Ấp nở trứng rùa Côn Đảo tại Cù Lao Chàm: Khởi đầu thuận lợi

QUẢNG LÂM 10/10/2017 09:47

Ngày 8.10.2017, hơn 420 cá thể rùa biển được ấp nở thành công từ 450 trứng rùa chuyển đợt 2 từ Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu) về Cù Lao Chàm (Hội An) đã được Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thả về với đại dương. Như vậy cả 2 đợt ấp nở trứng rùa đều thành công ngoài mong đợi. Để có được sự thành công đó là những nghiên cứu, thử nghiệm âm thầm của các chuyên gia bảo tồn rùa tại Vườn quốc gia Côn Đảo và việc ứng dụng thành công ở Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm.

Tin liên quan

  • Cù Lao Chàm tiếp nhận 450 trứng rùa biển từ Côn Đảo
  • Hơn 420 cá thể rùa biển con ấp nở ở Cù Lao Chàm được thả về đại dương
Người dân chứng kiến việc thả rùa con về đại dương tại Cù lao Chàm.
Người dân chứng kiến việc thả rùa con về đại dương tại Cù lao Chàm.

Từ những nghiên cứu âm thầm ở Côn Đảo

Khi được hỏi cơ sở nào để đưa trứng rùa biển đã được ấp tại Côn Đảo 40 ngày tuổi về tiếp tục ấp tại Cù Lao Chàm, thạc sĩ Lê Xuân Ái - nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết, đó chính là kết quả đúc kết từ những nghiên cứu âm thầm của đội ngũ cán bộ Vườn quốc gia Côn Đảo.

Thạc sĩ Lê Xuân Ái cho biết, do trứng rùa tại Côn Đảo được xem là “hàng quốc cấm” với giá mà “rùa tặc” bán cho du khách có lúc lên đến 200 - 300 nghìn đồng mỗi quả nên lực lượng tuần tra phải căng mình bảo vệ ngày đêm. Để thuận lợi cho công tác bảo vệ, trứng rùa sau khi đẻ từ 2 - 8 tiếng đồng hồ phải được di dời về điểm ấp nở tập trung. Sau thời gian này, các mạch máu trong phôi sẽ bắt đầu hình thành để đưa chất dinh dưỡng đến nuôi phôi, nếu di dời sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển phôi rùa, trứng sẽ không nở. Trong mùa rùa đẻ, hằng đêm lực lượng kiểm lâm vườn quốc gia đều phải tuần tra để phát hiện các ổ trứng rùa. Có những bãi rùa đẻ ở quá xa, khi lực lượng tuần tra đến nơi thì rùa đã đẻ hơn 8 tiếng đồng hồ, không thể di dời được, đành phải cử lực lượng vốn rất mỏng bảo vệ cho đến khi rùa nở. Đây chính là khó khăn và là nỗi trăn trở của lực lượng tuần tra Vườn quốc gia Côn Đảo trong hàng chục năm. Xuất phát từ thực trạng đó, từ năm 2012 - 2015, cán bộ Vườn quốc gia Côn Đảo đã âm thầm thử nghiệm di dời trứng rùa ở các ngày tuổi khác nhau. Thạc sĩ Lê Xuân Ái kể, qua nhiều lần thử nghiệm với các mốc thời gian sau khi đẻ 10 ngày, 20 ngày, 30 ngày và 40 ngày với việc chấp nhận mất nhiều ổ trứng rùa không nở hoặc nở rất thấp do thử nghiệm, các cán bộ vườn quốc gia đã phát hiện ra, trứng rùa sau 40 ngày đẻ có thể di dời về nơi ấp tập trung với tỷ lệ nở đạt gần 100%. Từ đó tất cả các bãi rùa đẻ ở cự ly quá xa vườn đều áp dụng kết quả nghiên cứu này, góp phần giảm bớt sự cực nhọc cho lực lượng tuần tra vốn rất mỏng của vườn quốc gia.

Cũng như các loài động vật khác, quá trình phát triển phôi của trứng rùa sẽ tốt nhất trong khoảng nhiệt độ ấp 28 - 300C, nếu nhiệt độ môi trường ấp trên 330C trứng sẽ hỏng, không nở được. Có những thời điểm nhiệt độ khu vực ấp trứng rùa ở Vườn quốc gia Côn Đảo lên đến 330C, ông Ái kể, nhiều ổ trứng bị hỏng, cán bộ vườn lại thử nghiệm bơm nước biển lên trên khu vực đất ấp trứng để hạ nhiệt độ do không có đủ nước ngọt. Trứng rùa không thể phát triển trong môi trường nước mặn nên các cán bộ vườn phải điều chỉnh sao cho lượng nước biển cần bơm không được thấm đến ổ trứng đang ấp.

