di tích thực hiện các thủ tục để đảm bảo cơ sở pháp lý trong việc quản lý, sử dụng di tích.

Di tích thôi… kêu cứu!

Ông Trung cho biết, việc sửa chữa, trùng tu được các cơ quan chức năng tiến hành liên tục trong những năm qua, nhờ vậy các di tích đã thoát khỏi tình trạng… kêu cứu như một vài năm trước. “Sở dĩ có được kết quả này, là trong những năm qua, sự phát triển về du lịch và kinh tế, giúp cho các chủ di tích có kinh phí để trùng tu sửa chữa. Bên cạnh đó, còn có sự đầu tư, hỗ trợ từ phía Nhà nước. Tùy hiện trạng của mỗi di tích, Nhà nước có chính sách hỗ trợ bao nhiêu phần trăm, chủ di tích chịu bao nhiêu phần trăm. Rồi ngay cả phần trăm kinh phí còn lại mà chủ hộ chịu, nếu họ không có tiền, Nhà nước sẽ cho vay không lãi” - ông Trung nói. Tại căn nhà số 67 Trần Phú của bà Dương Thị Hùy (81 tuổi), ông Hồ Phúc - con trai bà Hùy cho hay, việc sửa chữa vừa hoàn thành cách đây khoảng một tuần. Theo ông Phúc, phần nhà của mẹ ông bị hư 2 cây cột, 1 cây trính và mái ngói. Những năm trước, mỗi khi có mưa thì bị dột, còn có gió thì lo sợ bị sụp. “Muốn sửa chữa từ lâu nhưng không đủ tiền. Vừa rồi được Nhà nước hỗ trợ 45% và cho vay 55% còn lại không lãi nên chúng tôi mới có điều kiện để sửa chữa” - ông Phúc cho biết. Cũng theo ông Phúc, kinh phí dự trù sửa chữa là 600 triệu đồng. Sửa chữa xong, gia đình ông đã sinh sống ổn định và buôn bán quần áo trở lại.

Trong khi đó, ông Trung cho biết, đối với những căn nhà không có chủ như 77 Trần Phú, 124 Trần Phú, 26 Bạch Đằng…, trung tâm sẽ đứng ra trùng tu, sửa chữa sau đó cho thuê để lấy lại nguồn kinh phí đã đầu tư. Nhờ vậy, về cơ bản, di tích đã thoát khỏi những nguy cơ bị sụp đổ như trước đây. Tuy nhiên, việc trùng tu, sửa chữa vẫn còn không ít khó khăn như những di tích đã được sửa chữa từ nhiều năm trước, bị hư hỏng ở những bộ phận, hạng mục khác, do đó việc sửa chữa phải tiến hành liên lục. Song, khó khăn lớn nhất là đối với những di tích có nhiều chủ sở hữu nhưng không có mặt tại địa phương. “Chúng tôi đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên là các cán bộ ở các xã phường, thôn, khối phố…, nhanh nhạy nắm bắt và đề xuất các di tích xuống cấp để có phương án hỗ trợ kịp thời. Nhờ vậy, kết quả của việc trùng tu, sửa chữa di tích có nhiều khả quan hơn” - ông Trung chia sẻ.

XUÂN THỌ

XUÂN THỌ