Xây dựng hình ảnh văn hóa doanh nghiệp
Câu chuyện xây dựng văn hóa doanh nghiệp giờ đã thành nếp quen, ngay cả trong các tiêu chí phát triển của doanh nghiệp vẫn dành phần cho văn hóa. “Bản sắc văn hóa” của mỗi doanh nghiệp sẽ góp phần định hình thương hiệu cho chính họ trong dòng chảy thương mại toàn cầu.
Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai tổ chức hội thi tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và văn hóa doanh nghiệp 2017. Ảnh: C.L |
Càng ngày, việc đăng ký thực hiện cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH)” càng nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Đặc biệt, xây dựng văn hóa doanh nghiệp để nâng cao hình ảnh doanh nghiệp được chú trọng nhiều hơn. Từ các doanh nghiệp tư nhân như Công ty TNHH MTV Sedo - Vinako, Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh (Duy Xuyên) đến các doanh nghiệp cổ phần như Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai, Công ty CP May Trường Giang (Tam Kỳ)… đều đã bước đầu thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.
1.Ông Nguyễn Văn Chúng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai (CIZIDCO) chia sẻ: “Theo tôi có 3 yếu tố làm nên một doanh nghiệp phát triển: tài chính, con người và văn hóa. Văn hóa là nền tảng, động lực để mỗi doanh nghiệp tồn tại, tự tin phát triển, bước qua và xử lý khủng hoảng, tạo nên những sản phẩm có thương hiệu riêng cho doanh nghiệp mình”. Cũng chính với suy nghĩ đó, sau một năm thành lập và hoạt động ở mô hình doanh nghiệp, CIZIDCO bắt tay ngay vào việc xây dựng bộ tiêu chí văn hóa doanh nghiệp. Hệ thống tiêu chí này được coi như một trong các yếu tố then chốt quyết định sự thành công, lẫn “bộ mặt” của doanh nghiệp. “Cũng như văn hóa nói chung, văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị tinh thần, vật chất đặc sắc của doanh nghiệp được tạo nên bởi hoạt động quản lý và sản xuất kinh doanh. Hệ thống giá trị này được mọi người trong doanh nghiệp chia sẻ, chấp nhận, đề cao và ứng xử theo các giá trị đó. Kết hợp, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cộng với sự đúc kết những giá trị thực tiễn, CIZIDCO hệ thống thành 5 tiêu chí xây dựng văn hóa công ty” - ông Chúng nói.
Chính từ đây, những ứng xử văn minh của nhân viên công ty, các câu chuyện về niềm tin với khách hàng cũng như các hoạt động an sinh xã hội, tạo dựng môi trường xanh trong doanh nghiệp… đã làm nên chỗ đứng vững vàng cho CIZIDCO. Chọn triết lý kinh doanh “suy nghĩ và hành động đều hướng tới lợi nhuận nhưng không phải bằng mọi giá”, cũng như bắt đầu xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ ý hướng này, mọi quyết sách của CIZIDCO đều ít nhiều mang tinh thần văn minh và tạo niềm tin với các đối tác tìm đến. Chưa kể, tập thể nhân viên của doanh nghiệp này luôn chọn sự tôn trọng khách hàng và tâm niệm rằng “thành công của đối tác cũng là thành công của chính mình”. Và để làm nên những thành công, buộc người trong doanh nghiệp phải đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, hợp tác trong công việc và cuộc sống. Cũng như mọi doanh nghiệp khác, CIZIDCO chọn cách lấy hiệu quả công việc là thước đo sự cống hiến của người lao động.
Những doanh nghiệp phát triển hiện nay đều là những đơn vị trước đó đã xây dựng được nếp sống văn minh, môi trường văn hóa trong chính doanh nghiệp của mình. |
Những câu chuyện kinh doanh khởi nguồn từ một nền tảng văn hóa tốt, sẽ để lại nhiều ấn tượng với người tìm đến. Hiện tại, CIZIDCO đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai cũng như tại khách sạn Bàn Thạch, chưa kể tiến đến một không gian xanh, sạch cho các khu công nghiệp; đời sống tinh thần của cán bộ, nhân viên được quan tâm đầu tư bằng các hoạt động văn hóa, văn nghệ… “Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng cho phát triển bền vững, tạo nên những doanh nghiệp có kỷ luật, tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Doanh nghiệp làm ăn chân chính, cạnh tranh lành mạnh, hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, có trách nhiệm với môi trường là đương nhiên, nhưng đằng sau đó phải xây dựng được con người có nhân cách cho xã hội” - ông Chúng nói.
2.Quảng Nam đang bắt đầu cho một câu chuyện tương lai mới, từ chuyển dịch cơ cấu lao động đến nghiêng cán cân phát triển mạnh về công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Và đây, cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp thể hiện năng lực của mình trong một không gian hoàn toàn rộng mở, đặc biệt là những doanh nghiệp trẻ. Chính từ việc hình thành một môi trường chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp phát triển, cũng là cách để khơi lên những sắc màu văn hóa khác biệt - thứ tạo nên thương hiệu của doanh nghiệp. Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL, phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa nằm trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng được nhiều doanh nghiệp tích cực đăng ký thực hiện. Tính đến năm 2016, trong phong trào đã có 1.915 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, với việc thực hiện xây dựng tốt nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nơi làm việc.
Văn hóa doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định phát triển thành một vấn đề lớn của doanh nghiệp, doanh nhân và lấy ngày 10.11 hằng năm là Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Tại buổi lễ phát động thực hiện Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam vào tháng 11.2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Văn hóa doanh nghiệp, các nguyên tắc cơ bản, giá trị cốt lõi không thể tách rời khỏi tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có nền tảng văn hóa mạnh cũng là những doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và sứ mệnh tốt đẹp, biết hài hòa, cân bằng các lợi ích giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa lợi nhuận với lợi ích của cộng đồng, giữa các mục tiêu ngắn hạn với các phương châm phát triển bền vững. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi của nền kinh tế toàn cầu hóa của thế kỷ 21”. |
Ở vùng đất giàu bản sắc văn hóa như Quảng Nam, việc thực hiện các tiêu chuẩn văn hóa của một doanh nghiệp như là thước đo để tạo dấu ấn. Ông Phan Xuân Thanh - Tổng Giám đốc Công ty EMIC Hospitality, một doanh nghiệp phát triển sâu trong ngành du lịch tại Hội An, cho rằng văn hóa của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch biểu hiện ở rất nhiều phương diện, từ việc nhân viên tươi cười niềm nở chào du khách, cách ứng xử với các yêu cầu của khách hàng hay thậm chí từ việc bố trí những vật dụng be bé trong một không gian du lịch… “Ngành dịch vụ buộc phải đầu tư cho con người văn hóa - yếu tố quan trọng để duy trì sự sống còn của dịch vụ. Những nhân viên hạnh phúc sẽ làm cho khách hàng của họ hạnh phúc. Họ có cảm xúc, có văn hóa, có cách ứng xử lịch thiệp, văn minh, thì mới có khả năng truyền cảm xúc cho khách hàng” - ông Thanh chia sẻ.
Cũng theo ông Thanh, trong những môi trường chuyên nghiệp, văn hóa doanh nghiệp nhiều khi có trước lúc hình thành một doanh nghiệp, bởi văn hóa của một doanh nghiệp xuất phát từ cái tâm tốt của người khởi nghiệp. Chưa kể, ở một môi trường “sống chậm” như Hội An, với đông đảo du khách nước ngoài, văn hóa doanh nghiệp luôn phải là tiêu chí đầu tiên để tồn tại. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ, các doanh nghiệp khi đến với Hội An và sống được ở Hội An do biết nắm bắt thế mạnh của bản sắc vùng đất. Đồng thời họ luôn chọn cách nghiêng về lợi ích cộng đồng, bảo vệ môi trường và giữ gìn văn hóa truyền thống của một vùng đất lâu đời. “Chính quyền Hội An luôn đồng hành và ủng hộ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trẻ. Một điều có thể thấy là các doanh nghiệp tại Hội An luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền thành phố để phát triển theo đúng hướng của một thành phố văn hóa, sinh thái, du lịch và để giữ cho một Hội An giàu bản sắc nhưng vẫn là vùng đất có nhiều sản phẩm đa dạng” - ông Sơn nhấn mạnh.
Việc xác định lấy văn hóa làm nền tảng để vận hành cho một doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ đưa hình ảnh của cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam trở nên văn minh, nhiều dấu ấn. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL nói rằng, trong các cuộc vận động về xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa lâu nay, hầu hết doanh nghiệp phát triển đều là những đơn vị trước đó đã xây dựng được nếp sống văn minh, môi trường văn hóa trong chính doanh nghiệp của mình. Từ đây, có quyền kỳ vọng về một thương hiệu văn hóa cho các doanh nghiệp Quảng Nam, khi họ biết cách đề cao yếu tố văn hóa trong quá trình xây dựng và phát triển của mình...
LÊ QUÂN