Thương hiệu việt dã

AN NHI 23/09/2017 07:15

Bên cạnh các cuộc đua gay cấn ở nội dung hệ phong trào, có thể thấy nhân tố quan trọng góp phần làm nên sức hấp dẫn của giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam lần thứ 21 năm 2017 (diễn ra hôm qua, 21.9) chính là hệ chuyên nghiệp.

Niềm vui chiến thắng của VĐV khi về đích. Ảnh: AN NHI
Niềm vui chiến thắng của VĐV khi về đích. Ảnh: AN NHI

Vừa trải qua một kỳ SEA Games khốc liệt trên đất Malaysia, “giải tỏa” sự quan tâm lo lắng của không ít người, một số vận động viên (VĐV) đội tuyển quốc gia vẫn tiếp tục “xỏ giày” đến với giải Việt dã Báo Quảng Nam. Quyết định “về với Quảng Nam” của những gương mặt “hàng tuyển” rõ ràng đã tạo thêm khí thế, giúp cho giải thêm một lần nữa khẳng định thương hiệu là một trong những sân chơi việt dã hấp dẫn và chất lượng tầm quốc gia.

Sau 7 năm tổ chức hệ chuyên nghiệp dành cho đội tuyển các tỉnh, thành phố trên cả nước, đã có khá nhiều tài năng trẻ lẫn đội tuyển quốc gia coi đây là “sân khấu” để trình diễn mình. Đồng thời, qua đó góp phần nâng cao chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm thi đấu chuẩn bị cho các đấu trường lớn hơn. Thực tế có nhiều VĐV tham gia giải Việt dã Báo Quảng Nam sau đó trưởng thành, gặt hái được nhiều thành tích tốt ở giải quốc gia và khu vực. Gần nhất là tại SEA Games 29 vừa qua, có ít nhất 6 gương mặt từng góp mặt ở giải Việt dã Báo Quảng Nam đem về cho tổ quốc 5 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ gồm Nguyễn Thị Oanh, Dương Văn Thái, Nguyễn Văn Lai, Phạm Thị Huệ, Hoàng Thị Thanh và Phạm Thị Hồng Lệ. Vì vậy, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hồ Tấn Cường “không quá lời” khi cho rằng, giải Việt dã Báo Quảng Nam trở thành điểm tựa cho các VĐV trên cả nước thi đấu đạt thành tích tốt tại các giải quốc gia, quốc tế.

Còn nhớ lần vào Quảng Nam dự giải năm 2016, chia sẻ với người viết về việc hỗ trợ kinh phí cho đoàn VĐV các tỉnh, thành phố, trung tâm, ông Dương Đức Thủy - Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT cho rằng “đó là việc rất tốt”. Song, theo ông, thay vì hỗ trợ sẽ chuyển phương án sang nâng mức tiền thưởng cao lên để tạo ra sự hấp dẫn đối với VĐV và các đoàn, giúp họ thi đấu nỗ lực hơn, cạnh tranh hơn. Từ đó cũng sẽ giúp cho Ban tổ chức giải không phải lấn cấn câu chuyện “tấm chăn hẹp” trong vấn đề kinh phí để rồi hạn chế số lượng địa phương tham gia.

 Đó là một ý tưởng hay cần tham khảo. Thực tế có một số giải đấu các đoàn phải nộp kinh phí để được tham gia. Tuy nhiên, mỗi giải có quy mô, mức độ, sức lan tỏa khác nhau. Năm nay, vẫn giữ nguyên số tiền cấp cho các đoàn với tinh thần “hỗ trợ tiền tàu xe”, riêng tiền thưởng được nâng lên gần gấp đôi so với trước đây, trong đó giải nhất cá nhân 1 triệu đồng. Có thể với những VĐV đội tuyển quốc gia như Nguyễn Thị Oanh hay Phạm Thị Huệ thì mức thưởng này “không là gì” so với số tiền thưởng sau khi họ giành thành tích ở SEA Games 29 (mức thưởng theo quy định của nhà nước thì Oanh 2 HCV được thưởng 90 triệu đồng còn Huệ 2 HCB thưởng 50 triệu đồng). Dẫu vậy, có lẽ điều quan trọng hơn đối với các VĐV là có được sân chơi đẳng cấp để thể hiện mình và cống hiến cho người xem.

Qua những con số ấn tượng như giải lần thứ 21 này, hơn 2.000 VĐV của 140 đoàn tham gia, năm thứ 7 mở thêm hệ đội tuyển với 15 tỉnh, thành phố, trung tâm HLQG trên cả nước, trong đó có nhiều gương mặt tuyển thủ quốc gia tranh tài, rõ ràng giải Việt dã Báo Quảng Nam đã định vị được thương hiệu của mình.

AN NHI

AN NHI