Dân đảo đổi đời nhờ du lịch

VĨNH LỘC 10/10/2017 09:32

Kể từ ngày Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hội An) phát triển du lịch, diện mạo kinh tế - xã hội địa phương có nhiều thay đổi, đời sống đại bộ phận người dân không ngừng được cải thiện, phát triển.

Người dân Cù Lao Chàm có nhiều sinh kế hơn khi du lịch phát triển. Ảnh: V.LỘC
Người dân Cù Lao Chàm có nhiều sinh kế hơn khi du lịch phát triển. Ảnh: V.LỘC

Xã không hộ nghèo

Ông Nguyễn Văn Kim (thôn Bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp) hành nghề xe ôm đã được vài năm nay, trước đây công việc chính của ông là thợ hồ và đi biển, dù vất vả nhưng thu nhập không ổn định. Từ khi Cù Lao Chàm phát triển du lịch, cuộc sống gia đình ông đã dần thay đổi. Khách đến đảo thường yêu cầu ông chở đi thăm thú những nơi trên đảo như Bãi Ông, Bãi Làng, Bãi Hương…, tùy theo lượng khách mỗi ngày ông Kim có thể kiếm được 200 đến 300 nghìn đồng. “So với làm biển thì chạy xe ôm dễ có tiền lại nhẹ nhàng hơn nhiều” - ông Kim tâm sự. Tương tự, từ ngày có thêm nghề xe ôm, kinh tế gia đình anh Nguyễn Văn Pháp được cải thiện hơn. Cũng như ông Kim, công việc trước đây của anh Pháp gắn với chài lưới, nhưng du lịch đã giúp anh có thêm nghề mới. Hiện tại đội xe ôm xã Tân Hiệp có khoảng 75 người hành nghề, bao gồm cả phụ nữ, chủ yếu người Bãi Làng. Mỗi sáng các xe chia phiên tập trung về bến cầu Bãi Làng ngóng tàu từ đất liền ra, đôi lúc không có khách thì tranh thủ chạy về làm việc nhà.  

 Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017 của xã đảo Tân Hiệp cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn xã đạt hơn 18,5 tỷ đồng, đạt 182%. Năm 2016, bình quân thu nhập trên đảo khoảng 34,5 triệu đồng/người. Tân Hiệp được UBND tỉnh tặng giấy khen là xã có thu nhập cao của tỉnh. Từ năm 2015 toàn xã đảo đã không còn hộ nghèo. Năm 2017 cũng là năm đầu tiên Tân Hiệp thực hiện tự cân đối thu chi, trở thành xã đầu tiên trong toàn tỉnh thực hiện việc này.

Bên cạnh các dịch vụ như tham quan, ăn uống, bán hàng lưu niệm, vận chuyển… thì một trong những hoạt động du lịch mang lại thu nhập cao cho người dân Cù Lao Chàm là lưu trú nhà dân (homestay). Hiện trên đảo có khoảng 32 hộ tham gia đón khách theo mô hình lưu trú này. Khách ở lại homestay ngoài sinh hoạt trải nghiệm cuộc sống gia đình cùng chủ nhà còn có thể trực tiếp tham gia các hoạt động lao động sản xuất thường nhật với người dân như chài lưới, đánh cá, làm vườn…. Hiện tại, loại hình homestay ngày càng hút khách đến đảo với thời gian lưu trú trung bình mỗi khách 2 - 7 ngày, cá biệt có khách đăng ký ở nhà dân liên tục hơn 10 ngày. Bà Nguyễn Thị Hiệp, chủ nhân homestay Hiệp Tung (thôn Bãi Hương) cho biết, đối tượng khách thuê nhà chủ yếu là nước ngoài bao gồm gia đình, nhóm bạn bè hoặc những người lớn tuổi muốn ra đảo tìm nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi. Ngoài tham quan quanh đảo, khách còn thuê thuyền thúng đi câu, kéo lưới, tắm biển, lặn ngắm san hô…. “Lợi thế của kinh doanh dịch vụ lưu trú trên đảo là không khí thoáng mát trong lành, thức ăn thì tươi ngon, giá cả không đắt đỏ so với nhiều nơi khác nên hầu hết khách đều hài lòng” - bà Hiệp nói. Ngoài mức giá thuê phòng  100 - 300 nghìn/ngày đêm bao gồm ăn uống, nếu khách có yêu cầu thêm về dịch vụ thì số tiền phát sinh khoảng 200 - 300 nghìn, bình quân mỗi năm gia đình bà đón khoảng 180 khách, tổng thu nhập ước hơn150 triệu đồng/năm.

