Trung tâm nuôi dưỡng "người già và trẻ nít"

Phóng sự của TỪ ÂN 07/10/2017 08:31

Sau một ngày lang thang ở Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk ở địa phận Bản Đôn, chúng tôi trêu: “Phải gọi đây là trung tâm bảo tồn… người già và trẻ nít mới đúng”. Bởi tiếng là trung tâm nhưng ở đây chỉ có… 2 con voi con và 2 con voi già được thuê về làm nhiệm vụ “bảo mẫu”. Mấy cán bộ của trung tâm không lấy làm buồn mà còn cổ vũ: “Thì đúng là chúng tôi đang chăm sóc trẻ con và người già. Và chúng tôi mong muốn ở đây ngày càng có thêm nhiều nhiều trẻ con và người già…”.   

Trạm chăm sóc và điều trị voi sau cứu hộ.
Trạm chăm sóc và điều trị voi sau cứu hộ.

Những cuộc trả về bất thành

Trụ sở của Trạm chăm sóc và điều trị voi sau cứu hộ (thuộc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk) là một căn nhà buồn như nhà hoang nằm ven đường. Nhưng bên trong thì chuyện vui đáo để. Đang dở bữa trưa, nhưng thấy khách là anh Phan Phú - Tổ trưởng tổ chăm sóc voi cứu hộ - buông đũa, khoe “vết thương của voi Jun gần như đã bình phục” và dẫn chúng tôi đi thăm. Voi Jun giờ đã hơn 5 tuổi, bị mắc bẫy thú của người dân trong một lần theo đàn đi kiếm ăn năm 2015. Và được Trung tâm Bảo tồn voi cứu về trong tình trạng bị thương rất nặng ở chân và vòi. Sau gần 2 năm chữa chạy, Jun bây giờ trông như một đứa trẻ khuyết tật bước “chấm phẩy” do chân trước bên phải và cái vòi bị thủng đoạn giữa. “Được như hôm nay đã là một kỳ tích bởi lúc mới cứu về, tụi em cứ nghĩ là Jun không sống được vì vết thương quá nặng” - Phú nói.

Một con voi nhà sắp đẻ nhờ… nghị quyết

Nếu không có gì thay đổi thì trong tháng 10 này, H’Ban Nang - con voi nhà đầu tiên của Tây Nguyên sẽ sinh hạ một chú voi con sau 24 tháng mang thai, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk. H’Ban Nang là voi của ông Y Mứ Bkrông ở buôn M’liêng (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) – chuyên phục vụ khách du lịch. Đây cũng là con voi đầu tiên sắp đẻ nhờ Nghị quyết số 78 “Quy định một số chính sách bảo tồn voi” do HĐND tỉnh Ðắk Lắk ban hành tháng 12.2012”. Nghị quyết quy định về “Chính sách hỗ trợ voi nhà sinh sản”, ghi cụ thể mức bồi dưỡng cho các chủ voi tự nguyện đưa voi vào khu chăn thả, để chúng có cơ hội gặp gỡ giao phối, với mức 200 - 600 nghìn đồng/ngày, tùy thời kỳ voi động dục, mang thai, trước hoặc sau sinh, voi đực hoặc voi cái...

