Giúp dân thoát nghèo
Chủ trương “3 cán bộ giúp 1 hộ dân thoát nghèo bền vững” của huyện Nam Trà My trong những năm qua đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đằng sau sự thành công đó, có sự hậu thuẫn đắc lực từ việc hỗ trợ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách - xã hội (CSXH) Chi nhánh Nam Trà My.
Cán bộ tư vấn cho người dân địa phương vay vốn để làm ăn, thoát nghèo. Ảnh: N.D |
Hỗ trợ vốn vay
Tính đến tháng 12.2016, Nam Trà My có gần 6.900 hộ, với 97% là đồng bào dân tộc thiểu số. Dân cư sống phân tán, điều kiện kinh tế - xã hội tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, sản xuất quy mô nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo hơn 64,4%. “Qua khảo sát, bà con ở đây thiếu rất nhiều thứ khiến cho việc cải thiện kinh tế gia đình gặp khó khăn như kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, đặc biệt là nguồn vốn để đầu tư không có. Chính vì vậy, chúng tôi gặp gỡ, tư vấn để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn vay chính sách này” - ông Trần Văn Quang - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Nam Trà My cho biết. Để làm được điều đó, đơn vị đã mở rộng mạng lưới của mình trên toàn địa bàn huyện. Đến nay có 10/10 xã có điểm giao dịch tại tại trụ sở UBND xã. “Với hình thức là các tổ tiết kiệm và vay vốn để làm cầu nối giữa khách hàng và ngân hàng trong quá trình chuyển nguồn vốn, ngân hàng đã tạo lập được một mạng lưới đủ rộng để tư vấn, đảm bảo người dân nào cũng có thể tiếp cận được với vốn vay. Hiện nay, toàn huyện có 130 tổ tiết kiệm và vay vốn, bố trí đều khắp ở 42/42 thôn của 10 xã” - ông Quang cho biết thêm.
Nhờ vậy, nhiều người đã được vay vốn ưu đãi, lãi suất thấp hoặc được hỗ trợ lãi suất để phát triển kinh tế gia đình. Như hộ ông Trần Văn Toàn ở thôn 2 xã Trà Don vay 31 triệu đồng đầu tư phát triển kinh tế sau một năm gia đình ông có 4 con bò, 3ha keo và hơn 500 gốc chuối mốc. Hiện gia đình ông đã có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Hay hộ ông Nguyễn Tấn Nghĩa ở thôn 3 xã Trà Don vay 58 triệu đồng mua 3 cặp bò, 2 con trâu, trồng 400 gốc chuối mốc, đã thoát nghèo năm 2016. “Chúng tôi chú trọng việc kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay từ ngân hàng của các hộ, qua đó, nắm rõ việc sử dụng nguồn vốn có đúng mục đích hay không. Các tổ quản lý sử dụng vốn đã xây dựng kế hoạch kiểm tra đến từng hộ vay vốn để có những đánh giá cụ thể nhằm định hướng cho người dân” - ông Quang cho biết. Năm 2016 ngân hàng đã tổ chức kiểm tra 1.191 hộ trong đó có 1.146 hộ sử dụng vốn đúng mục đích chiếm tỷ lệ 96%, có 45 hộ sử dụng vốn không đúng mục đích (mua xe máy, làm nhà) chiếm tỷ lệ 4%. Qua phân tích của huyện, có 1.163 hộ vay vốn sử dụng hiệu quả đồng vốn, trong đó có 334 hộ vay vốn đã thoát nghèo trong năm qua, 829 hộ vay có khả năng thoát nghèo trong những năm đến và trả nợ được cho ngân hàng khi đến hạn. Có 1.163 hộ vay nhờ vốn vay ngân hàng mà đã ổn định được cuộc sống gia đình.
Sử dụng vốn vay hiệu quả
Để đảm bảo nguồn vốn vay được người dân sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, UBND huyện Nam Trà My đã chỉ đạo các ban ngành cùng vào cuộc, chung tay giúp người nghèo. Chương trình “Cán bộ, công chức, viên chức... giúp hộ nghèo thoát nghèo” với phương châm “3 cán bộ giúp 1 hộ nghèo thoát nghèo” đã được các cơ quan ban ngành tích cực hưởng ứng. Ông Phạm Tích - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nam Trà My cho biết, từ khi có chủ trương này của huyện, đơn vị đã tích cực tham gia. Trong 2 năm 2015 - 2016 và đợt I/2017, Viện Viện Kiểm sát nhân dân huyện đã giúp đỡ 8 hộ nghèo, đăng ký thoát nghèo tại thôn 1 xã Trà Dơn và các thôn 1, 2, 3 xã Trà Vân. “Chúng tôi khảo sát xem gia đình đó có bao nhiêu lao động, có tiềm năng hay không, còn thiếu cái gì và phải đầu tư cái gì để phát triển bền vững. Cứ như vậy, bám sát vào cuộc sống của họ để giúp họ nâng cao ý thức hơn trong việc thoát nghèo” - ông Tích cho hay.
Như hộ ông Nguyễn Văn Nghĩa ở thôn 1 xã Trà Dơn, mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện để khai hoang 3ha đất rẫy, trồng 1ha keo và đầu tư chăn nuôi. “Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hộ ông Nghĩa có nhiều lao động (5 người trong độ tuổi lao động), gia đình có diện tích đất chưa được canh tác khoảng 4ha, có khả năng để triển khai mô hình này, chúng tôi đã tư vấn, giúp đỡ làm hồ sơ, thủ tục vay vốn theo quy định. Hồ sơ vay vốn của hộ ông Nghĩa đã được Ngân hàng CSXH huyện tiếp nhận và đồng ý cho vay với tổng số tiền 23 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế” - ông Tích cho biết thêm. Tương tự, ông Bùi Ngọc Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện, đơn vị đã cùng phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện để tư vấn vốn vay sao cho hợp lý, đảm bảo người dân có thể thoát nghèo bền vững. “Muốn giúp họ thoát nghèo, mình phải hiểu được tập quán cũng như điều kiện của họ có những gì. Từ đó mới tư vấn họ nên phát triển mô hình kinh tế nào cho phù hợp với khả năng cũng như điều kiện ở đó. Nguồn vốn vay nào có lợi cho người dân nhất thì hướng dẫn tiếp cận, làm hồ sơ” - ông Hồng nói. Với cách làm đó, trong năm 2016, Chi cục Thuế Nam Trà My đã giúp ¾ hộ ở xã Trà Cang được đơn vị nhận giúp đỡ thoát nghèo bền vững với nền tảng kinh tế vững chắc.
NGUYỄN DƯƠNG