Đến thử nghiệm lần đầu tiên ở Cù lao Chàm

Mặc dầu đã có nhiều kinh nghiệm trong việc ấp nở trứng rùa nhưng thạc sĩ Lê Xuân Ái cũng khá lo lắng khi di dời trứng rùa từ Côn Đảo về ấp nở tại Cù Lao Chàm với khoảng cách hơn 1.000km. Theo ông Ái, việc thử nghiệm di dời trứng rùa tại Côn Đảo dễ thực hiện hơn do cự ly di chuyển gần, chỉ xung quanh vườn quốc gia. Chứ đến nay ở Việt Nam chưa có ai thử nghiệm di dời trứng rùa với khoảng cách cả nghìn cây số như vậy, do quá trình phát triển phôi rùa rất dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài. Cũng chính vì thế, khi một thành viên hội đồng khoa học ở tỉnh đề nghị cho biết tỷ lệ nở của trứng rùa khi di dời từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm là bao nhiêu thì ông Ái không khẳng định được, vì từ trước đến nay đã có ai làm đâu. Nỗi lo lắng đó may mắn đã nhận được sự đồng cảm và động viên của một đồng chí nguyên là lãnh đạo TP.Hội An: “Nở được vài con là tốt rồi!”. “Đó chính là động lực để tôi triển khai nhiệm vụ này” - ông Ái tâm sự.

Thạc sĩ Lê Xuân Ái đón cá thể rùa đầu tiên ấp nở thành công tại Cù Lao Chàm.
Thạc sĩ Lê Xuân Ái đón cá thể rùa đầu tiên ấp nở thành công tại Cù Lao Chàm.

Và việc lúc áp dụng các kết quả nghiên cứu, thử nghiệm ở Côn Đảo để di dời 450 trứng rùa sau khi đẻ 40 ngày về ấp nở tại Cù Lao Chàm được tiến hành. Trứng rùa được cho vào thùng xốp chứa cát, cứ sau một lớp trứng phủ lên một lớp cát, đảm bảo cát phải phủ hết trứng. Thùng xốp được đục lỗ để không khí có thể lưu thông, đảm bảo cho quá trình hô hấp của trứng. Trứng rùa sau khi chuyển từ Côn Đảo về TP.Hồ Chí Minh được chia làm hai phần, một phần thực hiện phương án vận chuyển bằng máy bay, phần còn lại đi bằng đường bộ để thử nghiệm ảnh hưởng của thời gian, phương tiện vận chuyển đến tỷ lệ nở của trứng. Trong quá trình vận chuyển phải đảm bảo thùng chứa trứng không bị xóc để trứng không bị xáo động.

Tại Vườn quốc gia Côn Đảo, thời gian ấp của trứng rùa bình quân từ 51 - 63 ngày. Ông Ái cho biết, tuy nhiên khi ấp ở Cù Lao Chàm, trứng rùa nở sớm hơn so với các ổ trứng đối chứng tại Côn Đảo. Điều này được ông Ái lý giải là do nhiệt độ ở Cù Lao Chàm cao hơn ở Côn Đảo nên thúc đẩy quá trình phát triển của phôi rùa. Có những thời điểm, nhiệt độ tại khu vực ấp Bãi Bắc, Cù Lao Chàm lên đến 340C, bằng kinh nghiệm của mình, thạc sĩ Lê Xuân Ái đã hướng dẫn các cán bộ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm dùng nước biển tưới lên khu vực ấp để làm giảm nhiệt độ xuống còn 300C.

Cả 2 đợt ấp nở trứng rùa tại Cù Lao Chàm đã thành công ngoài mong đợi với tỷ lệ nở đạt hơn 90%. Đó chính là kết quả từ những nghiên cứu, thử nghiệm âm thầm của các cán bộ Vườn quốc gia Côn Đảo được ứng dụng, thử nghiệm lần đầu tiên tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Đó cũng chính là thành quả của sự mạnh dạn, tự tin, lòng say mê nghiên cứu khoa học hòa quyện với tình yêu đối với tài nguyên môi trường biển của những người làm công tác bảo tồn.

QUẢNG LÂM

QUẢNG LÂM