Ở một khu đất trống bên cạnh là voi Gold, năm nay gần 2 tuổi. Khác với Jun, voi Gold được cứu về sau một lần… té giếng đúng nghĩa và lạc đàn lúc mới 4 tháng tuổi. Vì Gold lúc đó còn quá nhỏ nên sau khi mang về sơ cứu cho hoàn hồn, những cán bộ của Trung tâm Bảo tồn voi quyết định phối hợp với Tổ chức Động vật châu Á thả về rừng vì sợ ở với con người sẽ không sống nổi. “Nhưng đó là một hành trình gian nan và nguy hiểm với 4 lần thả nhưng không thành công vì không tài nào nhập được đàn” – Phú nhớ lại. Anh trình tự kể về 4 lần thả Gold, rất ly kỳ. Có lần tưởng đã thành công rực rỡ, quay về chưa kịp ăn mừng thì nhận được tin báo người dân thấy Gold đang lững thững đi theo… xe ô tô ngoài đường. Có những lần do tiếp cận quá gần với đàn voi rừng, chỉ cách khoảng 15m, đã thế người đi đâu thì Gold cứ đi theo đó. Đi một hồi thì Gold bất ngờ hú lên, đàn voi rừng bị động nên ầm ào gầm rú chấn động cả một cánh rừng. “Đang định chạy thì chân em bị chuột rút không chạy được. Loay hoay một lúc thì may sao lại leo được lên một ngọn cây. Lúc đó tình hình nguy hiểm đến mức em đã nghĩ đến chuyện… hy sinh vì nghề” - Phú kể.       

Sau 4 lần trả về rừng không thành công (và trên thế giới đến thời điểm này vẫn chưa có con voi nào được trả về thành công), Trạm chăm sóc và điều trị voi sau cứu hộ quyết định mang voi Gold - một “đứa trẻ” 4 tháng tuổi về nuôi dưỡng cùng với voi Jun. “Là việc chẳng đặng đừng bởi trước đây tụi em được đào tạo để khảo sát, thống kê voi hoang dã, nên kỹ năng chăm sóc, dạy dỗ voi con của tụi em gần như là con số không” – Phú nói. Và thế là mọi thứ phải học từ đầu, ngay cả việc đơn giản nhất là cho voi uống sữa thế nào cho đúng cách. Trong phòng ăn của trạm, tôi thấy có một tấm bảng phân công công việc chi chít chữ và gần như là suốt ngày đêm. Phú bảo chăm sóc voi Gold còn vất vả hơn cả chăm sóc trẻ sơ sinh và tốn kém thì không tưởng tượng được (hiện tiền ăn và sữa trung bình của voi Gold một ngày khoảng… 1 triệu, trong khi Jun ít hơn - khoảng 300 ngàn đồng).   

“Em nghĩ đó là duyên số” - Cao Xuân Ninh, thành viên Tổ chăm sóc voi cứu hộ nói về việc nuôi dưỡng và gắn bó với Gold và Jun - “May mắn là chúng tôi được sự hỗ trợ rất lớn về kiến thức, kỹ năng… từ Tổ chức Động vật châu Á”. Đặc biệt ngoài con người, voi Jun và Gold còn được kèm cặp bởi những “bảo mẫu” là hai con voi nhà do trạm thuê về để dạy những kỹ năng mà con người không dạy được. “Hai voi con, đặc biệt là Gold sống được đến hôm nay là một kỳ tích” - Phú liên tục nhắc đến ý này trong suốt cuộc trò chuyện - “Tuy nhiên đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa thể an tâm bởi nguy cơ chết vẫn còn rất cao”.  

Tình yêu thương vô bờ bến

Phan Phú, 29 tuổi, tốt nghiệp đại học Công nghệ sinh học rồi xin vào làm việc tại Trung tâm Bảo tồn voi. Cao Xuân Ninh, 31 tuổi, lại càng chẳng liên quan gì đến voi khi chuyên ngành đại học của anh là kế toán. Cả hai đều chưa vợ và gần như chẳng hề có ý định lấy vợ khi ai nấy râu tóc xồm xoàm bởi “ở đây có 6 thằng đực rựa với nhau, tụi em lại suốt ngày quanh quẩn bên mấy con voi thì có đẹp đẽ, sạch sẽ cũng chẳng ai ngắm” - lời của Phú. Có lúc Ninh ví von “lâu lâu có ai đi ngang đường cái, trong này cả đám bó gối ngồi nhìn ra ngơ ngác như mấy con khỉ”.

