Vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp: Khó xử phạt

TÙNG CHI 10/10/2017 14:19

Những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn toàn tỉnh đã ban hành 27 văn bản (gồm quyết định, kế hoạch, công văn...) nhằm chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị định (NĐ) số 110/2013/NĐ-CP và NĐ số 67/2015/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ110 và NĐ67) trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình… cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh.

Không ít người ham mê “đỏ đen” dẫn đến gia đình lục đục buộc chính quyền địa phương phải xử lý hành chính (ảnh minh họa). Ảnh: P.N
Không ít người ham mê “đỏ đen” dẫn đến gia đình lục đục buộc chính quyền địa phương phải xử lý hành chính (ảnh minh họa). Ảnh: P.N

UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành nghiêm túc triển khai thực hiện 2 NĐ này. Đồng thời từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 21 đợt kiểm tra về công tác theo dõi, thi hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị và thực tế đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc xuất phát từ các quy định của 2 NĐ này.

Thiếu đồng bộ

Việc triển khai thi hành 2 NĐ nêu trên nhìn chung kịp thời và hiệu quả, các cấp, các ngành đã kịp thời phát hiện, xử lý, chấn chỉnh những sai sót vi phạm đối với các tổ chức và cá nhân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân, làm giảm thiểu các hành vi vi phạm hành chính (VPHC) trên các lĩnh vực - nhất là lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đánh giá, NĐ110 và NĐ67 được ban hành kịp thời, hợp nhất, khắc phục một số hạn chế so với quy định trước đây; nhiều quy định phù hợp với thực tiễn, các hành vi được quy định mức xử phạt rõ ràng, cụ thể, dễ thực hiện. Tuy nhiên, nhiều quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam thường được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, nhưng các quy định tại 2 NĐ nêu trên lại chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Chẳng hạn, một số quy định về hành vi VPHC trong việc đăng ký khai sinh (Khoản 1, Điều 27, NĐ số 110/2013/NĐ-CP): “Cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định”. Trong khi đó, Khoản 1, Điều 15 Luật Hộ tịch quy định trách nhiệm đi đăng ký khai sinh quy định: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em”. Như vậy, phạt cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký là khó xác định chủ thể vi phạm.

Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm theo các quy định tại NĐ 110/2013/NĐ-CP ngày 24.9.2013 và NĐ 67/2015/NĐ-CP đối với 103 tổ chức, cá nhân. Trong đó, phạt cảnh cáo 55 trường hợp; phạt tiền 48 trường hợp với hơn 30,5 triệu đồng và chủ yếu phạt đối với hành vi đăng ký khai sinh không đúng thời hạn quy định (55 trường hợp) và hành vi tảo hôn (45 trường hợp).

Về mức phạt tiền trong các lĩnh vực, hầu hết là phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội hiện nay. Tuy nhiên, trên lĩnh vực công chứng chưa quy định rõ hơn hành vi công chứng ngoài trụ sở. Vì thực tế các tổ chức hành nghề công chứng với lý do chính đáng khác đã thực hiện nhiều hành vi công chứng ngoài trụ sở nhưng không xử lý được. Trong khi đó lĩnh vưc bán đấu giá tài sản còn một số quy định cần sửa đổi kịp thời, nhất là phải nâng mức xử phạt đối với hành vi thông đồng, dìm giá; ồn ào, gây mất trật tự tại phiên đấu giá... mà thực tế thường xảy ra. Việc xử phạt VPHC trong các lĩnh vực nêu trên còn vì những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ các quy định của 2 NĐ do những quy định chưa kịp thời, sát với thực tế. Chẳng hạn như, đối với lĩnh vực hôn nhân gia đình, theo quy định tại Điểm b, c, Khoản 1 Điều 48 NĐ 110 quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: “... b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ”. Trên thực tế, việc xử lý VPHC đối với hành vi này rất khó vì để xác định rõ như thế nào là sống chung như vợ chồng để áp dụng xử phạt. Vì, hành vi vi phạm này thường được thực hiện không công khai, không có tài sản chung, có hoặc không có con chung, hành vi này xã hội gọi là “ngoại tình” và không giống với hành vi “chung sống như vợ chồng” nhưng về hậu quả của hai hành vi này là như nhau.

Cần gỡ vướng

Để gỡ vướng cho việc thực hiện NĐ110 và NĐ67 - hai văn bản quan trọng về xử phạt VPHC trong một số lĩnh vực cụ thể của ngành tư pháp, góp phần tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ khắc phục những vướng mắc, bất cập của 2 NĐ; cần bổ sung những quy định mới phù hợp với các văn bản luật đã có hiệu lực. Đồng thời UBND tỉnh cũng đề nghị cần mở rộng, nâng cao thẩm quyền xử phạt của người có thẩm quyền xử phạt phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và hành vi vi phạm trên từng lĩnh vực; hạn chế các hình phạt cảnh cáo vì thiếu sự răn đe. Đối với lĩnh vực hôn nhân gia đình, cần nghiên cứu, sửa đổi quy định “xử phạt đối với hành vi tổ chức tảo hôn” vì trên thực tế “có tảo hôn nhưng không có hành vi tổ chức” thì không xử phạt được. Đồng thời cần quy định biện pháp cụ thể để xử lý những trường họp như: Người vi phạm trốn tránh trách nhiệm và các trường hợp chậm hoặc không thi hành quyết định xử phạt, nhằm đảm bảo cho công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC đạt hiệu quả cao nhất.

TÙNG CHI

TÙNG CHI