Nỗi lo từ đường cao tốc
Dù đã chủ động triển khai các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) mùa mưa bão 2017, nhưng chính quyền thị xã Điện Bàn vẫn thấp thỏm nỗi lo bất trắc, nhất là các hộ nằm hạ lưu cầu thuộc đường cao tốc.
Nước chảy gây xói lở khu dân cư hạ lưu phía nam mố cầu Kỳ Lam. Ảnh: C.T |
Chủ động
Để khắc phục tồn tại về công tác PCTT&TKCN, mùa mưa bão năm nay, UBND thị xã Điện Bàn đã yêu cầu các ngành, các địa phương quán triệt, triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 8.5.2017 của UBND tỉnh về công tác PCTT&TKCN đến năm 2020; xác định PCTT&TKCN là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của những tháng còn lại với tinh thần “phòng là chính, chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh hiệu quả” nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN thị xã Điện Bàn, ông Phan Minh Dũng cho biết thêm, một yêu cầu khác cũng được chính quyền địa phương đặt ra cho các ngành, các xã, phường là phải chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo phương châm “4 tại chỗ”; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của cộng đồng, tránh chủ quan, lơ là; tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan trong tình huống ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn khi thiên tai ập đến.
Ở cơ sở, nhiều phương án ứng phó dựa trên thực tế được đưa ra. Các xã, phường đã, đang tập trung rà soát, nắm bắt lại các đối tượng dễ bị tổn thương, sơ tán theo mức độ rủi ro. Một lãnh đạo cấp xã cho hay, phương án cần thể hiện rõ được đối tượng, số lượng, phương tiện di chuyển, lối di chuyển, người chỉ huy, hậu cần… Và nhất thiết, phương án đó phải quán triệt đến tận người dân để họ biết và thực hiện khi có tình huống xấu xảy ra. Tùy theo đặc thù địa bàn vùng, thị xã cũng đề ra cách chủ động phòng tránh khác nhau. Chẳng hạn đối với các phường ven biển, địa phương phối hợp với đồn biên phòng để cung cấp thông tin, hướng dẫn tàu thuyền trú ẩn hoặc quản lý cấm ra khơi trong thời gian có thời tiết xấu. Trong lúc đó, 3 xã gồm Điện Quang, Điện Thọ, Điện Tiến được yêu cầu tiến hành xây dựng kịch bản riêng cho công tác ứng cứu, di dời các hộ ở hạ lưu cầu cống, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người nếu thiên tai hoành hành. Bởi cả 3 địa phương này đều có dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua. Riêng đối với xã Điện Quang, đường cao tốc trở thành “đập chắn nước” thứ 2 sau đường sắt Bắc - Nam. Theo ông Phan Minh Dũng, để hỗ trợ cho địa phương này, thị xã đề nghị Ban Chỉ huy quân sự thị xã cùng phối hợp xây dựng kịch bản để ứng phó riêng cho các hộ dân bị ảnh hưởng đường cao tốc.
Vẫn thấp thỏm lo âu
Mùa mưa đã đến, nỗi lo lắng của 11 hộ dân nằm phía khu vực hạ lưu cầu LRB06, lý trình km14+26,5 đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thuộc địa phận thôn Phong Thử 2 (xã Điện Thọ) càng thêm gia tăng. Bởi nơi họ định cư án ngữ phía hạ lưu cầu. Bà Bùi Thị Thúy ở tổ đoàn kết số 5 giãi bày, nhờ có mấy hàng tre, nước chảy chủ yếu tràn xuống lòng Bến Hục rồi lan tỏa đi các nơi khác. Nay đường cao tốc được xây dựng, tre bị phá và nước không thể chảy tràn xuống do nền đường chắn ngang, tiềm ẩn bao nguy cơ. Đặc biệt, lũ lụt xảy ra, nước tuôn chảy dưới cầu chắc chắn gây xói lở, dễ sụp đổ và trôi nhà. Theo thiết kế, phần hạ lưu cầu LRB06 không có hệ thống kè, gia cố mái taluy để chống xói lở. Năm 2016, Điện Bàn có văn bản gửi UBND tỉnh, chủ đầu tư dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi kiến nghị thành lập đoàn kiểm tra, khảo sát hiện trạng, đánh giá mức độ ảnh hưởng, bổ sung hệ thống kè, gia cố mái taluy, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí cho bà con gia cố thêm phần móng nhà. Một giải pháp khác được đề xuất là tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư hẳn để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Tháng 2.2017, UBND tỉnh có văn bản cho biết chủ đầu tư đã bổ sung thiết kế gia cố kè chống xói. Nay mùa mưa đã về nhưng hệ thống kè hiện vẫn… nằm trên giấy!
Ba mươi chín hộ dân khác ở thôn Kỳ Lam, xã Điện Quang bị nằm kẹp giữa đường cao tốc với đường sắt Bắc - Nam cũng yêu cầu người có trách nhiệm cam kết khi có đường cao tốc sẽ không có tác động của dòng chảy, làm ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản chính bà con. Bởi khu vực họ sinh sống gần bờ sông, vào mùa mưa lũ hằng năm thường xuyên bị ngập, tình trạng ngập kéo dài do đường sắt Bắc - Nam là “đập chắn nước” phía đông. Đất ở ven sông có nguy cơ tiếp diễn sạt lở do biến đổi dòng chảy. Nay có thêm đường cao tốc, một “đập chắn nước” khác hình thành từ phía tây cách đường sắt chừng vài chục mét. Theo hộ ông Trần Đình Mạnh, dự án xây dựng đã phá bỏ những hàng tre xanh bao bọc đất đai, nhà cửa của họ. Thêm vào đó, đường cao tốc đắp cao sẽ làm thay đổi dòng chảy, nước tràn chủ yếu dưới mố phía nam cầu Kỳ Lam (thuộc dự án) đổ thẳng vào khu dân cư hạ lưu. “Lũ lụt năm 2016 dù không lớn lắm mà rều rác trôi xuống tấp đầy, nước chảy trên đường rất mạnh gây xói lở. Không như thời gian trước, nước tràn bờ sông dâng lên từ từ, trẻ con còn ra đứng đó tắm được. Bây giờ thì không ai dám nữa rồi” - ông Trần Đình Mạnh bày tỏ.
Hệ lụy của đường cao tốc đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong vùng phụ cận. Vì vậy, họ mong muốn các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết thấu đáo để có một cuộc sống bình yên.
CÔNG TÚ