Xây dựng tộc họ văn hóa ở Phú Ninh

ANH ĐÔNG – VĂN CÔNG 26/09/2017 12:45

Trong những năm qua, công tác xây dựng tộc họ văn hóa ở Phú Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, với nhiều điểm sáng cần được nhân rộng.

Huyện Phú Ninh tổ chức buổi tọa đàm bàn giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng tộc họ văn hóa trên địa bàn huyện. Ảnh: V.C
Huyện Phú Ninh tổ chức buổi tọa đàm bàn giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng tộc họ văn hóa trên địa bàn huyện. Ảnh: V.C

Chăm lo khuyến học

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Ninh, hiện nay, toàn huyện có 75 tộc họ tổ chức lễ phát động ra mắt xây dựng tộc họ văn hóa. Cùng với đó, các tộc họ đã xây dựng tộc ước với các nội dung cụ thể thiết thực. Trong đó, Mặt trận các cấp thường xuyên quan tâm đến việc xây dựng nội dung tộc ước của tộc văn hóa, nhất là từ khi có chủ trương về xây dựng nông thôn mới. Nhiều nội dung xây dựng nông thôn mới được đưa vào quy ước tộc họ văn hóa. Sự ra đời, phát triển của các tộc họ văn hóa trên địa bàn huyện đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động. Điểm sáng dễ nhận thấy nhất mà các tộc họ văn hóa mang lại là những đóng góp cho công tác khuyến học trên địa bàn. Cả huyện có 100% tộc họ văn hóa đã xây dựng quỹ khuyến học, hằng năm tổ chức khen thưởng cho những học sinh vượt khó học giỏi, trúng tuyển vào đại học, giúp đỡ con cháu có hoàn cảnh khó khăn phấn đấu học hết bậc phổ thông. Ông Nguyễn Văn Dõng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Ninh cho biết, các tộc họ luôn chú trọng vận động 100% con cháu đến trường với phương châm “Học vì ngày mai lập nghiệp”. Nhiều tộc họ có những hình thức và biện pháp xây dựng quỹ khuyến học khá độc đáo như mô hình “Vườn cây khuyến học” của tộc Đỗ Trường với trị giá 50 triệu đồng; tộc Hồ (xã Tam Thái) lấy công tác khuyến học, khuyến tài làm trọng, mỗi năm giúp đỡ hơn 50 triệu đồng cho con cháu học tập góp phần cùng với toàn huyện xây dựng và đẩy mạnh phong trào xã hội học tập…

Tộc Nguyễn Văn (xã Tam Thái) là một ví dụ điển hình cho việc chăm lo công tác khuyến học. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Liên - Chủ tịch Hội đồng gia tộc Nguyễn Văn, với lịch sử 600 năm tồn tại gắn liền với quá trình xây làng, lập ấp, vì thế người dân trong tộc Nguyễn Văn luôn gắn kết bên nhau, hướng đến các việc làm tốt đời, đẹp tộc. Được phát động ra mắt xây dựng tộc họ văn hóa vào năm 2008, hiện nay tộc Nguyễn Văn có 8 chi nhánh sống rải rác từ Bắc vào Nam với khoảng 200 hộ, gần 1.000 nhân khẩu. Cùng với việc vận động con cháu tích cực thực hiện tốt các phong trào phát triển kinh tế, lao động sản xuất giỏi, Hội đồng gia tộc Nguyễn Văn luôn chú trọng công tác tương thân tương trợ. Hiện nay, nguồn quỹ tương trợ của tộc hơn 20 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, tộc tổ chức thăm và tặng quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, để động viên con cháu vươn lên trong học tập, Hội đồng gia tộc đã thành lập Chi hội khuyến học khuyến tài. Sau gần 10 năm, tộc họ đã tổ chức khen thưởng cho 450 lượt con, cháu với kinh phí gần 100 triệu đồng. Theo ông Lê Hồng Quân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tam Thái, tộc Nguyễn Văn đã góp phần cùng địa phương xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, là điển hình tiêu biểu trong phong trào xây dựng tộc họ văn hóa ở địa phương.

Nét đẹp tộc họ

Tộc Võ Văn (xã Tam Dân) hiện có khoảng 130 hộ với hơn 500 nhân khẩu, chủ yếu sinh sống tại các địa phương trên địa bàn huyện Phú Ninh. Đời sống các gia đình trong tộc nhiều khó khăn nên tộc họ đã phát động phong trào “ba tốt” (lao động tốt, học tập tốt và xây dựng đời sống văn hóa tốt) để động viên con cháu trong tộc tích cực lao động, phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân đã biết kết hợp chuyển đổi nghề lúc nông nhàn; mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi, từ chỗ độc canh cây lúa chuyển sang trồng dưa hấu, đậu phụng, trồng tiêu, trồng cây lấy gỗ, chăn nuôi heo giống, bò đàn. Ông Võ Tưởng - Chủ tịch Hội đồng gia tộc cho biết: “Hiện nay, thu nhập và đời sống các hộ trong tộc ổn định, phần đông các hộ lao động nông nghiệp có mức thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên, nhiều hộ đạt mức 150 - 200 triệu đồng, trong tộc không còn hộ nghèo”. Hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, bà con trong tộc đã góp hàng chục triệu đồng và hàng trăm ngày công để xây dựng tuyến đường thắp sáng đường quê, làm đường bê tông nông thôn, kênh mương nội đồng, xây dựng các thiết chế văn hóa…

Cùng với đó, nhiều tộc họ xây dựng “Quy chế tổ chức và hoạt động của gia tộc” với nội dung nêu rõ: Mọi thành viên trong gia tộc và tiểu ban khuyến học phải thường xuyên chăm sóc dưỡng dục thế hệ trẻ trưởng thành, không còn cháu con phạm pháp, thất học... Các tộc Trần Văn, Huỳnh Tấn (xã Tam Thành) duy trì mô hình nuôi heo đất, hũ gạo tình thương được 20 triệu đồng/năm để giúp đỡ hộ nghèo. Các tộc Hồ Đức, Nguyễn Thanh (xã Tam Dân) tổ chức mô hình “Góp vốn quay vòng” để hỗ trợ cho những gia đình khó khăn phát triển kinh tế… Ông Nguyễn Văn Dõng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Ninh cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của huyện ủy, sự phối hợp của chính quyền, công tác xây dựng tộc họ văn hóa đã đạt được những kết quả đáng mừng, đời sống của bà con trong tộc sau khi được công nhận danh hiệu văn hóa có nhiều chuyển biến tốt. Qua thực tế cho thấy, vai trò của tộc họ văn hóa không chỉ được phát huy trong Hội đồng gia tộc mà nó còn là nền tảng để phát triển ngày càng nhiều gia đình văn hóa, thôn, khối phố văn hóa, xã, thị trấn văn hóa; chất lượng các tộc họ được quan tâm đầu tư và có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần làm cho đời sống văn hóa trên địa bàn huyện càng đa dạng và phong phú hơn. Đa số gia đình trong các tộc họ văn hóa thực hiện tốt nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh.

ANH ĐÔNG – VĂN CÔNG

ANH ĐÔNG – VĂN CÔNG