Về mà dạo bước vườn quê
Mỗi lần chầm chậm trôi trên con đường trở về quê cũ. Thi thoảng, tôi dừng lại trên cây cầu bắc qua sông Tiên hay trên đỉnh dốc đèo Liêu, ngoái đầu trông về ký ức. Rồi khum tay hú gọi để được nghe tên mình vọng lại từ trập trùng xanh thẳm quê hương. Cái cảm giác nhớ quê khi đứng giữa quê như mắc kẹt trong lòng không thể nào tan chảy. Bất giác sợ quê hương lại quên mất tên mình. “Bắt loa tay réo gọi trăm lần/ Mong nguồn cội đừng quên thằng xa xứ”.
Cầu sông Tiên. |
Từ lúc sinh ra đã uống mạch ngầm con sông chảy ngược, ăn trái lòn bon chín mọng sau vườn, nên mỗi lúc rời xa, lòng lại dậy lên nỗi nhớ nhung man mác... Biết thời gian chẳng thể nào dừng hay quay trở lại, tôi luôn lắng lòng mình để nhớ, rồi khắc ghi thật sâu vào tâm khảm từng rung động của hình bóng quê nhà.
Làng tôi như một vệt ráng chiều men theo chân núi Gành Voi, phía đông là đỉnh Eo Bò chắn che ông mặt mặt trời buổi sáng. Con sông Trạm ngoằn ngoèo, ốm nheo như người mẹ tảo tần chắt chiu từng giọt nước lành nuôi sống những vạt đồng hai vụ. Án ngữ phía tây nam là đồi Dương Khách lúp xúp đầy sim mua và lau lách, nơi in hằn dấu chân tôi thuở nhỏ theo lũ bạn chăn bò.
Trong tầng vỉa ký ức về làng quê, hình ảnh dòng suối trong veo và những mảnh vườn rợp mát, bao giờ cũng hiện về đầu tiên trong nỗi nhớ miên man. Sau mỗi mùa lũ đục ngầu khiến con suối trong làng oằn mình mệt nhọc, dòng nước lại trở về bình lặng, nguôi ngoai, thong thả xuôi. Ngắt chiếc lá ven bờ, thầm thì đôi điều ước rồi thả nó trôi đi, mong nó đi thật xa, xuống tận thị trấn Tiên Kỳ, rồi xuôi ra phố Hội. Tôi tưởng tượng về thế giới nhộn nhịp, huy hoàng ở mãi tận phương xa, mà chỉ mới nghe kể thôi, lòng đã rung rinh theo nhịp còi xe phố thị. Tuổi thơ có biết đâu, dòng suối ấy lại hòa vào dòng sông Tiên chảy ngược. Cứ dùng dằng chưa chịu về xuôi, để ước mơ tôi mắc cạn đâu đó ven bờ.
Rồi một ngày, tôi làm khách phương xa về dạo bước quanh vườn. Dưới những tán lá xanh, nghe lòng bình yên đến lạ. Đứng dựa vào hàng chè lắng nghe vườn kể. Vườn kể về cái ngọt lịm của thanh trà, cái ngọt đậm đà của mùa mít chín, màu óng vàng của lòn bon, màu đỏ thẫm nơi góc vườn trong mùa dâu đất. Vườn kể về những choái tiêu thẳng hàng, thơm nồng mùa thu hoạch hay những cây dó bầu cổ thụ, từng ngày chắt lọc hương trầm...
Miền trung du Tiên Phước quê tôi, hình như cánh đồng nào cũng bé teo, bé tẹo. Có lẽ vậy mà cuộc sống tự ngàn xưa đã bám víu lấy vườn. Chẳng nhớ nổi bàn chân tôi đã dạo bước được bao nhiêu mảnh vườn quê xứ. Chỉ biết, đã hơn bốn mươi mùa quả ngọt nuôi mình. Ngần ấy tuổi đời, yêu quê và nhớ quê đến thế mà vẫn không làm sao đi hết nổi từng mảnh vườn quê hương.
Nỗi nhớ quê của những người sống xa quê cứ đau đáu. Trên bước đường lang bạt, bất giác gặp người bạn cùng quê, lại hỏi: “Mấy lâu ni, có về quê không rứa?”. Được nghe cái giọng đặc sệt quê nhà như gặp lại ông bà, cô bác ở quê. Rồi lại ngồi bên nhau nâng chén rượu. Kể huyên thiên chuyện trên trời dưới đất, cuối cùng... cũng nhắc đến quê hương. Rồi rủ rê, rồi hẹn hò: “Về Tiên Phước với tau, đi đốt ong vò vẽ; về với tau, đi đào con sùng đất ngâm rượu cường dương”. Với cái giọng đầy tự hào, như thể mỗi quê Tiên Phước mình mới có.
Xa nhà, sống nương nhờ phố thị. Cứ ngỡ đã quên rồi tiếng con cu đất cúc cù sau vườn. Cứ mừng rơn khi mình là công dân thành phố, cứ phóng tầm mắt là mênh mông biển trời. Vậy mà, một chiều ngồi ở quán cà phê vườn đâu đó, nghe con chim hót lẻ loi, nhìn cây dó bầu úa vàng trong chậu cảnh. Thể nào chẳng nghe lòng quay quắt! Muốn trở về dạo bước vườn quê.
ĐÔNG PHƯỚC HỒ