Cẩn thận với bệnh quai bị
Một trong những căn bệnh thường xuất hiện trong mùa thu - đông là bệnh quai bị và nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
Tiêm phòng vắc xin sởi - quai bị - Rubella tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Ảnh: P.V |
Nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh
Theo bác sĩ Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp do virus Paramyxovirus gây nên. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, tuy nhiên, thời tiết, khí hậu mát, lạnh và khô hanh của mùa thu - đông là điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh quai bị lan truyền mạnh hơn. Bệnh thường gặp ở trẻ em từ 5 - 8 tuổi trong nhóm trẻ em đi nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc tiểu học, cũng có thể gặp ở trẻ lớn và người lớn chưa có miễn dịch quai bị. Dấu hiệu đầu tiên của bệnh quai bị là bệnh nhân cảm thấy nhức đầu, khó chịu, đau trước tai, khó nhai và sợ gió. Triệu chứng này xuất hiện khoảng một đến hai ngày. Sau đó, bệnh nhân sốt cao, chảy nước bọt và sưng hạch một bên mang tai, sau đó sưng hạch dưới hàm ở hai bên mang tai, bệnh nhân cảm thấy đau khi nuốt nước bọt.
Bệnh quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp. Khi bệnh nhân nói chuyện, ho, hắt hơi… thì vi rút có trong nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn ra ngoài, người lành hít phải sẽ có nguy cơ mắc bệnh. Ổ chứa mầm bệnh và nguồn lây truyền của bệnh quai bị là từ người bệnh. Người bệnh, đang trong giai đoạn khởi phát bệnh là nguồn truyền nhiễm nguy hiểm và nhanh chóng nhất. Bác sĩ Huỳnh Công Quang cho biết: “Thời gian ủ bệnh của quai bị thường kéo dài từ khoảng 2 đến 3 tuần. Thời kỳ lây truyền, lúc này vi rút đã có trong nước bọt của bệnh nhân quai bị trước khi khởi phát nên bệnh nhân thường có biểu hiện: sốt, viêm tuyến nước bọt khoảng từ 3 - 5 ngày. Sau khi khởi phát từ 7 - 10 ngày, đây chính là giai đoạn lây truyền của bệnh”.
Biến chứng nguy hiểm
Bác sĩ Huỳnh Công Quang khuyến cáo, bệnh quai bị nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tinh hoàn ở nam giới, viêm buồng trứng ở nữ giới gây vô sinh; viêm não, viêm màng não, viêm tụy… Trong đó, nguy hiểm nhất và hay gặp nhất là biến chứng viêm tinh hoàn gây vô sinh ở nam giới. Anh L.T.H (40 tuổi, xã Quế Phong, Quế Sơn) tâm sự: “Lúc nhỏ tôi bị quai bị. Lúc đó, gia đình khó khăn và kiến thức về chăm sóc, điều trị cũng như phòng các biến chứng của bệnh hạn chế. Tôi chỉ được ba mẹ lấy vôi khoanh vào vùng má bị sưng. Sau đó, hạch lan xuống bẹn. Gia đình và cả chính bản thân tôi cũng không hề biết hậu quả nguy hiểm từ biến chứng của căn bệnh đơn giản này. Khi tôi lập gia đình, qua kiểm tra sức khỏe phát hiện bị viêm tinh hoàn do biến chứng của bệnh quai bị. Một bên tinh hoàn bị teo, nên tôi không có khả năng sinh sản”. Cũng cùng cảnh ngộ với anh H, anh P.H.N (46 tuổi, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) cũng bị quai bị từ nhỏ với biến chứng viêm tinh hoàn. Sau gần 20 năm kết hôn, ngôi nhà anh vẫn vắng tiếng cười nói trẻ con. Anh N. chia sẻ: “Mặc dù hai vợ chồng đã cố gắng chạy chữa trong thời gian dài với nhiều biện pháp Đông y, Tây y nhưng chúng tôi vẫn không có được mụn con. Nay thì tuổi tác đã lớn nên mọi hy vọng với chúng tôi đã dập tắt”.
Mọi người chưa có miễn dịch đều có thể nhiễm vi rút và mắc bệnh quai bị. Do đó, phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là đưa trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên cũng như người trưởng thành chưa có miễn dịch đến các cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng bệnh. Đây chính là phương pháp phòng bệnh quai bị hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần thực hiện vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên súc miệng, họng bằng dung dịch khử khuẩn hoặc nước muối loãng. “Hiện nay, bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cho nên khi có người thân mắc bệnh quai bị, nên đến cơ sở y tế khám để có chỉ định điều trị thích hợp. Không nên tự ý mua thuốc uống cũng như chủ quan để tránh những biến chứng đáng tiếc. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và hạn chế vận động trong thời gian bệnh khởi phát” - bác sĩ Quang thông tin thêm.
PHÚC VIỆT