Hướng dẫn chăm sóc khách hàng kiểu Nhật Bản
(QNO) - Sáng nay 18.10, tại TP.Hội An, Ban Quản lý dự án tỉnh phối hợp với Ban Hợp tác quốc tế TP.Minamiboso (Nhật Bản) tổ chức tọa đàm chuyên đề “Omotenashi - Chăm sóc khách hàng kiểu Nhật Bản”. Đông đảo nghệ nhân, thợ thủ công và cơ sở sản xuất các làng nghề truyền thống; doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh… đã đến dự.
Chuyên gia Nhật Bản chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: KHÁNH LINH |
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được chuyên gia đến từ Nhật Bản trình bày những nguyên tắc cơ bản trong đón tiếp khách hàng cũng như cách thay đổi hình ảnh của cửa hiệu với Omotenashi (sự hiếu khách) như: quy trình công việc đón tiếp khách hàng; tâm lý khách hàng; nguyên tắc giao tiếp thông thường trong cửa hiệu; khả năng đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng…
Làng rau Hưng Mỹ (xã Bình Triều, Thăng Bình) được hưởng lợi từ dự án. Ảnh: KHÁNH LINH |
Đây là một trong số nhiều hoạt động của hợp phần Dự án “Phát triển kênh bán hàng thông qua liên kết giữa địa phương với sản phẩm và du lịch - Mở rộng sản xuất rau an toàn và phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với tỉnh Quảng Nam triển khai trong thời gian 3 năm (2016 - 2018). Hợp phần của dự án gồm: hỗ trợ, sửa chữa nhà trưng bày và bán sản phẩm thủ công truyền thống Quảng Nam tại số nhà 35 Nguyễn Thái Học (Hội An); hợp phần hỗ trợ Hợp tác xã rau sạch Mỹ Hưng (Thăng Bình) thiết lập cửa hàng bán rau sạch tại TP.Đà Nẵng và hệ thống tưới, dàn khung lưới che rau cho các xã viên Hợp tác xã Mỹ Hưng nhằm tăng nguồn thực phẩm an toàn đi liền với mạng lưới bán hàng; hỗ trợ thiết lập quầy trưng bày và bán hàng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu của Quảng Nam tại Làng lụa Hội An.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: KHÁNH LINH |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Châu Sinh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh cho biết, việc phát triển sản phẩm mới về hàng thủ công mỹ nghệ với nhiều chủng loại phong phú, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng, nhất là khách du lịch hiện nay là việc làm rất khó, đòi hỏi cần phải thay đổi tư duy, cách làm. Song song với đó, việc tìm kiếm thị trường và chăm sóc thu hút khách hàng là một yêu cầu sống còn của mỗi làng nghề, mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã hay cửa hàng dịch vụ ở Quảng Nam hiện nay. Do đó, buổi tọa đàm là cơ hội quý báu chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn giữa các chuyên gia đầu ngành đến từ Nhật Bản với nghệ nhân, thợ thủ công và cơ sở sản xuất các làng nghề truyền thống; doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản an toàn… nhằm gợi mở, vận dụng vào hoạt động kinh doanh của mình, góp phần tăng thu nhập cho người dân trong khuôn khổ dự án.
KHÁNH LINH