Tàn phá rừng đầu nguồn Tiên Lãnh: Lỏng lẻo công tác bảo vệ rừng
Rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh (Tiên Phước) bị xâm hại trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng không phát hiện ra. Lâm tặc phá rừng không nhằm lấy gỗ mà đốt cháy để đẩy nhanh thời gian chiếm đất trồng rừng. Phóng viên Báo Quảng Nam theo đoàn kiểm tra do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh dẫn đầu vào cuối tuần qua và ghi nhận cảnh hoang tàn của nhiều cánh rừng đầu nguồn nơi đây.
Tin liên quan
|
Gỗ rừng phòng hộ đốt cháy nằm la liệt. Ảnh: P.VINH |
Phá rừng trong diện tích giao khoán
Tại tiểu khu 556 kéo dài đến đỉnh đồi khu Tưởng Niệm và tiểu khu 577 thuộc địa bàn dốc Dằn, hiện trường để lại xác xơ như vừa xảy ra một trận cháy rừng. Từng cây gỗ cháy sém đổ ngã nằm la liệt. Và kế bên là rừng keo đang lên xanh. Tại khoảnh 5 (tiểu khu 557) - nơi người dân phát hiện nhiều héc ta rừng phòng hộ bị xâm hại, qua kiểm đếm ban đầu, có gần 5ha rừng bị xóa sổ hoàn toàn, dấu vết để lại là những gốc cây lớn với đường kính gần 1m. Trong khi đó, ở tiểu khu 556, Ban Quản lý rừng Tiên Phước là đơn vị quản lý đã giao cho nhóm hộ nhận khoán bảo vệ với diện tích hơn 114ha, do ông Phùng Văn Chính (trú thôn 11, xã Tiên Lãnh) làm tổ trưởng. Tuy nhiên, thời điểm này 110ha rừng phòng hộ tại khu vực dội Nà Cau đến sình Chim Chim bị các đối tượng chặt phá để trồng keo. Như vậy, diện tích thực tế mà tổ nhận giao khoán bảo vệ rừng của ông Chính quản lý chỉ còn khoảng 4,7ha. Ông Chính cho biết: “Số tiền mà chúng tôi nhận được để chịu trách nhiệm tuần tra, bảo vệ rừng là quá ít (chỉ có 200 nghìn đồng/ha/năm. Theo hợp đồng, trong 1 quý sẽ được nhận tiền 1 lần, nhưng cả năm 2016 chúng tôi chỉ được tạm ứng trước mấy phần trăm thôi. Đến tháng 8.2017, mới cấp tiền cho bà con. Còn trước đó thì chưa nhận được. Vì vậy, mỗi tháng chúng tôi đi tuần tra một lần, khi phát hiện thì họ đã chặt phá xong”.
Lực lượng chức năng tại hiện trường vụ phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh. Ảnh: P.VINH |
Theo ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, từ năm 2010 đến nay, diện tích rừng trên địa bàn xã Tiên Lãnh bị tàn phá hơn 120ha, diện tích rừng phòng hộ hơn 80ha, còn lại là rừng vừa có chức năng phòng hộ vừa sản xuất. Năm 2016 có khởi tố vụ án nhưng không tìm ra được đối tượng nào. Giải thích về việc gần 5ha đất rừng phòng hộ bị san bằng để trồng keo, Trưởng hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam Bùi Văn Tưởng cho biết, lực lượng chức năng đã xác định được đối tượng chủ mưu thuê người dân chặt phá rừng để lấy đất trồng cây keo là ông Phùng Văn Bảy (xã Tiên Lãnh).
Báo cáo của Sở NN&PTNT trùng khớp với thông tin mà lãnh đạo chính quyền huyện Tiên Phước cung cấp, trong đó lưu ý trong số diện tích rừng bị xâm hại nói trên có hơn 68,2ha giao khoán bảo vệ rừng do Ban Quản lý trồng rừng huyện Tiên Phước hợp đồng giao cho nhóm hộ và hơn 49,3ha ngoài diện tích giao khoán bảo vệ rừng do UBND xã Tiên Lãnh quản lý. Riêng từ đầu năm đến nay, kiểm lâm phát hiện 10 vụ vi phạm trên địa bàn xã, diện tích rừng với chức năng phòng hộ bị thiệt hại gần 25ha. Theo Quyết định số 1115/QĐ-UBND ngày 4.4.2017 của UBND tỉnh thì xã Tiên Lãnh được phân bổ kinh phí để giao khoán bảo vệ rừng với diện tích 1.500,3ha. Trong đó tại tiểu khu 556 là 819ha, tiểu khu 557 hơn 95ha, tiểu khu 551 là 85ha.
