Khó quản lý vật liệu nổ

TRẦN NGUYỄN 19/10/2017 13:29

Nhiều tai nạn thương tâm do vật liệu nổ gây ra, trong khi loại “hàng hóa đặc biệt” này vẫn lén lút tiêu thụ trái phép tại các bãi vàng.

Công an tỉnh thu giữ nhiều vật liệu nổ. Ảnh: T.N
Công an tỉnh thu giữ nhiều vật liệu nổ. Ảnh: T.N

Chiều 11.9, tại đường tránh Nguyễn Hoàng (TP.Tam Kỳ), qua tuần tra kiểm soát, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh phát hiện trong khoang hành lý xe khách Cẩm Vân mang BKS 43B-02313 chạy tuyến Bắc - Nam có 2 thùng các-tông, bên trong chứa 50kg thuốc nổ không có giấy tờ hợp lệ. Qua truy xét ban đầu, đến 23 giờ cùng ngày, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh đã bắt khẩn cấp Phan Văn Dân (SN 1974, trú xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn) là người đã gửi số vật liệu nổ (VLN) trên cho xe khách đem tiêu thụ. Trước đó, rạng sáng 21.7, trên tuyến quốc lộ 40B (thuộc địa phận thôn 7A, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước), Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh cũng phát hiện đối tượng Đỗ Minh Hiếu (SN 1983, trú xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức) sử dụng mô tô BKS 92K1-07712 vận chuyển trái phép 100kg thuốc nổ công nghiệp. Cơ quan này đã tiến hành lập biên bản bắt quả tang đối với Hiếu và thu giữ toàn bộ số tang vật, phương tiện phạm tội của đối tượng. Hiếu khai nhận có quan hệ mua bán trái phép VLN cho đối tượng Bùi Xuân Sanh (trú phường 15, quận 10, TP.Hồ Chí Minh). Thời điểm này, Bùi Xuân Sanh đang khai thác vàng tại huyện Phước Sơn. Qua đó, Cơ quan an ninh điều tra ra lệnh bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở của Sanh và đã phát hiện, thu giữ 43kg thuốc nổ, 492 kíp nổ, 18m dây cháy chậm. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Hiếu và Sanh về hành vi mua bán trái phép VLN. Một vụ tai nạn thương tâm khác do sử dụng VLN làm thiệt hại 4 người tại thôn Dung (thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) hồi tháng 4.2016. Tại hiện trường vụ tai nạn, lực lượng công an thu giữ nhiều VLN có nguồn gốc trái phép. Qua điều tra, nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là ngạt khí độc từ sử dụng VLN.

Quan sát ở nhiều bãi vàng thuộc các xã Phước Hiệp, Phước Thành (Phước Sơn) cho thấy chuyện quản lý VLN rất lỏng lẻo. Phần lớn doanh nghiệp xây kho chứa VLN khá tạm bợ, không đảm bảo an toàn. Trong khi đó, theo quy định kho chứa VLN phải nằm cách xa nơi ở của con người, bảo quản bởi các điều kiện nghiêm ngặt. Theo Sở Công Thương, mỗi năm đơn vị cấp phép cho các doanh nghiệp sử dụng gần 2 tấn thuốc nổ, chủ yếu phục vụ cho việc khai thác mỏ đá và khai thác vàng. Tình hình buôn bán, vận chuyển VLN không thuộc thẩm quyền quản lý của sở mà thuộc về cơ quan công an.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy VLN công nghiệp do Bộ Công Thương ban hành năm 2008 có nêu rõ: “Tất cả kho VLN công nghiệp đều phải có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp có vũ trang, canh gác suốt ngày đêm”. Việc quản lý và cấp phép đối với các đơn vị sử dụng VLN công nghiệp gồm ngành công thương, quân đội, công an, cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, Sở Công Thương chỉ tiến hành các đợt kiểm tra định kỳ, vấn đề giám sát thì “doanh nghiệp tự quản lý là chính”! Quá trình xuất kho VLN công nghiệp và khi tiến hành nổ mìn hầu như không có lực lượng chức trách giám sát mà doanh nghiệp tự xử lý và thể hiện trên giấy tờ, phiếu xuất kho, hộ chiếu nổ mìn... Còn đối với các cơ quan chức trách khi thanh tra, kiểm tra cũng chỉ kiểm tra trên giấy tờ là chính.

TRẦN NGUYỄN

TRẦN NGUYỄN