Phát triển du lịch Đà Nẵng xứng tầm ngành kinh tế mũi nhọn
(QNO) - UBND TP.Đà Nẵng vừa phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị đầu tư du lịch, trong khuôn khổ Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng hướng tới APEC 2017, nhằm tìm ra các giải pháp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Quang cảnh Hội nghị đầu tư du lịch TP.Đà Nẵng diễn ra vào ngày 14.10 vừa qua. Ảnh: XUÂN LAN |
Bài học thành công
Ông Nguyễn Quang Hải, Trưởng ban Phát triển dự án của Công ty CP Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) chia sẻ: "Gắn bó với du lịch Đà Nẵng đã 10 năm, kể từ ngày Sun Group từ Ukraine trở về nước năm 2007, Đà Nẵng là nơi khởi nghiệp của chúng tôi, và có thể nói là quê hương của Tập đoàn Sun Group. Khi đó chúng tôi còn nhớ rất rõ đường lên Bà Nà vất vả như thế nào, và khu vực trước Tượng đài 2.9 hoang sơ, lau sậy ngút ngàn…".
Bây giờ, những nơi đó đã có khu du lịch Bà Nà Hills nổi tiếng toàn cầu và khu vui chơi quy mô khu vực ASEAN… Đặc biệt, Đà Nẵng trở thành "Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á 2016" do Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards (WTA) trao tặng & Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort 3 năm liên tiếp (2014, 2015, 2016) được WTA vinh danh "Khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới, thành phố pháo hoa đầu tiên của Việt Nam và tương lai…".
Hơn 10 năm qua, du lịch Đà Nẵng không ngừng tăng trưởng với tỷ lệ năm sau cao hơn năm trước, bất chấp mọi biến động tiêu cực đến ngành du lịch. Năm 2015, du khách quốc tế đến Việt Nam liên tục sụt giảm tới mức 11,3%, trong khi đó khách quốc tế đến Đà Nẵng vẫn tăng trên 33%. Du lịch Đà Nẵng đã tạo nên một "sự lạ".
Phát biểu tại Hội nghị đầu tư du lịch Đà Nẵng 2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: "Đà Nẵng là bài học điển hình về sự thành công trong phát triển du lịch của Việt Nam. Cách đây 20 năm, Đà Nẵng dường như chỉ được biết như một làng chài và một thành phố bị tàn phá sau chiến tranh. Nhưng trong 20 năm qua, Đà Nẵng đã viết nên một câu chuyện mới thành công về mặt kinh tế, thành công về phát triển đô thị và đặc biệt thành công trong phát triển du lịch. TP.Đà Nẵng đã làm nên hình ảnh để mang đến cho ngành du lịch Việt Nam niềm tự hào. Và trong mắt du khách quốc tế, Đà Nẵng là điển hình cho một Việt Nam đang vươn mình và hội nhập quốc tế".
Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) là đơn vị tích cực đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho thành phố. Trong ảnh: Một tiết mục văn nghệ tại ngày hội hướng nghiệp, tuyển dụng do Đại học Duy Tân tổ chức. Ảnh: XUÂN LAN |
Tuy nhiên, tại Hội nghị đầu tư du lịch lần này, nhiều đại biểu cũng đã nêu lên và phân tích thực trạng hoạt động du lịch Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tiên, là các dự án quy hoạch điểm xây dựng cầu tàu, bến du thuyền đã có, tuy nhiên các dự án chậm triển khai, ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch đường sông. Thứ hai, Đà Nẵng thiếu chính sách ưu đãi đầu tư phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm, khu mua sắm và ẩm thực quy mô lớn. Đặc biệt, thứ ba là nguồn nhân lực du lịch địa phương vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển hiện nay. Sự phát triển nhanh của hệ thống khách sạn, condotel, một số thị trường khách tăng nhanh (như thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc…) đã có những phức tạp, quá tải. Thứ tư, môi trường du lịch mặc dù được cải thiện, song vẫn còn tiềm ẩn hoạt động kinh doanh thiếu lành mạnh, trái pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp du lịch, nhất là kinh doanh lữ hành và hướng dẫn viên. Cuối cùng, sự cố môi trường biển miền Trung đã gây ra ảnh hưởng không ít tiêu cực đến hoạt động du lịch của miền Trung và "đầu tàu" du lịch Đà Nẵng.
Cú hích mới
Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 26.10.2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định "Đầu tư phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố" và đầu năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch phát triển tạo nền tảng để phát triển đột phá cho ngành, thúc đẩy và tạo cơ sở cho ngành khác phát triển; xây dựng TP.Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch ven biển lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Trước đó, trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP.Đà Nẵng ngày 28.9.2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh: "Tầm nhìn của Đà Nẵng là trở thành thành phố thông minh, một trung tâm giao thương quốc tế, một thành phố cạnh tranh với các thành phố lớn, đẹp của khu vực và thế giới, mà trước hết là một Singapore, một Hồng Kông".
Theo báo cáo của Sở Du lịch TP.Đà Nẵng, tổng lượt khách đến Đà Nẵng năm 2016 hơn 5,5 triệu lượt, tăng 18,4% so với năm 2015. Trong đó khách quốc tế đạt 1,67 triệu lượt (tăng 32,4% so với năm 2015), khách nội địa đạt 3,86 triệu lượt (tăng 13,2%). Tổng thu du lịch đạt 16.082 tỷ đồng, tăng 25,4% so với năm 2015. Dự kiến năm 2017, TP.Đà Nẵng sẽ đón 6,5 triệu lượt khách, trong đó có hơn 2 triệu lượt khách quốc tế và tổng thu trên 19.400 tỷ đồng. Tính đến tháng 9.2017, Đà Nẵng có tổng số 653 cơ sở lưu trú với 25.756 phòng, 313 đơn vị kinh doanh lữ hành và 3.158 hướng dẫn viên, 730 xe đạt chuẩn phục vụ du lịch. Hiện thành phố có 83 dự án đầu tư vào du lịch dịch vụ với tổng vốn đầu tư khoảng 153.000 tỷ đồng (tương ứng 7,3 tỷ USD). |
Một hướng đi, một đích đến cho du lịch Đà Nẵng đã được Thủ tướng đặt ra. Vấn đề là so sánh du lịch Đà Nẵng với Singapore hay Hồng Kông, chúng ta còn cách bao xa? "Năm 2016, Singapore đón 12,11 triệu lượt khách quốc tế, đứng thứ 6 trong danh sách 10 thành phố đón nhiều khách du lịch nhất thế giới trong năm. Trong khi đó, Hồng Kông cũng thu hút 8,47 triệu lượt khách. So với con số 5,51 triệu du khách tới Đà Nẵng năm 2016, với tỷ lệ tăng trung bình 17%/năm, thì chúng ta còn cách Singapore gần 7 năm, và cách Hồng Kông khoảng hơn 3 năm - những khoảng cách khá xa nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể đuổi kịp" - ông Nguyễn Quang Hải, Trưởng ban Phát triển dự án Sun Group lạc quan.
Còn bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của Công ty CBRE Việt Nam cũng đồng quan điểm như trên khi cho rằng "Du lịch Đà Nẵng theo kịp Phuket - Thái Lan, chỉ là vấn đề thời gian". Bà Dung phân tích, bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng và Nha Trang dẫn đầu Việt Nam về nguồn cung, nhất là số phòng khách sạn 3-5 sao tăng trưởng nóng 31%/năm so với tăng trưởng tổng lượng khách đến sân bay Đà Nẵng chỉ 22%/năm, trong khi Phuket tăng trưởng 9%/năm và bắt đầu chậm lại do nguồn cung đã rất nhiều (81.727 phòng khách sạn 4-5 sao, gấp gần 10 lần Đà Nẵng với 8.253 phòng/năm 2016). Tuy nhiên Phuket vượt trội Đà Nẵng về nguồn cung do có nhiều tiện ích hỗ trợ như 5 bến du thuyền với 1.204 bến đỗ, 8 sân gôn, 800 chuyến bay mỗi tuần và đón 4 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2016… Có nghĩa, Đà Nẵng muốn theo kịp Phuket trong tương lai sẽ phải cần nhiều hơn nữa các sản phẩm du lịch đa dạng và khác biệt.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nói: Trong thời đến, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển du lịch vào chiều sâu, hình thành các sản phẩm du lịch mới, có sức cạnh tranh cao. Ưu tiên phát triển theo 3 nhóm sản phẩm chính: nhóm sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; nhóm sản phẩm du lịch mua sắm, hội nghị, hội thảo (MICE); nhóm sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, làng quê, làng nghề và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch tâm linh, du lịch văn hóa - ẩm thực, chữa bệnh - làm đẹp, du lịch thể thao giải trí biển… Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo môi trường du lịch an ninh, an toàn, sạch đẹp, thân thiện và mang tính bền vững. Chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực du lịch có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách, gắn hoạt động đào tạo của nhà trường với thực tiễn của doanh nghiệp, xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, triển khai Chương trình phát triển du lịch 2016-20120, xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm đón tiếp và phân phối khách khu vực miền Trung - Tây nguyên. Phấn đấu đến năm 2020, Đà Nẵng đón được 9-9,5 triệu khách du lịch, trong đó 3-3,5 triệu khách quốc tế, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14-16%, đạt tổng doanh thu 36.400 tỷ đồng. Qua đó tạo việc làm cho trên 85.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch, xứng tầm ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố và Việt Nam.
XUÂN LAN