Động lực tăng trưởng và liên kết khu vực

QUỐC HƯNG 10/10/2017 09:51

(QNO) - Hợp tác tài chính là một trong các trụ cột của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tại Peru năm 2016. Ảnh: ANDINA/Difusión
Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tại Peru năm 2016. Ảnh: ANDINA/Difusión

Các Bộ trưởng Tài chính APEC gặp nhau lần đầu tiên tại Honolulu (Mỹ) vào năm 1994. Từ đó, hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC được tổ chức hằng năm, trong khuôn khổ hội nghị Cấp cao APEC. Với mục tiêu xây dựng một cộng đồng APEC hội nhập tài chính, minh bạch, bền vững và kết nối, Kế hoạch hành động Cebu đã được các Bộ trưởng Tài chính APEC thông qua năm 2015, định hướng dài hạn cho hợp tác tài chính APEC đến năm 2025 bao gồm 4 trụ cột: thúc đẩy hội nhập tài chính, thúc đẩy minh bạch tài khóa, cải thiện bền vững tài chính và tăng cường tài chính, phát triển cơ sở hạ tầng. APEC 2017 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược đổi mới tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC, triển khai 4 sáng kiến hợp tác tài chính APEC Việt Nam 2017 vừa gắn với ưu tiên quốc gia, vừa thực hiện hiệu quả chiến lược đổi mới tiến trình này, hướng tới lợi ích thiết thực cho toàn khu vực, bao gồm: tài chính cho cơ sở hạ tầng, xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận, tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, tài chính toàn diện.

Còn nhớ trong bối cảnh châu Á đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998, các Bộ trưởng Tài chính APEC họp bàn phục hồi sự ổn định và thúc đẩy tăng trưởng trong các nền kinh tế khu vực bị ảnh hưởng, củng cố hệ thống tài chính toàn cầu nhằm giảm khả năng một cuộc khủng hoảng tương tự sẽ xảy ra. Các bộ trưởng thông qua ý tưởng về tăng cường giám sát tài chính với Kế hoạch hành động đẩy mạnh đào tạo các giám sát viên trong lĩnh vực ngân hàng và thị trường chứng khoán trong APEC. Đồng thời, giảm các tác động xã hội của cuôc khủng hoảng lên người nghèo, tái cơ cấu lĩnh vực tài chính chính, kiến trúc tài chính quốc tế cùng nhiều sáng kiến như phát triển thị trường trái phiếu nội địa, tư nhân hóa, khu vực công, chống tội phạm tài chính, hệ thống giao dịch tài chính điện tử.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các Bộ trưởng Tài chính APEC tiếp tục thảo luận các phương án khôi phục sự ổn định và hệ thống tài chính quốc tế, xoáy vào những điểm yếu trong các khuôn khổ pháp lý và giám sát, đặc biệt liên quan đến vấn đề minh bạch của các tổ chức tài chính, quản lý rủi ro và vai trò của xếp hạng tín dụng. Qua đó kêu gọi cải cách cơ cấu vì sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và cân bằng. Tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 17 diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản), các bộ trưởng đã thông qua Báo cáo Kyoto về chiến lược tăng trưởng và tài chính, sau đó trình lên hội nghị Cấp cao APEC xác định ưu tiên để đảm bảo tăng trưởng trong tương lai. Đó là cân bằng và tăng cường nhu cầu toàn cầu, theo đuổi quản lý tài chính hợp lý và tăng cường tài chính đối với các ngành then chốt như cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ gia đình và đầu tư xanh.

Chủ đề Năm APEC 2017 là “tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, đề cao dấu ấn góp phần tạo thêm động lực mới cho tăng trưởng và liên kết trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư và tăng cường cải cách cơ cấu, đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò doanh nghiệp nhỏ và vừa là những biện pháp cấp thiết để diễn đàn hợp tác khu vực có thể nắm bắt kịp thời các cơ hội mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và làn sóng thương mại toàn cầu lần thứ ba.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG