Hợp tác tài chính APEC

QUỐC HƯNG 16/10/2017 13:52

Dự kiến khoảng 300 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ tham dự hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 và các hội nghị liên quan.

TP.Hội An - nơi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 và các hội nghị liên quan. Ảnh: shutterstock
TP.Hội An - nơi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 và các hội nghị liên quan. Ảnh: shutterstock

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là một trong những sự kiện chính của Tiến trình Bộ trưởng tài chính APEC (APEC Finance Ministers Process-FMP). Đây là kênh hợp tác tài chính khu vực, cùng với hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc ngân hàng trung ương APEC thường được tổ chức vào tháng 2, hội nghị quan chức Tài chính Cao cấp APEC giữa tháng 6. Năm 2017, Việt Nam được vinh dự đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC. Theo đó Bộ Tài chính được giao chủ trì FMP 2017, trên cơ sở định hướng chủ đề quốc gia APEC năm 2017: “Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai”. Trước đó, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức hội nghị Cấp cao APEC vào năm 2006.

FMP được thành lập vào năm 1993 khi các nhà lãnh đạo APEC trong cuộc họp đầu tiên để tư vấn các vấn đề kinh tế sâu rộng và giải quyết một số thách thức mà APEC đang phải đối mặt lúc đó. Từ năm 1994, các Bộ trưởng Tài chính APEC bắt đầu họp hằng năm, là diễn đàn để các nền kinh tế thành viên APEC giải quyết các vấn đề vĩ mô và tài chính, ưu tiên chính sách tài chính của mỗi thành viên nói riêng và khu vực nói chung. Trước mỗi cuộc họp Bộ trưởng Tài chính hằng năm, các cuộc họp giữa quan chức tài chính, ngân hàng trung ương và quan chức tài chính cao cấp diễn ra để tiến hành tham vấn về các ưu tiên trong năm và hoàn thành các kết quả của các bộ trưởng để thông qua sau đó.  

Theo đó, có bốn chủ đề ưu tiên hợp tác APEC trong năm 2017. Thứ nhất: đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng, tập trung giải quyết các vấn đề nhằm huy động nguồn vốn dài hạn của khu vực tư nhân, đặc biệt là cơ chế đảm bảo lợi ích và giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư tư nhân khi tham gia vào dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế và các nền kinh tế trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến các dự án PPP. Thứ hai chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận, là vấn đề được nhiều nền kinh tế thành viên APEC đặc biệt quan tâm và được các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng thế giới (WB) hỗ trợ mạnh mẽ. Thứ ba: tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, tập trung vào các giải pháp tài chính và bảo hiểm ứng phó, bù đắp thiệt hại khi xảy ra thiên tai. Và cuối cùng, tài chính bao trùm là chủ đề ưu tiên tập trung thảo luận về phát triển thị trường tín dụng và sản phẩm dịch vụ tài chính. Mục đích đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu và phát triển một nền nông nghiệp có chất lượng.

Trên cơ sở đó, các bộ trưởng sẽ ra Tuyên bố chung thể hiện quan điểm về vấn đề liên quan đến hợp tác tài chính khu vực, chủ đề hợp tác ưu tiên trong năm và định hướng của FMP trong thời gian tới. Kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC sẽ được báo cáo lên Ủy ban quốc gia APEC 2017 để chuẩn bị nội dung cho hội nghị Cấp cao APEC được tổ chức vào tháng 11 tới đây, tại TP.Đà Nẵng.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG