Gần 49% người cao tuổi ở Hàn Quốc thuộc diện nghèo
Vì nhiều lý do, số người cao tuổi (60 tuổi trở lên) tại Hàn Quốc tham gia thị trường lao động ngày càng tăng.
Nhiều người Hàn Quốc dù đã cao tuổi vẫn làm đơn xin việc.Ảnh: AFP |
Theo thống kê vào thời điểm năm 2015, thế giới có khoảng 900 triệu người cao tuổi, chiếm 12,5%, và con số này có thể tăng lên 2 tỷ người (tức 22% dân số thế giới) vào năm 2050. Nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi năm nay (1.10), Liên hiệp quốc tập trung vào chủ đề “Bước vào tương lai: Khai thác tài năng, đóng góp và sự tham gia của người cao tuổi trong xã hội”.
Tại Hàn Quốc, với tỷ lệ sinh giảm, tuổi thọ trung bình thuộc hàng cao nhất thế giới, quốc gia này đang đối mặt với thách thức không nhỏ vì tốc độ già hóa dân số tăng mạnh. Hiện nay, người cao tuổi chiếm 13% trong tổng dân số khoảng 51 triệu người tại Hàn Quốc (năm 1960 tỷ lệ này chỉ có 3%). Vì điều kiện bản thân, gia đình cũng như mong muốn đóng góp cho xã hội khi còn có thể, người cao tuổi tại Hàn Quốc tiếp tục làm việc ngày càng nhiều.
Từ những đống tro tàn và khó khăn sau chiến tranh Triều Tiên những năm 1950, Hàn Quốc chuyển mình trở thành nền kinh tế phát triển lớn thứ tư ở khu vực châu Á. Đất nước này nổi tiếng với hàng hóa công nghệ cao, thiên đường phẫu thuật thẩm mỹ và nền kinh tế tăng trưởng nhanh… Những thành công đó chủ yếu nhờ vào thế hệ mà nay đã trở thành lớp người cao tuổi. Theo thống kê, có khoảng 31% số người cao tuổi ở Hàn Quốc vẫn tiếp tục làm việc, cao nhất trong khối các nước phát triển. Như trường hợp ông Kim Jin-hwan, năm nay đã 73 tuổi nhưng vẫn nộp đơn tìm việc phù hợp với lứa tuổi của mình. “Những ngày này, chúng tôi bàn về tuổi thọ 100. Tôi chỉ ở lứa tuổi 70 vậy nên còn rất trẻ và còn có khả năng làm việc. Tôi nhận được bao nhiêu tiền công không quan trọng, vấn đề là được lao động, bởi thời gian rảnh khiến tôi trở nên mệt mỏi và lười nhát. Được làm việc là một điều vui!” - ông Kim Jin-hwan chia sẻ.
Nhiều người cao tuổi ở Hàn Quốc vẫn làm việc cho đến khi nào họ không thể. Trường hợp “xem lao động là niềm vui, tiền công không quan trọng” như ông Kim Jin-hwan là may mắn tại Hàn Quốc. Bởi một nghịch lý tại xứ sở kim chi là tuổi thọ càng tăng, số người cao tuổi đối mặt với cảnh nghèo khó càng cao. Theo khảo sát của Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD), có đến 48,6% số người cao tuổi Hàn Quốc là người nghèo, cao nhất trong 34 nước thành viên OECD. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là người cao tuổi tại Hàn Quốc khi còn trẻ đã hy sinh rất nhiều để đầu tư cho con cái, nhất là trong giáo dục với mong muốn tương lai tươi sáng cho các con, nên họ gần như không còn tiền tiết kiệm. Đến khi về già, nhiều người không nhận được sự hỗ trợ từ gia đình hay con cái, mức lương hưu thì không đủ chi tiêu sinh hoạt, do đó buộc họ phải lao động để kiếm sống. Như ông Cho Yong-moon 75 tuổi, nhưng mỗi ngày 9 tiếng, mỗi tuần 5 ngày, sử dụng vé tàu điện ngầm miễn phí để vận chuyển hàng hóa cho một số cửa hàng trang sức và thời trang quanh thủ đô Seoul. Ông Cho Yong-moon cho biết, công việc không hề đơn giản, bởi với người cao tuổi như ông việc bưng bê những thùng hàng nặng là khó khăn và nguy hiểm, thậm chí ông phải đứng hàng giờ trên tàu điện khi chỗ ngồi ưu tiên không còn. Với công việc đó, mỗi tháng ông Cho Yong-moon kiếm được khoảng 500.000 won, chỉ đủ chi phí sinh hoạt cho vợ chồng ông trong 2 tuần. Nhưng ông Cho bảo rằng, ở tuổi như ông vẫn còn có thể lao động là điều may mắn, sẽ giúp giảm gánh nặng cho xã hội.
NAM VIỆT