Bến đò dọc làng tôi

LĨNH NGUYÊN 14/10/2017 09:48

Thời trước, quê tôi ở phía tây huyện Quế Sơn, là một vùng cư dân rộng lớn nhưng bị cô lập với các vùng trong tỉnh. Các làng ở đây như một thung lũng bị núi bủa vây, giao thông rất khó khăn, mọi con đường đều là truông với đèo. Vậy nên quê tôi mới có câu hát không vui: “Ngặt nghèo cha chả ngặt nghèo/ Đường truông cát nóng, đường đèo đá dăm!”. Phương tiện giao thông duy nhất của thời ấy là dò dọc theo thủy lộ sông Thu Bồn.

Bến đò Đại Bình nhìn từ Trung Phước. Ảnh: Internet
Bến đò Đại Bình nhìn từ Trung Phước. Ảnh: Internet

Đò từ trên nguồn xuống đến Phú Gia cận nguồn thì khách sang đò để đi tiếp tới bến đò Trung Phước làng tôi. Bến đò dọc làng tôi là một trong 3 cái bến bám theo chợ làng. Ngay chợ là bến đò ngang, xuống dưới gần đó là bến Chợ, xuống một quãng ngắn nữa là bến Đồn. Bến đò dọc chung vị trí với bến Chợ. Khách rời đò đi tiếp đến đâu thì chỉ… cuốc bộ.

Khi biết về đò dọc thì tôi vẫn còn nhỏ lắm và chỉ biết hai quãng sông có đò hoạt động thường xuyên. Đâu từ mờ sáng mỗi ngày bến đò dọc trên làng Phú Gia đã chở khách xuống cho kịp đi tiếp theo chuyến đò bến Trung Phước. Rồi từ đây chở khách đi tiếp tới bến làng Thu Bồn thuộc huyện Duy Xuyên.

Bến đò dọc làng tôi chỉ có một chiếc đò của ông Cửu Chánh. Ông là con thứ chín trong gia đình và tên Chánh chứ không phải có chức vụ gì. Người ông cao lớn, có một sức khỏe phi thường. Đặc biệt ông có một tiếng hú thật lớn, kéo dài, vang xa. Cứ vào khoảng tám giờ sáng khi phiên chợ mai tan dần thì người ở hai làng đối diện bên sông nghe tiếng hú đò của ông Cửu Chánh. Tiếng hú đặc biệt của ông như cứ đọng lại, rồi “chạy” quanh theo triền bao bọc xung quanh của núi non.

Lần hú thứ nhất là để lưu ý hành khách còn ở đâu đó hãy tập trung xuống bến. Lần hú thứ hai là nhắc nhở đò sắp khởi hành. Chừng mươi phút sau, khi mọi người đã vào trong khoang, những đôi bầu, những giỏ đựng hàng được xếp ở phía mũi, thì đò nhổ sào. Ông Cửu Chánh cầm cây sào dài chống vào mép bờ cho con đò xê dịch ra, quay mũi theo hướng xuôi dòng. Cây sào cong dưới đôi tay gân guốc của ông. Rồi ông gác cây sào dọc theo mé mui đò và bắt đầu sử dụng mái chèo. Người chèo phụ ở mũi đò là con trai của ông. Anh này cập tuổi thanh niên và giống cha, rất khỏe. Trong khoang đò có trải chiếu, khách luôn ngồi kín, lưng dựa vào hông đò, người ngồi bên này duỗi chân sang phía bên kia cho đỡ mỏi.

Buổi mai đò xuôi sông không cần giương buồm vì nương theo dòng nước chảy. Con đò qua làng Phường Rạnh, lần lượt ghé bờ cho khách xuống phía tả ngạn là các làng Bến Dầu, Bàu Toa, Giảng Hòa thuộc huyện Đại Lộc và các làng Tĩnh Yên, Phú Đa rồi đến bến cuối là Thu Bồn thuộc huyện Duy Xuyên.

Quá trưa, sau khi cha con ông lái đò ăn uống, nghỉ ngơi thì đã có khách lai rai xuống đò để ngược lên bến Trung Phước. Cha con ông lo dựng cột buồm để giương buồm hứng ngọn gió nồm buổi chiều thay sức cho người chèo. Khách đã kín khoang đò. Nồm rộ. Đò nhổ sào, hướng mũi ngược dòng. Cánh buồm rộng được gió nồm căng phồng hết cỡ. Đò lướt nhanh trên mặt sông như vận tốc của ghe đua.

Lúc này ông Cửu Chánh đỡ phải chèo. Ông chỉ ngồi cầm lái và “coi gió bỏ buồm”. Ông ung dung hút thuốc lá quấn như điếu xì gà, đôi khi cao hứng ông còn cất cao giọng hát điệu chèo ghe khỏe khoắn: “Từ ngày xách đòn gánh ra đi/ Kiểm Lâm, Lệ Trạch, Vân Ly, Gia Hòa/ Kể từ Bến Ván kể ra/ Cây Trâm, Trà Lý bước qua Bầu Bầu/ Tam Kỳ, Chợ Vạn bao lâu/ Ngó qua đàng cái thấy lầu ông Tây/ Tiếng đồn Chợ Mới gần đây/ Mỹ Xuyên buôn bán đông tây rộn ràng”…

Thỉnh thoảng tôi mới đi đò dọc nhưng lần nào cũng nghe ông chủ đò chỉ hát một bài ấy và cảnh trí sông nước, công việc không có gì thay đổi. Đi đò dọc rất vui. Khách ngồi trong khoang đò kể cho nhau nghe nhiều chuyện. Tôi được nghe một chuyện vui, xin kể lại:

Số là từ năm 1946, Quảng Nam cùng cả nước kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược. Đò dọc không đi ban ngày để tránh máy bay của giặc. Đò xuôi ngược trên sông toàn ban đêm, trong khoang không chong đèn. Đêm nọ khoang đò chật khách. Nửa đêm có tiếng một bà la lớn: “Ông này cứ cào chân tui hoài!”. Người phụ lái thắp cây đèn dầu chui vào khoang. Mọi người đều thấy bà vừa la vẫn còn giữ tay ông ngồi cạnh. Ông không giật tay ra. Thủ phạm chỉ ngáp một cái rồi nói tỉnh bơ: “Chân tôi ngứa quá, tôi gãi nhưng không ngờ gãi lộn. Hèn chi tôi gãi hoài vẫn không hết ngứa. Bậy quá! Xin lỗi! Xin lỗi”… Mọi người cười muốn vỡ tung chiếc đò. Bà bị gãi lộn chân cũng bật cười. Thế là hòa cả… đò.
Họa có trời mới biết ông nói thiệt hay không.

LĨNH NGUYÊN

LĨNH NGUYÊN