Kẻ... chơi với TATTOO

SONG ANH 15/10/2017 08:14

Một vệt khói màu lam vẽ ngoằn ngoèo trên vách tường loang lổ những mảng màu phối theo kiểu rất lạ đời. Và chủ nhân của nó, Nguyễn Thái Dương, cũng lạ lùng theo cái cách như vậy!

Nguyễn Thái Dương.
Nguyễn Thái Dương.

Dương có một quán café thiết kế theo tinh thần lựa chọn đời sống của anh, tự do, phóng khoáng và… “chất”. Rồi thì trong cái góc quán nằm khiêm nhường cuối con phố nhỏ của đất Tam Kỳ, người ta càng ngồi với nhau lâu, càng nhận ra, mỗi cái ánh sáng hay sắc màu, vật dụng Dương dùng để thiết kế, cả vị thức uống, cũng theo hơi hướm quái kỳ, lập dị của chủ nhân. Nhưng dĩ nhiên, ngon và đẹp, dù ở gu thưởng thức nào!

Vẽ, café, nhiếp ảnh

Ba thức này - là những ưa mê mà Nguyễn Thái Dương dành nhiều tâm sức, từ khi anh nghỉ ngang một công việc mơ ước. Không chọn yên vị ở cái chốn người ta tranh nhau đến cả nửa bước chân để vào, Dương nói, hai năm làm chân thiết kế đồ họa, hình ảnh tại một đài truyền hình, là khoảng thời gian anh thấy mình chông chênh vô cùng. “Dù cái ghế ngồi làm ở đó rất vững” - Dương cười to, và khỏa lấp đi cái câu hỏi muôn đời của kẻ tò mò – rằng tại sao anh lại bước đi? Xông ra đường, trong tâm thế của một kẻ rất trẻ đang muốn đi tìm… chính mình. Mình muốn gì, mình sẽ làm gì, Dương nói, hồi ấy, anh chưa tới 30 tuổi. Bây giờ, ở đúng cái ngưỡng tuổi người người tìm cách yên ổn, Dương… cũng thấy mình yên ổn, khi đã quay ngược lại hành trình của một kẻ “lập dị”. Đã tự bứt ra khỏi cái hình ảnh nổi loạn nửa mùa của kẻ mang máu nghệ sĩ lại biến mình thành chàng công sở, vượt thoát ra khỏi suy tư muốn được thừa nhận, được thuộc về đám đông… và hy vọng yên ổn trong đám đông đó. Và cố, để phủ nhận bản thân. Dương nói thời điểm anh nghỉ việc ở cơ quan nọ, cũng là lúc anh hoài vọng về một Nguyễn Thái Dương đã từng có ước ao được vẽ, được thỏa sáng tạo, được tự do, được ngông cuồng. Một Nguyễn Thái Dương của thời đình đám về tranh tường ở Sài Gòn… Nhiều lắm, những ước mơ tuổi trẻ dang dở tại Sài Gòn để trở về quê nhà, bên mẹ. Và chọn một công việc lặng lẽ, không cần phải cố gắng quá nhiều, không cần phải đau đáu đêm hôm, chỉ lầm lỳ làm việc. Dương nói, cái hoang mang tuổi trẻ rằng mình đang là ai đây, mình làm gì đây, cứ xoay lấy anh, ngày này tháng nọ. Hai năm trời, đủ để anh bừng thức. Và bước đi…

Một cuộc bắt đầu hay đúng hơn là lội ngược dòng, để chỉ tìm kiếm cái điều tưởng như bé nhỏ mà vô cùng to tát ở đời: Thật ra, tôi đang là ai? Dương kể cái thôi thúc lúc đó chỉ có một ý niệm là anh mong được vẽ. Những vệt màu tung lên, rồi đọng lại, những câu chuyện ngạo nghễ không đầu không cuối, những dấu chấm hỏi lửng lơ hình như có trong từng bức họa. Vẽ để khởi đầu cho việc trả lời rằng, mình đang là ai, sẽ làm gì tiếp theo? Bỏ việc, chỉ một thôi thúc là để cầm cọ. Cầm máy ảnh. Những bức họa và những bức ảnh, đều là tâm trạng hoài nghi về tương lai, về giấc mơ mình, của Dương. “Cho đến khi tôi bắt đầu từ bỏ ý định đừng cố phủ nhận bản thân, hay cái tôi của mình, cũng là lúc bắt đầu tìm tòi chất liệu, ý tưởng để mình phải làm một cái gì đó. Những bức vẽ, những bức ảnh trong lúc lang thang, đã làm nên duyên nợ để có quán café này” - Dương kể. Venus như là một “cứu cánh” để Dương dành chỗ cho “giấc mơ mang tên mình”. Và anh, đã thật sự được tự do khi trở thành kẻ lập dị trong đám đông ngoài kia. Venus café, mỗi góc quán, chỗ ngồi, thức uống đều từ một mình Dương chăm chuốt. Mấy tháng trời ở những bãi phế liệu, kiếm từng mảnh sắt, vỏ tôn, hay những phụ tùng môtô đã bị người ta rã thành sắt vụn, Dương tỉ mẩn, như đang hình thành cho một giấc mơ mới của mình. Hình như chỉ có được làm công việc là đam mê của mình, người ta mới có thể nhận ra, từng bước chân mình trước đó đã ám ảnh nỗi cô đơn mỏi mòn. Và đến khi ở những ngày tận đáy vực của niềm hoang mang, một nội lực trong chính bản ngã con người đã bật thốt lên, đánh thức cái phần chất hoang dại của một kẻ nghệ sĩ đã ngụy trang quá lâu. Với Venus, Dương làm tôi hiểu như vậy!

Nguyễn Thái Dương thực hiện hình xăm nghệ thuật cho khách hàng.
Nguyễn Thái Dương thực hiện hình xăm nghệ thuật cho khách hàng.

Và… tattoo

Dương khiến người ta thấy anh kỳ lạ, không phải chỉ bởi những “món” trên. Tattoo đến với Dương cũng chính từ những ngày anh ở đẩu đâu để phủ nhận bản thân mình. Khi người ta cứ bận rộn với việc tìm cách lớn lên, làm những chuyện to tát và có những bạn bè danh tiếng, người ta có thể quên đi rất nhiều thứ. “Tôi cũng vậy, tôi đã từng quên đi mong mỏi của mình là được làm một thứ gì ý nghĩa về nghệ thuật, được làm người truyền tải một chút cái tinh thần của ngành mỹ thuật công nghiệp đến với một lớp người mới. Tôi đã từng quên cách mình vật vã để hiểu ngôn ngữ của chúng, cho đến khi chính tôi học cách thừa nhận bản ngã mình” - Dương nói. Mỗi người chỉ có một đời sống, hẳn rồi, và bi kịch nhất chính là những con người đang sống tưởng yên ổn vậy đó nhưng luôn dằn vặt mình rằng đây có phải con đường của tôi? Và Dương thì, sau cú xoay chuyển khiến người thân, bạn bè của anh “sốc”, thì bây giờ, họ lại, hình như, có đôi phần mong đời sống mình thư thả như Dương. “Thời gian là một khái niệm mà tôi nghĩ mình có thể sắp xếp được.

Mình muốn bận, mình sẽ rất bận. Mình muốn thảnh thơi, mình sẽ cực kỳ thảnh thơi” - Dương hóm hỉnh. Không mất quá nhiều thời gian để tiếp cận với tattoo – nghệ thuật xăm hình, bởi vốn dĩ về mỹ thuật, Dương đã có nhiều trải nghiệm. Cái anh cần khi bước vào con đường “nhiều điều tiếng” này, là phải làm sao để mỗi tác phẩm của mình với chất liệu là “da”, là “cơ thể con người”, luôn phải đạt độ mỹ và độ an toàn cao nhất. “Tôi vốn thích những tattoo hình 3D theo phong cách blackwork – tức là trắng đen. Tuy nhiên, với các thể loại linework – đường nét tinh tế, cũng là một thể loại tattoo rất cuốn hút” - Dương chia sẻ. Và khi người tìm đến với xăm nghệ thuật Venus – cũng đã mặc nhiên rằng mình đang tìm một cách thức khác để biểu hiện phần nào đó “sự nổi loạn” – vốn dĩ có trong mỗi cá thể.

“Ngay từ hồi đầu mình trở về Tam Kỳ, thật sự lúc đó tattoo ở đây chỉ mới sơ khai. Và dĩ nhiên, hình xăm vẫn là một cái gì đó bị kỳ thị” - Dương nói. Dù tại Việt Nam đã có những người gọi hình xăm là “body art” – nghệ thuật trên cơ thể, và người thực hiện nó cũng chính là những “artist” – nghệ sĩ với ý muốn dấn thân vào con đường còn lắm định kiến này. Dương kể, những người đến tattoo Venus đều được anh tư vấn dựa vào cá tính và mong muốn của họ. Tại đây, những khách dưới 18 tuổi bị từ chối, những khách xăm hình “hầm hố” ở những chỗ dễ nhìn sẽ được tư vấn rất kỹ. Những nét vẽ trên cơ thể sống, với riêng Dương, là đam mê và hơn thế. “Đối với mình, tattoo là một loại hình nghệ thuật rất đặc biệt. Nó giống như vẽ, nhưng trên chất liệu là da người, và sự ảnh hưởng của tác phẩm đó với người sở hữu.

Nên khi mình nhìn thấy những hình xăm không được đẹp, đã quyết định phải làm một cái đó, để thay đổi” - Dương chia sẻ. Nhưng thực tế, lại nghiệt ngã hơn rất nhiều so với trí tưởng tượng của một “tay mơ”. Dương nói Tam Kỳ chưa phải là một thành phố hiện đại, cùng với đó, sự phát triển về nhận thức thẩm mỹ cũng chưa cởi mở, là một thực tế mà Dương và những người làm tattoo luôn phải đối diện. Lượng khách muốn sở hữu tattoo không nhiều, và đó hẳn cũng là điều phải chấp nhận khi Dương phải trở về tỉnh lẻ. “Dù thế nào mình vẫn luôn ấp ủ mong muốn xăm mình sẽ được xã hội công nhận là một môn nghệ thuật, những người hoạt động xăm mình cũng là những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật thực thụ” - Dương chia sẻ thêm. Mỗi hình xăm, sẽ đi suốt cuộc đời con người, và là duy nhất, nên hẳn, áp lực đặt ra cho người thực hiện không phải điều dễ dàng. Và Dương nói, ít nhất, những khó khăn của một chốn ít có điều kiện phát triển nghệ thuật như Tam Kỳ bây giờ, sẽ khiến Dương có động lực nhận ra rằng dù có là một hạt cát, thì cũng sẽ phải nỗ lực hết sức mình. “Nếu xác định đi con đường nghệ thuật, thì phải biết rằng, nó chỉ có khởi đầu và không bao giờ có kết thúc. Vì vậy, nếu đã bước đi trên con đường nghệ thuật chân chính, thì chắc rằng mình chỉ có điều duy nhứt là nỗ lực đến phút cuối cùng” - Dương chia sẻ.

Thì cuộc chơi cùng tattoo, của Dương hay bất cứ ai đã lỡ rẽ lối đi vào, buộc phải dốc cạn mình cả trong những giấc chiêm bao…

SONG ANH

SONG ANH