Từ Las Vegas nhớ lại Oklahoma city 1995: Cái ác vẫn hoành hành!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 03/10/2017 20:10

(QNO) - Đêm 1.10 (giờ địa phương), kẻ thủ ác mang tên Stefan Paddock, 64 tuổi, sống cách ngoại ô Las Vegas (Mỹ) một giờ xe, đã lên tầng 32 của khách sạn Mandalay Bay and Casino, dùng súng máy bắn thẳng vào đám đông dự buổi hòa nhạc đồng quê do nghệ sĩ Jason Aldean và các đồng nghiệp đang biểu diễn tại Route 91… Cảnh sát và lực lượng cứu hộ đã sớm vào cuộc khi kẻ khủng bố, được tổ chức IS công nhận là đồng bọn, đã tự sát. Đã có 68 người chết và hơn 400 người bị thương được cảnh sát xác nhận sáng hôm qua (2.10).

khu tưởng niệm sự kiện khủng bố 1995 tại Oklahoma
Khu tưởng niệm sự kiện khủng bố năm 1995 tại Oklahoma (Mỹ). Ảnh: T.Đ.T

Vụ án nổ súng này được coi là tàn khốc nhất trong lịch sử nước Mỹ và đang được tiếp tục điều tra. Sáng sớm hôm qua nhiều nghệ sĩ Mỹ nổi tiếng, trong đó có cả Jason Aldean đã lên tiếng phản đối và chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân. Con gái bạn tôi - anh Phạm Thanh, một doanh nhân tại Đà Nẵng và các bạn học của cháu đang học đại học tại chỗ vừa điện về cho biết cũng đã xếp hàng tham gia hiến máu nhân đạo theo lời kêu gọi của chính quyền.

Nhân vụ việc này, tôi liên tưởng đến vụ khủng bố khác bằng bom tại Oklahoma (Mỹ) năm 1995. Vụ đánh bom khủng bố tại tòa nhà liên bang ngay giữa trung tâm thành phố Oklahoma lúc 9 giờ 1 phút ngày 19.4.1995 được báo chí Mỹ bình luận là một thảm họa tồi tệ nhất nước Mỹ từ hơn 70 năm trước đó. Gần 170 người chết, trong đó có hàng chục trẻ em; 680 người bị thương; hàng trăm ngôi nhà và một thánh đường cổ bị sụp đổ, gần 100 chiếc xe bị phá hủy chỉ trong vòng vài phút! Một sự kiện chấn động và thương tâm đã buộc chính quyền tiểu bang Oklahoma lần đầu tiên phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và Cơ quan Đối phó thảm họa liên bang FEMMA phải nhanh chóng vào cuộc theo lệnh của Tổng thống. Cả thế giới kinh hoàng bởi hậu quả của nạn khủng bố giờ đã lan rộng khắp nơi, kể cả trong lòng nước Mỹ.

Chúng tôi từng đến thăm di tích này vào một buổi sáng tháng 5 trời rực nắng. Vừa đặt chân đến cổng khu tưởng niệm, chợt thấy lòng mình nhói đau khi nhìn vào một tấm khung sắt lớn đính dày đặt những di vật của người quá cố. Những bảng số có ghi tên những người tham dự cuộc thi marathon sắp được tổ chức chưa kịp gắn lên ngực. Những con búp bê, chùm chìa khóa, dây đeo tay, túi xách, bảng số xe, vài chiếc áo, đồ dùng cá nhân khác của các nạn nhân đang phơi ra dưới nắng như một lời tố cáo.

Tấm pa-nô lớn khắc những dòng chữ tạm dịch: “Chúng ta đến đây để nhớ đến những người đã chết, những người bị thương tật và những ai mà số phận của họ đã mãi mãi bị thay đổi. Chúng ta rời đây, xin nhớ rằng bạo lực là tàn khốc. Đài tưởng niệm này có lẽ sẽ giúp chúng ta niềm an ủi, cho chúng ta thêm sức mạnh, sự bình an và thanh thản…”. Tấm bảng đặt ngay tiền sảnh của bảo tàng.

tượng Chúa đã khóc tại khu tưởng niệm Oklahoma
Tượng chúa đã khóc tại khu tưởng niệm Oklahoma. Ảnh: T.Đ.T

Bước vào cổng khu tưởng niệm, sừng sững trước mắt là một bức tường đá hoa cương đen tuyền cao hơn 20m, rộng gấp đôi, với một cửa sổ chính giữa. Bên trên cửa, ở hai mặt là những con số 9:01 và 9:03, tượng trưng cho thời khắc xảy ra thảm họa. Toàn bộ bức tường đen ấy phản chiếu xuống một hồ nước phẳng lặng rộng trên 500m2, luôn đầy nước và chỉ sâu khoảng 10cm, làm tăng lên cảm giác đau xót, căm giận. Bên phải hồ nước là 100 chiếc ghế trống bằng đá, nổi bật trên nền cỏ xanh, người hướng dẫn giải thích đó là biểu tượng cho những chỗ ngồi (chiếc ghế) đã bị bỏ trống của các nạn nhân ở bàn ăn của gia đình họ. Có những chiếc ghế nhỏ hơn là của những đứa trẻ xấu số. Dưới chân từng chiếc ghế, vẫn còn đó một lá cờ nhỏ và vài bông hoa đã héo… Đối diện về bên trái, người ta trồng thêm những hàng “cây phục sinh” - survivor tree - luôn tỏa bóng mát trên các lối đi lát đá màu hồng.

Ngôn ngữ điêu khắc đạt đến đỉnh của cảm xúc và sự thương tâm.

Tôi rảo bước ra bên ngoài khu tưởng niệm, nơi ngày trước là một nhà thờ cổ St Joseph’s old Catheral đã bị phá hủy hoàn toàn do cuộc khủng bố. Tại đây, người ta đặt một tượng chúa Jesu màu trắng cao khoảng 3m dáng cúi đầu, đưa tay lên đôi mắt giữa những trụ đá đen hình trụ vuông có tên “And Jesus Wept”. Và chúa đã khóc!

Phần còn lại của tòa nhà liên bang bên phải, từ năm 2005 khi xây dựng đài tưởng niệm, bang Oklahoma đã cải tạo lại thành một bảo tàng tưởng niệm vụ khủng bố.

Tại đây, hàng năm người ta tổ chức lễ truy điệu và tuần lễ “National week of hope” với nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa.

Tymothy Mc Veigh, tên khủng bố từng là lính Mỹ tham gia chiến tranh vùng Vịnh, đã bị thi hành án tử hình chỉ tròn 3 tháng trước sự kiện 11.9.2001 bằng thuốc độc theo luật chống khủng bố liên bang… Nhưng cái chết ấy vẫn chưa dập tắt được những vụ khủng bố khác càng tàn khóc về sau ngay trên nước Mỹ.

Từ Oklahoma 1995 đến vụ khủng bố ngày 9.11.2011 hay Las Vegas 2017, các ác vẫn còn đó trong lòng nước Mỹ suốt hơn 20 năm mà khổ đau đã trút lên đầu những dân lành vô tội. “Và chúa đã khóc!”. Cho dù nhân danh điều gì, những vụ khủng bố vẫn đều bị toàn nhân loại lên án. Xin chia sẻ nỗi đau của những gia đình nạn nhân và hãy cùng nhau lên án những kẻ khát máu không còn trái tim người, cho dù chúng lẩn khuất nơi đâu!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG