Chung tay bảo vệ môi trường sống

VĂN PHIN 09/10/2017 13:35

Là vùng trọng điểm của Khu kinh tế mở Chu Lai với hơn 150 ngàn dân sinh sống, vấn đề môi trường đặt ra nhiều thách thức. Vì vậy, huyện Núi Thành đề ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường sống.

Trồng rừng ngập mặn tại một số khu vực để bảo vệ môi trường. Ảnh: VĂN PHIN
Trồng rừng ngập mặn tại một số khu vực để bảo vệ môi trường. Ảnh: VĂN PHIN

Áp lực từ rác thải sinh hoạt

Từ nhiều năm nay, vấn nạn ô nhiễm môi trường do rác thải đã tạo ra nhiều áp lực đối với các ngành liên quan và chính quyền địa phương. Tại Núi Thành, không chỉ ở thị trấn, các khu công nghiệp - nơi tập trung đông dân cư, mà ngay cả ở nhiều vùng nông thôn, rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều cùng với việc không phân loại ngay từ đầu đã gây ra không ít khó khăn cho công tác thu gom, xử lý. Ông Trần Đình Minh - Trưởng phòng Tài nguyên môi trường (TNMT) huyện Núi Thành chia sẻ: “Toàn huyện có tổng số dân là 150 ngàn người. Nếu tính bình quân mỗi người dân xả ra 0,4kg rác thải/ngày, thì cả huyện có đến 60 tấn rác thải cần xử lý. Đó là chưa kể rác thải từ nhà máy, xí nghiệp và rác thải trôi dạt… Đây là áp lực khá lớn khi số lượng rác thải ngày càng tăng, trong khi việc đầu tư cho xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, huyện đã tập trung nỗ lực khắc phục hiện trạng này, nhưng để giải quyết dứt điểm vẫn đang là bài toán khó”.

Tình trạng rác thải khó tiêu hủy như túi ni lông, đồ nhựa và một số rác thải mang tính nguy hại như xác động vật chết vứt bừa bãi khá phổ biến ở nhiều địa phương. Nhiều người dân chưa có thói quen tập kết rác đúng nơi, đúng chỗ mà vứt bừa bãi không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn là nguy cơ phát sinh một số loại bệnh dịch. Công tác thu gom, xử lý vì thế cũng bị ảnh hưởng, nhất là ở nhiều địa bàn nông thôn, vùng ven biển… Thực hiện đề án “Bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 -2020”, huyện Núi Thành đã áp dụng nhiều biện pháp tích cực để bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, trong đó có việc phân phối các thùng chứa rác bằng sắt về tận khu dân cư. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng thùng đựng rác lớn này vẫn chưa phát huy hiệu quả. Do được đặt ở nơi đông dân cư, nhưng rác thải không được phân loại, bốc mùi hôi thối, việc thu gom chưa thường xuyên dẫn đến tình trạng người dân đưa thùng rác ra xa khu dân cư, không bảo quản, làm mất mát, hư hỏng. Từ đó, tình trạng ô nhiễm lại tiếp tục tái diễn. Theo Phòng TNMT huyện, các xã, thị trấn đều đã triển khai việc thu gom rác thải nhưng thay vì nộp lệ phí và đưa rác thải tập kết đúng địa điểm để nhân viên môi trường thu gom thì vẫn còn một bộ phận người dân không chấp hành, đồng thời tự xử lý rác bằng nhiều cách không đảm bảo như đổ xuống sông, kênh mương, tập kết bừa bãi. Cá biệt, một số vùng như xã đảo Tam Hải, các xã dọc sông Trường Giang, người dân còn quen với việc vứt rác thải ra sông, ra biển khiến tình trạng ô nhiễm ngày một trầm trọng.

Vào cuộc đồng bộ

Trước những áp lực không nhỏ trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là ở khu dân cư, huyện Núi Thành đã đề ra nhiều giải pháp, huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và người dân. Sự quyết liệt này đã giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế của công tác môi trường ở địa phương trong thời gian qua. Với đề án bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020, nhằm huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng, mới đây, Ủy ban MTTQ huyện phối hợp với Phòng TNMT và các tổ chức tôn giáo đã ký kết chương trình phối hợp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nội dung tập trung vào các công tác như cung cấp cho các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ và khu dân cư có đồng bào tôn giáo kiến thức về môi trường, biến đổi khí hậu; hỗ trợ các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ, phật tử, tín hữu tôn giáo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và thân thiện với môi trường trong sản xuất và trong cuộc sống... Chủ trương này đã giành được sự đồng thuận cao của các vị chức sắc và tín đồ, phật tử… Đại đức Thích Hạnh Thông - Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Núi Thành chia sẻ: “Việc rải vàng mã khi đưa tang người quá cố là một tập tục đang được vận động giảm thiểu, tiến tới bãi bỏ do ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp mặt trận các địa phương vận động người dân, và được nhiều nơi hưởng ứng. Như ở Tam Giang, sau vài lần vận động, người dân nơi đây đã chấp hành, không còn rải vàng mã như trước nữa”.

Sự vào cuộc của các cấp, các ngành được xem là giải pháp hữu hiệu giúp từng bước khắc phục những hạn chế trong thói quen của người dân về xả rác thải gây ô nhiễm môi trường. Song song với công tác này, hàng loạt biện pháp cũng đang được triển  khai như đẩy mạnh bảo tồn các hệ sinh thái, trồng rừng, tuyên truyền người dân thực hiện giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tự nguyện phân loại, thu gom rác thải. Mặt khác, để giảm thiểu tình trạng nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất gây ô nhiễm thời gian qua, địa phương cũng đã tăng cường giám sát, từ đó có nhiều kiến nghị, đề xuất cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra xử lý. Công tác tuyên truyền, vận động người dân, các nhà máy, xí nghiệp chấp hành đúng chủ trương, các quy định về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh… Với hàng loạt giải pháp, cùng với sự chung tay của các cấp, ngành và người dân, Núi Thành đang hướng tới việc khắc phục những tồn tại, xây dựng thói quen, nếp sống văn minh, gắn với bảo vệ môi trường trong cả cộng đồng.

VĂN PHIN

VĂN PHIN