Theo ông Nguyễn Văn An - Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp, trong số hơn 2.400 nhân khẩu sống trên đảo hầu như ai cũng có việc làm liên quan đến du lịch. Bên cạnh 32 hộ kinh doanh lưu trú, còn có 19  hộ dân kinh doanh dịch vụ nhà hàng, gần 200 hộ buôn bán lặt vặt và hơn 10 ghe đưa khách tham quan đảo. Ngoài ra còn có hàng chục người làm các công việc liên quan khác như bán hàng lưu niệm, hái rau rừng, hái lá thuốc, lặn biển bắt hải sản cung ứng cho khách. “Từ khi du lịch phát triển, đời sống người dân đã được nâng cao và có nhiều sinh kế làm ăn hơn chứ quay về nghề biển như mấy năm trước thì bấp bênh” - ông An nói. Bên cạnh đó, nguồn thu của xã cũng tăng lên từ việc thu phí quản lý bến bãi, đấu giá cho thuê mặt bằng kinh doanh dịch vụ.

An ninh tốt

Ông Nguyễn Xin - Trưởng thôn Bãi Hương (Tân Hiệp) khẳng định, trong 3 năm trở lại đây trên địa bàn thôn không xảy ra vụ trộm cắp nào. Ngoài là địa bàn đứng điểm của lực lượng biên phòng thì ý thức và đời sống người dân cũng đã nâng cao. “Hồi xưa kinh tế khó khăn nhưng bây giờ du lịch phát triển ai cũng làm ra tiền nên không còn xảy ra những vụ trộm cắp nữa, có thèm con gà, con vịt hay muốn ăn uống gì thì bỏ tiền ra mua” - ông Xin cho hay. Hiện toàn thôn có 84 hộ dân, 332 nhân khẩu, chủ yếu làm du lịch dịch vụ, buôn bán nhỏ hoặc vừa làm biển vừa làm du lịch.

Đa số du khách lần đầu đến đảo đều không khỏi bất ngờ khi thấy xe máy để khắp nơi, thú vị hơn khi hầu như các xe không rút chìa khóa mà buộc một sợi dây cột liền vào xe. Lý giải điều này, người dân cho biết trên đảo bốn mặt là biển, diện tích nhỏ, dân số ít nên dù ai có muốn ăn trộm cũng khó thể mang đi tiêu thụ được. Không chỉ vắng bóng trộm cướp, những vụ mất cắp vặt vãnh cũng không xảy ra, kể cả tình hình an ninh trật tự xã hội cũng tốt lên rất nhiều. Theo ông Nguyễn Văn An, ngoài vị trí đặc thù của đảo thì ý thức người dân cũng đã nâng cao. “Du lịch phát triển ai cũng bận rộn kiếm tiền, đâu còn thời gian ăn nhậu hay sử hư như trước đây. Còn cướp giật thì càng không, cướp xong chạy đi đâu được mà cướp, nên có thể khẳng định nếu trước kia trộm cắp 10 phần thì nay chỉ còn 0,01% thôi. Nếu có thì cũng nơi khác mang đến, nhất là mấy tháng mùa đông các thuyền tránh bão từ nơi khác tới lên bờ ăn nhậu nên cũng đôi lúc xảy ra những lộn xộn. Tuy vậy, riêng năm 2016 thống kê toàn xã không xảy ra vụ trộm cướp, mất an ninh trật tự nào” - ông An nói.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC