Giám sát rừng bằng công nghệ viễn thám
Theo dõi biến động rừng, quản lý và bảo vệ rừng từ trên cao bằng công nghệ viễn thám là hướng đi của Quảng Nam.
Mô hình giám sát rừng bằng công nghệ cao.Ảnh: H.LIÊN |
Cấp thiết
Tài nguyên rừng Quảng Nam vốn phong phú và có độ đa dạng sinh học cao. Diện tích rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích với khoảng 450.000ha, rừng trồng khoảng 180.000ha, địa hình rừng núi hiểm trở với 142km đường biên giới giáp Lào. Việc theo dõi, giám sát diễn biến rừng và đất lâm nghiệp là một nhiệm vụ đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên và liên tục, song công tác này thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Bên cạnh yếu tố địa hình thì khó khăn không nhỏ là lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng; việc trang bị công cụ và phương tiện còn lạc hậu; công tác bảo vệ, tuần tra tại các cánh rừng chủ yếu là tại mặt đất, đội ngũ kiểm lâm khó kiểm soát được toàn bộ hiện trạng rừng trong thời gian ngắn… Cũng từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ tháng 10.2015 tới nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ phá rừng quy mô lớn: vụ phá rừng đầu nguồn sông Tranh tại xã Trà Bui (huyện Bắc Trà My); vụ phá rừng pơ mu tại biên giới giáp với tỉnh Sê Kông của Lào (huyện Nam Giang) và mới đây nhất là vụ việc hơn 100ha rừng phòng hộ tại xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước). Thực tế cấp bách đòi hỏi cần phải áp dụng công nghệ cao trong theo dõi diễn biến rừng, quản lý và bảo vệ rừng ngay từ cơ sở.
Chủ trương ứng dụng công nghệ viễn thám kết hợp với GIS trong việc cung cấp thông tin, giám sát tài nguyên rừng vốn được Chính phủ, Bộ NN&PTNT chỉ đạo sát sao. Mới đây nhất, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 1560/QĐ-BNN-TCLN về danh mục công nghệ cao ứng dụng trong lâm nghiệp. Trong đó, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin (thiết bị điện tử, di động) và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; giám sát đa dạng sinh học; giám sát và cảnh báo nguy cơ cháy rừng… là một phần quan trọng trong chủ trương Bộ NN&PTNT. Tại Quảng Nam, chủ trương bảo vệ rừng, giữ rừng bằng công nghệ cao, giám sát địa bàn rừng từ trên cao bằng ảnh vệ tinh là nhiệm vụ cấp thiết giai đoạn 2017-2018, theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo đó, trước mắt Quảng Nam sẽ sử dụng hệ thống phần mềm cập nhật ảnh từ vệ tinh được mua của nước ngoài. Phần mềm sẽ cập nhật liên tục ảnh vệ tinh về hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh theo định kỳ mỗi tuần một lần. Việc kiểm soát hiện trạng rừng từ trên cao sẽ giúp lực lượng bảo vệ rừng nhanh chóng phát hiện các hành vi bất thường tại địa bàn rừng để xử lý triệt để, nhờ được trang bị máy tính bảng thông minh.
Nhiều ưu điểm
Nhiệm vụ xây dựng đề án “Hiện đại hóa, nâng cao năng lực giám sát tài nguyên rừng tỉnh Quảng Nam” được tỉnh giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh xây dựng, chủ trương của tỉnh sẽ áp dụng thí điểm công nghệ vào đầu năm 2018. Được biết, ý tưởng nói trên đã nhận được sự ủng hộ của Bộ NN&PTNT, các nhà tài trợ dự án Trường Sơn Xanh (thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Phía Quảng Nam sẽ nhận được nguồn tài trợ gồm 200 máy tính bảng iPad và hệ thống phần mềm giám sát từ các cơ quan này để hoạt động thử nghiệm. |
Ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, lâu nay việc đầu tư công nghệ, thiết bị trong theo dõi, báo cáo diễn biến rừng cũng như công tác quản lý, bảo vệ rừng còn hạn chế. Nhiều năm nay, ngành kiểm lâm tỉnh chỉ áp dụng GIS, GPS, phần lớn áp dụng cho đội ngũ cán bộ chuyên môn, kỹ thuật là chính, phục vụ công tác quản lý hồ sơ, dữ liệu chứ chưa triển khai trong giám sát, cảnh báo, theo dõi biến động rừng. Báo cáo diễn biến rừng thường chỉ được tổng hợp vào cuối năm dưới hình thức báo cáo từ cơ sở lên theo các đơn vị quản lý hành chính (xã, huyện, tỉnh). “Với quy trình truyền thống này thường xảy ra tình trạng trễ, không đầy đủ, thiếu dữ liệu bản đồ cập nhật, độ chính xác chưa cao. Do đó, việc ngăn chặn, xử lý các hành vi tác động trái phép vào rừng, đất rừng chưa kịp thời, dẫn đến những thiệt hại về tài nguyên rừng rất lớn” - ông Khánh cho biết.
Theo ông Khánh, ưu điểm của công nghệ, phần mềm không cần đến sóng di động, mà sử dụng hệ điều hành android, bắt sóng vệ tinh. Phần mềm cho phép dự báo các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao dựa trên những tính toán khoa học, đưa ra kết quả dự báo nhanh và mang tính cập nhật cao, những dấu hiệu của đám cháy sẽ nhanh chóng được chụp ảnh từ vệ tinh; địa điểm cháy sẽ được phần mềm xác định, khoanh vùng, định vị, giúp đơn vị phòng cháy chữa cháy rừng làm việc hiệu quả hơn. Công nghệ sẽ giúp công tác quản lý bảo vệ rừng từ cấp thôn, xã, chủ rừng lên tới ban quản lý rừng, hạt kiểm lâm cấp huyện, chi cục kiểm lâm tỉnh được đồng bộ, nhanh chóng. Khi xảy ra tình trạng biến động rừng, lực lượng kiểm lâm địa bàn trực tiếp đến hiện trường điều tra, tìm hiểu nguyên nhân vụ việc, thu thập dữ liệu, thông tin, cập nhật vào phần mềm theo các biểu mẫu có sẵn theo quy định, truyền về trung tâm dữ liệu, đến các hạt kiểm lâm, chi cục kiểm lâm. Căn cứ vào đó, lực lượng quản lý sẽ có hướng xử lý kịp thời, triệt để. “Để áp dụng tốt mô hình này, đòi hỏi lực lượng kiểm lâm địa bàn phải được nâng cao năng lực chuyên môn, sử dụng tốt công nghệ, phải thao tác đúng quy trình. Thậm chí, ngay cả các tổ quản lý bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm ở thôn bản cũng phải được tập huấn nghiệp vụ, cùng tham gia quản lý, bảo vệ rừng” - ông Khánh nói.
Bên cạnh thuận lợi, khó khăn trong việc áp dụng công nghệ, phần mềm, thiết bị mới cũng không nhỏ. Theo đó, đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư lớn, trong khi ngân sách địa phương có hạn, cần phải huy động nguồn lực hỗ trợ bên cạnh ngân sách nhà nước. Đây là công nghệ mới nên việc đáp ứng yêu cầu của đội ngũ cơ sở là vấn đề đáng bàn, phải có ít nhất 3 đợt tập huấn cho lực lượng chuyên môn. Một vấn đề nữa là đòi hỏi việc cập nhật công nghệ thường xuyên, kịp thời bởi công nghệ, phần mềm luôn lỗi thời, phải duy trì, nâng cấp hằng năm, chưa kể, lượng máy tính bảng rất lớn sau nhiều năm sử dụng phải được tái đầu tư…
HOÀNG LIÊN