Chăm sóc trẻ bị nhiệt miệng đúng cách
(QNO) - Chắc hẳn các mẹ đã không ít lần bị chứng nhiệt miệng khó chịu hành hạ. Đối với trẻ em, sự khó chịu còn gấp nhiều lần so với người lớn.
Nguyên nhân khiến trẻ bị nhiệt miệng
Nhiệt lưỡi, nhiệt miệng là tình trạng xuất hiện vết loét nhỏ trên lưỡi và trong niêm mạc miệng. Những vết loét này hình thành từ các vết trầy nhỏ do thiếu hụt dinh dưỡng ở trẻ, sau đó lan rộng ra do bị bội nhiễm và có thể xuất hiện tình trạng mưng mủ.
Dấu hiệu khi bị nhiệt miệng
Trẻ quấy khóc, bỏ ăn.
Miệng chảy nhiều nước dãi.
Trong niêm mạc miệng xuất hiện một hoặc nhiều đốm trắng to 1 – 2 mm màu trắng hoặc ngà.
Đốm trắng to dần từ 8 – 10 mm, hơi mọng nước, vài ngày sau đồng loạt vỡ ra tạo thành vết loét.
Nếu không có biến chứng vết loét tự lành sau 10 – 15 ngày rồi lại tái diễn đợt khác tương tự.
Nếu bị nặng có thể gây sốt, nổi hạch.
Cách xử trí khi trẻ bị nhiệt miệng
Khi trẻ bị nhiệt miệng, các mẹ có thể áp dụng các biện pháp điều trị như sau:
Dùng bột sắn dây: Được biết đến với công dụng làm mát cơ thể, giải nhiệt do có tính hàn. Mẹ có thể pha bột sắn dây với nước cho bé uống để giải nhiệt hoặc quấy bột nấu cho trẻ ăn để giảm đau rát.
Uống các loại nước ép chứa nhiều Vitamin C: Mẹ có thể cho bé uống nước ép các loại trái cây như cam, chanh, quýt mỗi ngày để tăng sức đề kháng và giảm sưng nơi vết loét.
Dùng chè xanh: Chè xanh được coi là một chất có tính sát khuẩn cao, giúp giảm viêm, sưng. Mẹ có thể cho bé ngậm và súc miệng với nước chè xanh trong khoảng 3-5 phút, ngày thực hiện 2 lần để vết loét nhanh khỏi.
Bên cạnh chè xanh thì các loại cây như rau ngót, diếp cá đều có tính sát khuẩn cao, thích hợp để điều trị bệnh nhiệt lưỡi, miệng. Mẹ có thể lấy lá rau ngót hoặc rau diếp cá, rửa sạch, xay nhuyễn, sau đó lọc lấy nước, sau đó dùng nước này bôi lên vết loét trên lưỡi và miệng của trẻ, sau 3 ngày thực hiện tình trạng nhiệt lưỡi miệng sẽ giảm dần.
Theo khoe365.net.vn