Cao Xuân Ninh chơi đùa với voi Gold.Ảnh: H.V.M
Cao Xuân Ninh chơi đùa với voi Gold.Ảnh: H.V.M

Nhưng giờ thì cả Phú và Ninh đều đã trở thành chuyên gia “đọc hành vi và huấn luyện động vật” của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk. Đây là một công việc không nhiều người làm được bởi khó, nhất là việc đọc nhanh tình huống, phán đoán chính xác để có những xử lý phù hợp. Và khó hơn cả là phải có một tình yêu thương động vật - trong trường hợp này là những con voi - vô bờ bến. Nếu không yêu thương thật sự thì với mức lương 5 triệu đồng/tháng như của Phú và 3 triệu đồng/ tháng với một nhân viên hợp đồng như Ninh, “thì tụi em ở nhà làm rẫy còn sướng và nhiều tiền hơn nhiều lần, mắc mớ chi lại hành xác ở đây” - lời của Ninh.

Điều đặc biệt ở Trạm chăm sóc và điều trị voi sau cứu hộ, là những con voi trẻ nít và cả voi già đều được chăm sóc, huấn luyện, dạy dỗ theo phương pháp của các nước phương Tây chứ không theo cách truyền thống của người bản địa là đánh đập, dùng bạo lực để khuất phục. Phú còn là người tiên phong ở Việt Nam trong chương trình “làm giàu cho động vật” bằng cách thiết kế các trò chơi để kích thích trí thông minh và sự vận động của con vật nhằm chống lại sự căng thẳng thường thấy trong môi trường nuôi nhốt. “Cái này tôi học người ta nhưng lại thực hành ở mức vượt yêu cầu. Họ yêu cầu 50% thì tôi làm đến 200%. Mới đây, tôi đã thuyết trình về chủ đề này ở TP.Hồ Chí Minh cho lãnh đạo và nhân viên các sở thú” - Phú kể.

Một trong những ví dụ về sự khác biệt trong nuôi dạy voi ở trạm so với người bản địa là chuyện về con voi nhà tên là H’Nong. Đây là con voi được được trạm thuê về để làm “bảo mẫu” cho voi Gold. Tuy nhiên mới được 2 tháng thì trạm hết tiền nên buộc phải trả lại cho chủ cũ. Nhưng ngạc nhiên là đến ngày về, voi H’Nong kiên quyết không về dù nài voi đã làm đủ mọi cách, kể cả đánh đập. “Là do trong suốt 2 tháng ở với chúng tôi, voi H’Nong chỉ có mỗi việc “chăm con” chứ không phải chở khách du lịch. Đã thế, không những không bị chúng tôi xiềng xích, đánh đập mà còn được đối xử bằng lòng yêu thương. Voi cũng như con người mà thôi” - giọng Phú buồn buồn. Hết cách, trạm, trung tâm bảo tồn voi phải “cầu cứu” Tổ chức Động vật châu Á và tổ chức này đã hỗ trợ tiền thuê voi H’Nong để làm “bảo mẫu” cho voi Gold thêm một năm nữa!

Hiện ở trạm ngoài 2 voi con, 2 voi bảo mẫu (một con 60 tuổi, một con 32 tuổi) còn có thêm một voi nhà tên Thong Khăm 21 tuổi. Thong Khăm vốn là tài sản của Vườn quốc gia Yok Đôn (đơn vị chủ quản của Trung tâm Bảo tồn voi), chuyên phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên gần đây, do thấy những con voi ở trạm được chăm sóc, dạy dỗ tốt hơn, lãnh đạo vườn đã gửi Thong Khăm về đây để cùng… vui hưởng hạnh phúc! “Bên vườn hiện vẫn còn 3 voi nữa đang phục vụ khách du lịch. Chúng tôi hy vọng thời gian tới, tất cả sẽ được quy tụ về đây để chúng tôi chăm sóc một thể. Bây giờ thì giống trại trẻ mồ côi, nhưng chắc chắn sau này, đây sẽ là viện dưỡng lão của những con voi nhà” - Phú cười tếu táo.

Phóng sự của TỪ ÂN

Phóng sự của TỪ ÂN