Chưa thể gỡ khó cho các dự án PPP
Không một kết luận hay bất cứ cam kết nào từ diễn đàn PPP cấp địa phương đầu tiên được mở tại Quảng Nam do Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì vào hôm qua 11.10 với sự tham dự của đại diện 5 tỉnh, thành vùng trọng điểm kinh tế miền Trung. Những vướng mắc của các dự án PPP cấp địa phương vẫn chưa thể tháo gỡ được.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: H.P |
“Vừa làm, vừa dòm”
Sau một thời gian dài thí điểm, việc triển khai các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đã được điều chỉnh bởi Nghị định 15 và Nghị định 30 của Chính phủ. Bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, khác với BOT “truyền thống” chỉ dành cho giao thông, điện, cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, PPP hiện nay đã được mở rộng về giao thông, hạ tầng đô thị, điện, hạ tầng xã hội, thương mại, kinh tế, nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác. Trong bối cảnh nguồn ngân sách đang ngày càng cạn kiệt, đầu tư theo hình thức PPP là xu hướng tất yếu. Số lượng dự án PPP tăng qua các giai đoạn và lĩnh vực đầu tư ngày càng đa dạng hơn. Theo số liệu thống kê, từ năm 2015 đến nay, trên mạng đấu thầu quốc gia, số dự án PPP được đề xuất hiện nay là 255 dự án.
Hầu hết địa diện địa phương, doanh nghiệp tham gia diễn đàn đều cho rằng các dự án PPP đã mở cửa cho tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ công, nhưng thực tế triển khai gặp quá nhiều vướng mắc. Ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam cho rằng lo ngại nhất của cơ quan quản lý lẫn nhà đầu tư là các văn bản quy phạm pháp luật lại chỉ mới dừng lại ở tầm nghị định, chịu sự chi phối của nhiều luật chuyên ngành, dẫn đến việc triển khai gặp rất nhiều xung đột về pháp lý. Không ít băn khoăn từ việc thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện các dự án BT bằng khu đất, quỹ đất để thực hiện các dự án khác, có được xem là vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án hay không? Hoặc quỹ đất của địa phương có hạn, nhưng các quy định của Chính phủ chưa có phương án thanh toán khác cho các dự án BT ngoài phương thức thanh toán bằng quỹ đất. Thời gian triển khai dự án quá dài. PPP cần linh hoạt hay buộc phải theo các quy định bắt buộc?...
“Hãy chấm dứt tư tưởng không có tiền nhà nước thì chuyển sang PPP. Không phải cái gì cũng PPP. Chỉ những dự án, công trình có khả năng thu phí hay trợ giá, mang lại nguồn thu bù đắp cho tư nhân thì mới làm được...”. (Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông) |
Ông Nguyễn Thành Hải - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Bình Định nói một trong những lo ngại lớn nhất của doanh nghiệp chính là khung pháp lý về PPP chưa đủ mạnh. Nhà đầu tư cảm thấy quá rủi ro khi theo đuổi một dự án hạ tầng lớn. Còn chính quyền địa phương hay cơ quan quản lý thì “vừa làm, vừa dòm”. Sợ không làm đúng quy trình sẽ bị kỷ luật. Nhà nước đề xuất dự án thì không ai đón nhận. Doanh nghiệp đề xuất thì cuối cùng cũng chỉ có một nhà đầu tư tham gia. Ông Hoàng Việt Trung - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Thừa Thiên Huế nêu thực tế cơ quan không nhiều người giỏi tiếng Anh để hiểu biết những quy định chuyên ngành về PPP thì sẽ khó đấu thầu quốc tế hay việc chi phí cho một đề xuất dự án quá cao. Nhỡ doanh nghiệp không trúng thầu thì không biết tính toán thế nào với nhà đầu tư nên chỉ còn cách là chỉ định thầu.
Sẽ đề xuất điều chỉnh
Cần công khai, minh bạch dự án PPP Diễn đàn không kết luận hay cam kết, nhưng theo bà Vũ Quỳnh Lê, Cục Quản lý đấu thầu đang dự thảo việc sửa đổi, điều chỉnh các Nghị định 15 và Nghị định 30. Theo dự thảo này, PPP luôn cần nguồn thu hợp pháp đủ để hoàn vốn. Không phải tất cả dự án đều có thể làm được PPP. Quyết định chủ trương đầu tư PPP phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phù hợp với lĩnh vực đầu tư, có khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư, phù hợp với khả năng cân đối phần vốn góp của Nhà nước. Khi quyết định triển khai dự án PPP phải chứng minh được hiệu quả đối với người dân (kinh tế - xã hội, môi trường); khảo sát ý kiến của cộng đồng, dân cư trong phạm vi tác động của việc đầu tư thực hiện dự án. Vấn đề quan trọng vẫn là chuyện công khai, minh bạch để bảo đảm sự giám sát của người dân. Đó là những thông tin về dự án sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư, các thông tin cơ bản về hợp đồng, các tiêu chí cơ bản về chất lượng dịch vụ cần được duy trì trong suốt quá trình thực hiện dự án. Minh bạch hóa sự tham gia của Nhà nước trong dự án PPP về việc góp vốn, nguồn đầu tư công, vốn thanh toán, nguồn chi thường xuyên hoặc nguồn thu cung cấp dịch vụ công và vốn hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư, công trình phụ trợ, nguồn đầu tư công. Sự minh bạch này được thể hiện trên giá dịch vụ tính đúng, tính đủ, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá ngay tại báo cáo nghiên cứu khả thi. |
Ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho rằng thời gian thực hiện một dự án PPP phù hợp với thông lệ quốc tế, thấp hơn nhiều so với thực tiễn triển khai trước đây và tương đương mức trung bình của các nước trên thế giới. Việc rút ngắn thời gian trong lựa chọn nhà đầu tư phụ thuộc vào tính chất, quy mô đặc điểm của từng loại dự án, cũng như khả năng thực hiện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu. Ông Trương nói nhiều cơ quan thi nhau chỉ trích quy định thời gian chọn nhà đầu tư dài, xin chỉ định thầu để rút ngắn thời gian, nhưng bản chất là thích xin - cho, thích chỉ định thầu và hậu quả cay đắng đã từng xảy ra vì dự án kéo dài và nhà đầu tư không đủ năng lực. Chính chỉ định thầu đã khởi nguồn cho nhiều hệ lụy. Không thể vin vào cấp bách, bức thiết để chỉ định thầu. Chỉ thông qua cơ chế đấu thầu thì mới có thể minh bạch được. Còn giá đất thì phải do thị trường quyết định, phù hợp với quy hoạch, năng lực của địa phương.
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng các địa phương đang khá nặng nề với việc triển khai các dự án PPP. Ngay cả cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa hiểu rõ các quy định, lại sợ trách nhiệm thì làm sao doanh nghiệp hiểu được, nên sẽ rất khó để có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển các dự án PPP. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông khẳng định khoảng cách giữa nghị định, thông tư với thực tiễn địa phương còn quá xa. Hiện quy định PPP được viết theo kiểu “chiếc áo một cỡ” lại “cho tất cả các cỡ”. Các lĩnh vực đều có đặc thù, không thể đưa ra mô hình chuẩn. Không thể áp dụng chung được. Khó nhất là sự đồng thuận, nhưng bộ, ngành nào cũng giữ nguyên tắc bộ, ngành ấy với các quy định gọi là đặc thù nên vướng mắc từ nhiều phía. Không thể giải quyết hết những bức xúc của địa phương và cơ quan quản lý trong một diễn đàn ngắn ngủi này. Văn phòng PPP (Bộ KH&ĐT) sẽ tổng hợp, nghiên cứu để điều chỉnh theo hướng đơn giản nhất, rõ ràng nhất để tạo thuận lợi cho các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, ông Đông cũng cho rằng hãy chấm dứt tư tưởng không có tiền nhà nước thì chuyển sang PPP. Không phải cái gì cũng PPP. Chỉ những dự án, công trình có khả năng thu phí hay trợ giá, mang lại nguồn thu bù đắp cho tư nhân thì mới làm được
Một trong những điểm quan trọng khi thực hiện dự án PPP là phải tuân thủ quy luật cạnh tranh để xác định giá dịch vụ công thông qua đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư, tránh lạm dụng các trường hợp chỉ định nhà đầu tư. Hoàn thiện về pháp luật đất đai, tài nguyên để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả đất đai. Cải cách mạnh mẽ chính sách tài chính về đất đai theo hướng đơn giản, ổn định, công khai, minh bạch và công bằng. Việc quản lý dự án BT cần chặt chẽ hơn thông qua việc đấu thầu sau khi có thiết kế kỹ thuật, xác định chính xác tổng mức đầu tư. Giám sát hợp đồng theo cơ chế đầu tư công. Lồng ghép cơ chế đấu giá đất (khai thác địa tô) vào cơ chế đấu thầu. Giá trị tài sản công được sử dụng để thanh toán dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT được tổng hợp vào ngân sách nhà nước. Theo bà Vũ Quỳnh Lê, tất cả dự án PPP là những dự án có mục đích công, không thể để thất thoát do việc tính tổng mức đầu tư cao nhưng giá thành thấp. Đó là điều tiên quyết để thúc đẩy tính bền vững của môi trường đầu tư.
TRỊNH DŨNG