Phá rừng ở Tiên Lãnh: Phải xử lý án điểm để răn đe

PHAN VINH 23/09/2017 13:32

Tin liên quan

  • Yêu cầu xử lý nghiêm vụ phá rừng phòng hộ ở Tiên Lãnh
  • UBND tỉnh lập đoàn kiểm tra vụ phá rừng ở Tiên Lãnh
  • Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm vụ phá rừng ở Tiên Lãnh
  • Tiên Lãnh: Tàn phá nhiều héc ta rừng tự nhiên để lấy đất trồng keo

(QNO) - Hơn 100ha rừng phòng hộ đầu nguồn thủy điện Sông Tranh 3 (xã Tiên Lãnh, Tiên Phước) bị tàn phá chỉ trong vài năm lại đây. Nguyên nhân do đâu? 

Đoàn kiểm tra tham khảo bản đồ trước khi lên đường vào hiện trường. Ảnh: K.N - P.V
Đoàn kiểm tra do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh (trái) dẫn đầu tham khảo bản đồ trước khi lên đường vào hiện trường vụ phá rừng. Ảnh: K.N - P.V

Tại tiểu khu 556 (xã Tiên Lãnh), tổ nhận giao khoán bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý trồng rừng Tiên Phước do ông Phùng Văn Chính (55 tuổi, thôn 11, xã Tiên Lãnh) làm tổ trưởng nhận giao khoán hơn 114ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã có 110ha rừng phòng hộ bị chặt phá để trồng keo. Như vậy, diện tích rừng mà tổ ông Chính đang quản lý chỉ còn khoảng hơn 4ha.

Giải thích nguyên nhân, ông Chính nói: “Số tiền chúng tôi nhận để chịu trách nhiệm việc tuần tra, bảo vệ rừng là quá ít, chỉ có 200 nghìn đồng/ha/năm. Theo hợp đồng, 1 quý sẽ được nhận tiền 1 lần, nhưng cả năm 2016, đến gần cuối năm chúng tôi chỉ được tạm ứng trước mấy phần trăm. Đến tháng 8.2017 mới cấp tiền cho bà con. Vì vậy, mỗi tháng chúng tôi tổ chức đi tuần tra 1 lần, khi phát hiện thì họ đã chặt phá xong”.

Trong khi đó tại khoảnh 5, tiểu khu 557, theo ghi nhận tại hiện trường, đã có 5ha rừng phòng hộ bị phá trắng. Trong đó có những gốc cây lớn, đường kính gần 1m.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh có mặt tại hiện trường vụ phá rừng ở tiểu khu 557. Ảnh: K.N - P.V
Hiện trường vụ phá rừng ở tiểu khu 557. Ảnh: K.N - P.V

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT, từ năm 2010 đến ngày 15.9.2017, trên địa bàn xã Tiên Lãnh đã phát hiện và lập hồ sơ 54 vụ phá rừng để lấy đất sản xuất, chủ yếu trồng cây keo, gây thiệt hại gần 125ha rừng tự nhiên. Trong tổng số diện tích rừng thiệt hại nói trên có hơn 68,2ha giao khoán bảo vệ rừng do Ban quản lý trồng rừng huyện Tiên Phước giao cho nhóm hộ và khoảng 49,3ha ngoài diện tích giao khoán bảo vệ rừng do UBND xã Tiên Lãnh quản lý.

Riêng năm 2017 phát hiện 10 vụ vi phạm, diện tích rừng thiệt hại hơn 24,7ha (rừng có chức năng phòng hộ). Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam đang phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương điều tra, xử lý. Trước đó, UBND huyện Tiên Phước đã ban hành quyết định thu hồi diện tích vi phạm và giao cho UBND xã Tiên Lãnh quản lý 19 vụ/52,994ha, khởi tố hình sự 10 vụ và đang điều tra, xử lý 25 vụ. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trao đổi với người dân địa phương. Ảnh: K.N - P.V
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trao đổi với ông Phùng Văn Chính - tổ trưởng tổ nhận giao khoán bảo vệ rừng. Ảnh: K.N - P.V

Cần nâng mức hỗ trợ giao khoán rừng

Để nâng cao chất lượng của tổ nhận giao khoán bảo vệ rừng, ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT và ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cùng cho rằng, địa phương cấp xã cần có một khoản kinh phí riêng, nâng mức hỗ trợ cho các hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng. Có như vậy, các tổ nhận giao khoán bảo vệ rừng này mới phát huy được hết năng lực và toàn tâm toàn lực hoàn thành nhiệm vụ.

Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nguyên nhân dẫn đến nhiều diện tích rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh bị chặt phá là do nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng chưa làm hết trách nhiệm theo hợp đồng giao khoán nên không kịp thời phát hiện vi phạm để báo cáo cơ quan chức năng phối hợp xử lý. Công tác phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam với chính quyền địa phương cấp xã và các ngành chức năng chưa đồng bộ nên tình trạng vi phạm xảy ra trong thời gian dài, với quy mô lớn nhưng việc phát hiện vi phạm và điều tra xử lý chưa kịp thời.

“Công tác tham mưu của kiểm lâm địa bàn đối với UBND xã trong việc lập kế hoạch tuần tra, truy quét và giám sát địa bàn chưa chú trọng. Vì vậy tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng còn xảy ra. Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và các văn bản chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh đối với Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam chưa thường xuyên, nên chưa kịp thời uốn nắn các sai phạm, thiếu sót của cơ sở” - ông Hưng nêu nguyên nhân.

Nhiều phách gỗ xẻ xuất được phát hiện tại hiện trường. Ảnh: K.N - P.V
Nhiều phách gỗ xẻ tại hiện trường. Ảnh: K.N - P.V

Ngày 22.9, dẫn đầu đoàn công tác có mặt tại hiện trường vụ phá rừng ở tiểu khu 557, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết: “Sau khi trao đổi với người dân nhận giao khoán rừng, thì tôi biết được hằng tháng họ có đi tuần tra, cũng có gửi báo cáo về xã nhưng sự phản ứng lại rất chậm”. Phó Chủ tich UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng công tác nắm bắt tình hình, quản lý bảo vệ rừng, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương từ UBND huyện, Ban quản lý trồng rừng huyện Tiên Phước đến lực lượng kiểm lâm và các tổ nhận giao khoán bảo vệ rừng còn nhiều bất cập cần được làm rõ.

Clip ghi nhận tại hiện trường:

.

“Vụ án này Công an tỉnh cần xem xét tính chất nghiêm trọng để có thể rút hồ sơ lên tỉnh xử lý, xử vụ án điểm để mang tính răn đe, bất kể đối tượng là ai. Phải tìm ra kẻ chủ mưu để xử lý đúng người đúng tội, luật pháp kêu gọi mọi người tố giác để tìm ra thủ phạm. Có thể nhận định, kẻ chủ mưu có tiềm lực về tài chính, đối tượng này không hề đơn giản. Huyện Tiên Phước cần phối hợp với lực lượng kiểm lâm xác định chính xác diện tích rừng bị phá. Các bên cần hết sức trách nhiệm, hết sức cầu thị, tìm ra bản chất vấn đề ở đây là gì?” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chỉ đạo.

PHAN VINH

PHAN VINH