Xây dựng đời sống văn hóa từ cơ sở

THẢO NGUYÊN 11/10/2017 13:45

Thời gian qua, huyện Nam Giang đã đạt được nhiều kết quả trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khi cụ thể hóa phong trào một cách thiết thực, sâu sát cơ sở.

Làng dệt thổ cẩm Zơ Ra được đầu tư phát triển. Ảnh: T.NGUYÊN
Làng dệt thổ cẩm Zơ Ra được đầu tư phát triển. Ảnh: T.NGUYÊN

Ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa chia sẻ: “Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào này gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị đặc trưng văn hóa của huyện. Định hướng cốt lõi là huyện Nam Giang phấn đấu trở thành huyện điểm văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo định hướng của Quảng Nam trong thời gian tới.

Sâu sát phong trào

Nằm ở phía tây của tỉnh, huyện Nam Giang là vùng cao với mạch nguồn văn hóa đa dạng của các dân tộc sinh sống như Cơ Tu, Ve, Tà Riềng, Kinh, Tày, Nùng, Khơ Mú, trong đó đồng bào Cơ Tu chiếm hơn 70% dân số. Năm 2016, toàn huyện có 80,9% gia đình, 85,71 % thôn, 80,9% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, 61/63 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng… là sự nỗ lực, đồng lòng của người dân vùng cao này trong việc thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Trong đó, Ban chỉ đạo địa phương về phong trào này luôn xác định “Gia đình văn hóa” là một trong các danh hiệu đầu tiên để tiếp tục thực hiện các danh hiệu khác như “Thôn văn hóa”, “Tộc văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị có đời sống văn hóa tốt”…

Năm 2016, huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện “Chương trình hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020”. Mục đích tuyên truyền, giáo dục ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với đồng bào thiểu số trên địa bàn. Các xã như Ta Bhing, La Dêê, Tà Pơơ, Đắc Pre, Đắc Tôi có nhiều cách làm hay trong việc thực hiện tiêu chí gia đình văn hóa. Gia đình ông Tơ Ngôl Vứt (xã Đắc Tôi) được UBND tỉnh tặng Bằng khen gia đình văn hóa tiêu biểu 10 năm liền (2006 - 2016). Ông Tơ Ngôl Vứt chia sẻ: “Vợ chồng tôi chăm lo phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái và đoàn kết, giúp đỡ bà con cùng nhau xây dựng quê hương, cuộc sống no đủ nên rất phấn khởi”.

Một trong những điểm nhấn của phong trào này là việc phát động, làm điểm xây dựng “Thôn văn hóa” và chủ trương trước tiên phải có đời sống kinh tế ổn định. Trong quá trình triển khai, các xã đều đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế hộ, xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường, an ninh trật tự. Đặc biệt, trong công tác xây dựng “Thôn văn hóa” huyện Nam Giang đã vận dụng linh hoạt lồng ghép với các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới để thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Từ đó, các tệ nạn, hủ tục dần dần được đẩy lùi. Năm 2016, toàn huyện có 54/63 thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”. Tộc Zơ Râm ở thôn Pà Xua (xã Ta Bhing) trong năm 2016 đã được Ban chỉ đạo tỉnh tặng giấy khen về thành tích trong phong trào khuyến học.

Hiệu quả từ sự đồng lòng

Thực hiện chủ trường xây dựng đời sống văn hóa gắn với việc xây dựng nông thôn mới, Nam Giang đã phát động các địa phương đăng ký “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”. Là địa bàn miền núi, các chỉ tiêu của bộ tiêu chí nông thôn mới về văn hóa đã được huyện chú trọng đầu tư. Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở kế thừa những kết quả kinh tế - xã hội đã đạt được, huyện vận động đồng bào cải tạo được hàng trăm héc ta lúa nước. Đất đai đồi núi được đưa vào trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như mây, măng điền trúc, keo lai hom, cao su... góp phần rất lớn vào việc xóa đói giảm nghèo và phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Được biết, ngoài kho thóc của từng hộ ra thì hiện nay các thôn trên địa bàn huyện thành lập kho thóc cộng đồng. Mỗi hộ dân trong thôn đều đóng góp thóc dự trữ để khi vào mùa mưa bão hay vào dịp giáp hạt giúp đỡ hộ gặp khó khăn. Trong năm 2016, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước 350 triệu đồng, sự đóng góp 150 triệu đồng và ngày công của nhân dân đã có 2 gươl làm mới và 4 gươl sửa chữa, nâng tổng số thôn có gươl, moong, nhà sinh hoạt cộng đồng có sân tập luyện thể thao lên 61/63 nhà trên toàn huyện.

Song song với việc phát triển kinh tế - xã hội, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở huyện  Nam Giang góp phần rất lớn vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây. Làng dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu thôn Zơ Ra (xã Ta Bhing) là điểm sáng trong việc bảo tồn và phát triển. Ông PơLoong Hon - Chủ tịch UBND xã Ta Bhing cho biết, nhờ triển khai tích cực, có hiệu quả dự án du lịch dựa vào cộng đồng do Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) - Nhật Bản hỗ trợ, hiện nay làng dệt thổ cẩm Zơ Ra đã trở thành điểm đến yêu thích của khách du lịch. Đồng thời người dân nơi đây cùng tham gia làm du lịch cộng đồng, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu, các mặt hàng dệt thổ cẩm truyền thống đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Phòng VH-TT huyện đang triển khai sưu tầm truyện cổ tích của các dân tộc Ve, Tà Riềng, Kinh, Tày, Nùng, Khơ Mú, phục dựng những trò chơi dân gian của dân tộc Tà Riềng, Khơ Mú. Ngoài ra còn sưu tầm văn hóa vật thể và phi vật thể như nghề dệt thổ cẩm, múa tâng tung da dá, nghệ thuật nói lý - hát lý, múa cồng chiêng, các loại nhạc cụ truyền thống...

THẢO NGUYÊN

THẢO NGUYÊN