Dịch bạch hầu ở Nam Trà My: Diễn biến phức tạp
Tin liên quan
|
(QNO) - Từ khi phát hiện ổ dịch bạch hầu xuất hiện vào cuối tháng 9.2017 tại Trường Tiểu học Trà Vân (xã Trà Vân, huyện Nam Trà My), các cơ quan chức năng đã vào cuộc để nỗ lực dập dịch. Tuy nhiên, đến nay dịch bệnh vẫn đang diễn biến khá phức tạp.
Diễn biến dịch bạch hầu đang diễn biến khá phức tạp tại huyện Nam Trà My. Trong ảnh: Đoàn công tác của Viện Pasteur Nha Trang đang tiến hành kiểm tra cho trẻ em 2 xã Trà Vân, Trà Vinh. Ảnh: N.D |
Thêm 5 trường hợp nghi nhiễm bệnh
Ngay sau khi được Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Nam Trà My báo cáo tình hình dịch bệnh, Sở Y tế đã trực tiếp đến hiện trường để kiểm tra và tiến hành các công tác phòng chống, dập dịch. Tiếp đó, sở đã có báo cáo cụ thể và gửi những mẫu xét nghiệm cho Viện Pasteur Nha Trang để kiểm tra, những người có kết quả dương tính với bạch hầu được ngành y tế tích cực điều trị. Đoàn công tác của Viện Pasteur Nha Trang cũng trực tiếp đến hiện trường trong 2 ngày 12 và 13.10 để hỗ trợ công tác phòng chống bệnh bạch hầu tại 2 xã Trà Vân, Trà Vinh và các vùng lân cận thuộc huyện Nam Trà My.
Tại đây, đoàn công tác đã phát hiện thêm 5 trường hợp trẻ em ở xã Trà Vinh mắc bệnh với những triệu chứng của bệnh bạch hầu. Trong đó, 1 em bị nặng đã chuyển xuống TTYT huyện Nam Trà My điều trị, 4 em nhẹ hơn đang điều trị tại Trạm Y tế xã Trà Vinh. Như vậy, cộng 7 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại Trường Tiểu học Trà Vân (trong đó 1 em đã tử vong, Báo Quảng Nam đã phản ảnh), tính đến thời điểm này trên địa bàn Nam Trà My đã phát hiện 12 trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu. Theo ông Trần Văn Thu - Giám đốc TTYT huyện Nam Trà My, những trường hợp nghi bị nhiễm bệnh này đã được gửi mẫu đi xét nghiệm. “Trước mắt chúng tôi đã tiến hành cách ly và điều trị theo bệnh bạch hầu. Đối với những trường hợp dương tính với bạch hầu thì hiện đang có biểu hiện khá dần. Bên cạnh đó, học sinh và giáo viên ở Trường Tiểu học Trà Vân cũng đã được cho uống thuốc dự phòng, tránh bệnh có thể lây lan” - ông Thu nói.
Sau khi ghi nhận tại hiện trường, ông Lê Xuân Huy - Viện phó Viện Pasteur Nha Trang cho biết, tình hình dịch bạch hầu ở Nam Trà My đang diễn biến khá phức tạp. “Do người dân ở đây chưa được tiêm phòng, ý thức trị bệnh chưa cao nên rất dễ lây lan trên diện rộng. Vì vậy chúng tôi đã khuyến cáo với Sở Y tế tỉnh cũng như TTYT huyện cần cách ly, tiến hành cho uống thuốc dự phòng đối với những người trong vùng dịch. Song song đó là các biện pháp để ngăn ngừa dịch có thể bùng phát” - ông Huy cho biết. Viện Paster Nha Trang dự kiến sẽ cấp 30.000 liều vắc xin để tiêm chủng cho 2 xã Trà Vân, Trà Vinh và các điểm trường học của huyện Nam Trà My. Ngoài ra, tiếp tục đề xuất triển khai tiêm trên toàn huyện cho đối tượng từ 5 - 40 tuổi (vắc xin Td) và từ 1 - 4 tuổi (vắc xin DPT) trong thời gian tới.
Còn ổ dịch nếu tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 100%
Theo ông Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc TTYT dự phòng tỉnh, việc tiêm chủng bạch hầu tốt nhất là cứ 5 năm 1 lần, nhất là đối với người dân ở các huyện miền núi cao, bởi sau khoảng thời gian này, bệnh vẫn có thể lây nhiễm. Do điều kiện của tỉnh chưa thể tiến hành tiêm “nhắc lại” này nên những ai có điều kiện thì tiếp tục đến các cơ sở y tế để tiêm phòng. |
Theo ông Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc TTYT dự phòng tỉnh, sở dĩ dịch bạch hầu vẫn cứ tái phát liên tục vào một khoảng thời gian từ tháng 6 cho đến tháng 10 hàng năm là bởi các ổ dịch, mầm bệnh vẫn còn ở trong cộng đồng. Ông Hoàn giải thích: “Hầu hết dịch bạch hầu đều xảy ra ở các huyện miền núi cao vì ở đây tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu còn hạn chế. Ví dụ như tỷ lệ tiêm chủng đạt 85% thì vẫn còn 15% có nguy cơ ủ bệnh. Đến mùa, sức khỏe con người yếu thì phát bệnh thôi”. Cũng theo ông Hoàn, để hạn chế tối đa dịch bạch hầu có thể tái phát thì phải đạt 100% số người được tiêm phòng ngừa.
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, đối với các vùng núi cao có nguy cơ xảy ra dịch bạch hầu như: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn đều đã được tiến hành tiêm phòng đạt tỷ lệ trên 95%. “Sở dĩ chưa thể đạt được 100% là vì người dân đi làm nương rẫy, không biết được thông tin nên chưa đến cơ sở y tế để tiêm phòng. Chúng tôi đã chỉ đạo các TTYT huyện, trạm y tế các xã và đội ngũ y tế thôn bản đến từng thôn, từng nóc để vận động, tuyên truyền cho bà con đến cơ sở y tế để tiêm phòng. Riêng 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My trong thời gian tới sẽ tiến hành tiêm phòng trên diện rộng” - ông Văn nói. Về công tác dập dịch tại các xã Trà Vân, Trà Vinh, ông Văn cho biết Sở Y tế đang nỗ lực phối hợp với các ngành chức năng để khống chế không cho dịch bệnh lây lan.
NGUYỄN DƯƠNG