Buông lỏng quản lý
Tiếp cận hiện trường và thu thập hồ sơ, chúng tôi nhận thấy, các đối tượng xâm hại rừng đã tính đường đi nước bước rất kỹ. Đơn cử, tại khoảnh 5, tiểu khu 557, lực lượng chức năng phát hiện 7 người đồng bào dân tộc Ca Dong (trú huyện Bắc Trà My) đang gieo hạt keo trên diện tích phá rừng trái phép được xác định gần 5ha. Số lao động này khai đã làm thuê cho ông Phùng Văn Bảy (trú thôn 9, xã Tiên Lãnh). Tuy vậy, Giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Tấn Đức thắc mắc, ông Bảy là hộ nghèo thì không thể có tiền thuê người phá rừng, ông cũng chỉ là người làm thuê và các ngành chức năng cần điều tra làm rõ người đứng đằng sau thuê ông Bảy. Giải thích về nguyên nhân phá rừng Tiên Lãnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho rằng, lỗi do nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng chưa làm hết trách nhiệm theo hợp đồng giao khoán nên không kịp thời phát hiện vi phạm để báo cáo cơ quan chức năng phối hợp xử lý. Công tác phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam với chính quyền địa phương cấp xã và các ngành chức năng chưa đồng bộ nên tình trạng vi phạm xảy ra trong thời gian dài. “Công tác tham mưu của kiểm lâm địa bàn đối với UBND xã trong việc lập kế hoạch tuần tra, truy quét và giám sát địa bàn chưa chú trọng nên tình trạng vi phạm lâm luật còn xảy ra. Đồng thời việc kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và các văn bản chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh đối với Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam chưa thường xuyên” - ông Hưng cho biết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh xem bản đồ quy hoạch rừng Tiên Lãnh. Ảnh: P.VINH |
Quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã Tiên Lãnh do Trạm Kiểm lâm địa bàn xã Tiên Hiệp phụ trách và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Hạt phó Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam (trước thời điểm năm 2017 là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tiên Phước). Khu vực rừng này bố trí 1 kiểm lâm địa bàn nhưng thông tin phá rừng không phải do kiểm lâm, chính quyền địa phương phát hiện mà chính người dân bản địa đã cung cấp cho báo chí. Dư luận đặt dấu hỏi về trách nhiệm của cán bộ kiểm lâm địa bàn. Mặt khác, công tác giao khoán rừng cho nhóm hộ trên địa bàn đã không bám sát thực địa, không cắm mốc ranh giới các loại rừng ngoài thực địa nên dẫn đến hệ lụy các đối tượng xâm hại rừng trên diện tích đã giao khoán, bảo vệ.
Nhận định ban đầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh là đối tượng phá rừng tính toán rất kỹ. Quý 1.2018 thủy điện tích nước, rừng gần nhà máy thủy điện Sông Tranh 3, phía bên kia là đường Đông Trường Sơn đang được thi công xây dựng. Đối tượng tính toán thời điểm tích nước, thời điểm thu hoạch để có thể dễ dàng vận chuyển gỗ keo khai thác. Trong khi đó, chính quyền xã quản lý trực tiếp nhưng có dấu hiệu buông lỏng. Cơ quan kiểm lâm đã khởi tố vụ án nhưng không đủ hồ sơ để chuyển công an khởi tố bị can, hồ sơ không chặt chẽ, thời gian kéo dài, hiện trường thay đổi.
Thực tế đã bộc lộ lỗ hổng trong quản lý, bảo vệ rừng giữa chính quyền địa phương, chủ rừng và cơ quan chức năng. Nhiều vụ cơ quan kiểm lâm phát hiện nhưng chậm hoàn tất thủ tục hồ sơ để chuyển cơ quan điều tra xử lý đối với các vụ vi phạm hình sự về hành vi phá rừng. Khu vực rừng phòng hộ Tiên Lãnh trước năm 2017 do Hạt Kiểm lâm Tiên Phước quản lý, nhưng từ đầu năm 2017 đến nay do Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam quản lý. Tuy nhiên, Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm tỉnh chưa làm việc với các địa phương sau khi sáp nhập, về thay đổi nhân sự, phương án quản lý bảo vệ rừng như thế nào. Chi cục Kiểm lâm xác lập hồ sơ khởi tố vụ án chưa chặt chẽ, kéo dài thời gian. “Vụ án này Công an tỉnh xem xét có thể rút hồ sơ lên tỉnh để xử lý, xử vụ án điểm để mang tính răn đe, bất kể đối tượng là ai. Kẻ chủ mưu có tiềm lực về tài chính, đối tượng này không hề đơn giản. Chính quyền huyện Tiên Phước phối hợp với cơ quan kiểm lâm xác định chính xác diện tích rừng bị phá, bản chất vấn đề ở đây là gì? Huyện khẩn trương giao đất giao rừng cho dân, xác định rõ hộ gia đình nào có điều kiện thực sự, đồng thời nghiên cứu lại phương án khoán cho nhóm hộ” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu.
H. PHÚC - P.VINH