Thư viện "Chủ nhật yêu thương"
Thư viện “Chủ nhật yêu thương” tại thôn Đàn Thượng (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) góp phần đưa văn hóa đọc đến các em học sinh một cách hiệu quả.
Đông đảo học sinh đến thư viện đọc sách, vẽ tranh, tô màu… Ảnh: N.Đ.N |
Gọi là thư viện nhưng thật ra đây là phòng đọc sách cộng đồng, được mở cửa vào Chủ nhật hằng tuần, do anh Phan Như Cơ sáng lập và đưa vào hoạt động từ tháng 6.2017. Được các cấp ủy đảng, chính quyền cho phép, anh Cơ đã vận động các hội, đoàn thể, các nhà hảo tâm, những người con quê hương hiện công tác và sinh sống trong và ngoài tỉnh đóng góp được gần 15 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, anh Cơ mua mới 700 đầu sách và một người thân của anh tại TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ 1.000 đầu sách, nâng tổng số đầu sách của thư viện lên 1.700 quyển, với tổng giá trị hơn 30 triệu đồng. Thư viện “Chủ nhật yêu thương” đặt tại nhà sinh hoạt văn hóa thôn Đàn Thượng, mở cửa phục vụ Chủ nhật hằng tuần. Đối tượng phục vụ chủ yếu là các em học sinh. Mỗi ngày mở cửa có từ 35 - 40 em học sinh đến đọc sách, tham gia vẽ tranh, tô màu… hoặc mượn sách về nhà. Mặc dù thời gian đi vào hoạt động chưa nhiều nhưng đã thu hút đông đảo học sinh đến thư viện đều đặn. Qua đó, tạo cho các em thói quen tốt cũng như góp phần đem lại nhiều kiến thức bổ ích. Một phụ huynh ở thôn Đàn Thượng cho biết, thư viện ra đời đúng vào dịp học sinh nghỉ hè, đã thu hút các em đến đọc sách, vẽ tranh. Dịp hè này, nhiều bạn nhỏ thay vì tắm sông, suối, leo trèo cây cối để bắt chim chóc như trước đây, đã tìm đến thư viện đọc sách, giúp phụ huynh yên tâm hơn.
Được biết, anh Phan Như Cơ (SN 1991), tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh vào năm 2014. Sau đó anh thực hiện nghĩa vụ quân sự, được biên chế về đơn vị Phòng không không quân, đóng chân tại TP.Đà Nẵng. Năm 2016 xuất ngũ về địa phương, anh đã tích cực tham gia công tác xã hội. Không chỉ là người sáng lập mà anh còn là nhân viên phục vụ bạn đọc. Anh Cơ chia sẻ: “Được đào tạo đại học chính quy và được tôi luyện trong quân ngũ, tôi nhận thấy trách nhiệm của mình đối với địa phương rất lớn. Từ suy nghĩ đó, tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng phòng đọc sách cộng đồng. Với mô hình này không chỉ phục vụ riêng cho các em học sinh mà sẽ mở cửa phục vụ rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên do chưa có tình nguyện viên nên hiện nay mới mở cửa phục vụ vào Chủ nhật, thu hút các em học sinh vào sinh hoạt nhằm giúp các em tránh xa những trò chơi nguy hiểm”.
Hiện tại anh Phan Như Cơ đã sắm mới được một bộ máy vi tính, chờ internet phủ sóng đến địa phương sẽ phục vụ bạn đọc. Đồng thời đang vận động các hội, đoàn thể, các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí để mua sắm, trang bị nhiều đầu sách khoa học, đời sống, kỹ thuật nuôi trồng. Từ đó, giúp bà con nông dân nâng cao kiến thức để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC