APEC sau 28 năm hình thành và phát triển

NAM VIỆT 18/10/2017 14:45

(QNO) - Được thành lập vào tháng 11.1989, APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu tại khu vực.

Những nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC tại hội nghị Cấp cao ở thủ đô Lima, Peru năm 2016. Ảnh: apec.org
Những nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC tại hội nghị Cấp cao ở thủ đô Lima, Peru năm 2016. Ảnh: apec.org

Khởi nguồn từ sáng kiến của Australia nhằm góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết kinh tế trong cục diện quốc tế và khu vực sau thời kỳ chiến tranh lạnh, từ 12 thành viên sáng lập, đến nay APEC bao gồm 21 nền kinh tế thành viên. Trong đó, Việt Nam chính thức gia nhập APEC vào năm 1998. Từ đó, APEC hoãn việc kết nạp thêm thành viên mới và nguyên nhân được đưa ra là APEC không muốn “làm chậm động lực hướng tới hội nhập khu vực và các nền kinh tế mở”. APEC hiện chiếm 39% dân số và 46% diện tích thế giới, đóng góp 57% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) và 47% thương mại toàn cầu.

APEC đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực tự do hóa thương mại và đầu tư. Từ năm 1989-2016, GDP thực tế của khu vực tăng từ 15,7 nghìn tỷ USD lên hơn 30 nghìn tỷ USD. Tổng giá trị thương mại hàng hóa nội khối tăng từ 3.000 tỷ USD năm 1989 lên 20 nghìn tỷ USD năm 2016. APEC dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế. Theo trang apec.org, thu nhập bình quân đầu người của khu vực tăng lên 74%, đưa hàng trăm triệu người thoát nghèo và tầng lớp trung lưu tại khu vực tăng nhanh. Để duy trì vai trò và vị thế APEC, các nền kinh tế thành viên cam kết mạnh mẽ đạt mục tiêu xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương ổn định, phát triển và thịnh vượng. Tại hội nghị Cấp cao năm 1994 ở Indonesia, các nhà lãnh đạo APEC cam kết đạt được mục tiêu Bogor về thương mại tự do và mở cửa vào năm 2020 thông qua việc giảm rào cản thương mại trong khu vực và thúc đẩy tự do hóa hàng hóa, dịch vụ và vốn giữa các nền kinh tế APEC.

Để tăng cường tính kết nối khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại, đầu tư hay các mục đích kinh tế khác tại các nền kinh tế APEC, thẻ đi lại của doanh nhân APEC (gọi tắt ABTC) ra đời năm 1997, có giá trị 5 năm từ ngày cấp, cho phép doanh nhân đến và lưu trú từ 14-90 ngày tại các thành viên APEC, tùy theo quy định sở tại và không cần xin thị thực. Nhưng hiện chỉ có 19 thành viên APEC tham gia ABTC, còn Mỹ và Canada tham gia chưa toàn diện đối với loại thẻ này. Ngoài ra, APEC cũng đang cải tiến mạng lưới logistics và vận tải để cho phép các linh kiện và hàng hóa cuối cùng đi qua nhiều biên giới, góp phần tạo nên một chuỗi cung cấp hiệu quả hơn cho khu vực.

Ngoài mục tiêu phát triển tương lai bền vững với các chính sách giảm thuế cho 54 loại hàng hóa thân thiện môi trường xuống còn 0-5%, đầu tư năng lượng tái tạo và phát triển đô thị xanh tại khu vực, APEC nỗ lực mang lại công bằng xã hội trong khu vực. Trung tâm Cơ hội số APEC được thành lập vào năm 2004 nhằm đào tạo kỹ năng máy tính hay công nghệ thông tin cho các cộng đồng nông thôn và đô thị dễ bị tổn thương. Hiện có hơn 100 trung tâm này trong 10 nền kinh tế APEC, mang lại các cơ hội trong nền kinh tế số vốn đang phát triển mạnh mẽ. Trong thập kỷ qua, những trung tâm trên đã đào tạo hơn nửa triệu người trong khu vực, trong đó gần một nửa là nữ. Qua đó tạo điều kiện cho các học viên tìm được việc làm hoặc bắt đầu các hoạt động kinh doanh riêng, cải thiện sinh kế và thu nhập cho gia đình.

NAM VIỆT

NAM VIỆT