Nguy cơ khủng hoảng giáo dục toàn cầu
Ngân hàng thế giới (WB) mới đây cảnh báo nguy cơ khủng hoảng chất lượng giáo dục toàn cầu kéo theo nhiều hệ lụy.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim. Ảnh: Reuters |
Thống kê của Liên hiệp quốc cho biết, cứ 10 trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới thì có 6 em không đạt được trình độ cơ bản trong học tập - một dấu hiệu của nguy cơ khủng hoảng giáo dục toàn cầu. Tương tự, nghiên cứu của Viện Thống kê thuộc UNESCO cảnh báo, chất lượng giáo dục tại nhiều ngôi trường kém khiến 600 triệu trẻ em độ tuổi đi học không đạt được kỹ năng cơ bản về môn đọc và toán học. Đặc biệt tại các nước nghèo vùng hạ sa mạc Sahara của châu Phi và các điểm xung đột, việc học tập của các em phần lớn chỉ mong chờ vào những tổ chức cứu trợ quốc tế. Do đó, có đến 88% trẻ em và thanh thiếu niên tại các khu vực trên bước vào tuổi trưởng thành mà không có kỹ năng cơ bản về đọc, tỷ lệ này ở khu vực Trung và Nam Á là 81%. Trong khi đó, tỷ lệ này tại Bắc Mỹ và châu Âu chỉ 14% và chưa đến 10% tại các quốc gia phát triển, giàu có. Điển hình tại Nhật Bản, có đến 99% học sinh tiểu học đạt đến trình độ cơ bản, ngược lại tại đất nước Mali chỉ có 7%.
Bên cạnh đó WB nhấn mạnh, nhiều em đến trường nhưng lượng kiến thức được truyền thụ không đảm bảo gây ra sự lãng phí rất lớn về tiềm năng của con người. Chủ tịch WB - Jim Yong Kim nói: “Cuộc khủng hoảng học tập này là một cuộc khủng hoảng về đạo đức và kinh tế. Đó là một bất công lớn đối với trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới”. WB cũng chỉ ra rằng, học sinh tại những nước nghèo nhất thế giới gặp nhiều khó khăn về điều kiện học tập, chưa kể nhiều em bị suy dinh dưỡng và các vấn đề khác về sức khỏe. Bên cạnh đó, WB nêu rõ, chất lượng giảng dạy trong nhà trường cũng như vấn đề về tiền lương cho giáo viên tại nhiều quốc gia là quá thấp so với mức sống. Điều này khiến một bộ phận giáo viên không quan tâm đầu tư giảng dạy. Nhiều trường học thiếu sự kiểm tra về chất lượng giáo dục... Báo cáo lập luận rằng, không có kiến thức, giáo dục sẽ không đạt được lời hứa loại bỏ đói nghèo, tạo ra cơ hội và mang lại sự thịnh vượng cho mọi người.
Trước thực trạng đó, Tổ chức Hợp tác toàn cầu về giáo dục đang kêu gọi bổ sung hỗ trợ đến năm 2020. Đáng chú ý, đó là mục tiêu tăng thêm 2 tỷ USD vào năm 2020 và các khoản tài trợ mà tổ chức này đưa ra sẽ dành cho 89 quốc gia, nơi chiếm 78% số dân không có cơ hội được đến trường. Liên minh châu Âu thông báo 8% ngân sách viện trợ nhân đạo sẽ chi cho công tác viện trợ giáo dục. Bởi vậy, báo cáo đề xuất một số biện pháp chính sách cụ thể để giúp các nước đang phát triển giải quyết cuộc khủng hoảng này bằng cách đánh giá việc học một cách nghiêm ngặt hơn. Đồng thời thúc đẩy cải cách nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục, góp phần đem lại tương lai tươi sáng hơn cho các em và thế giới sau này. Ngoài ra, WB đề xuất các nước cần tiến hành những đánh giá giáo dục nghiêm túc nhằm theo dõi và cải thiện nền giáo dục. Tổ chức tài chính đa phương này cũng kêu gọi các nước biến trường học thành nơi dành cho những người muốn học, đồng thời giải quyết rào cản về công nghệ và chính trị tại các cấp…
NAM VIỆT